“Chúng tôi lo ngại rằng đường băng và các cơ sở hạ tầng bến cảng ở Dara Sakor đang được xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự”
Tại tỉnh Koh Kong (Campuchia), các nhà thầu Trung Quốc đang gấp rút hoàn thành sân bay quốc tế Dara Sakor và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu chiến.
Công ty Trung Quốc phụ trách xây cảng và sân bay kể trên khẳng định chúng chỉ phục vụ mục đích dân sự. Nhưng quy mô của thỏa thuận giao đất tại Dara Sakor đang khiến không ít người hoài nghi.
Theo NYTimes, các hoạt động tại Dara Sakor và tại những dự án lân cận do nhà thầu Trung Quốc triển khai làm dấy lên quan ngại rằng, Bắc Kinh đang có kế hoạch biến Campuchia trở thành một tiền đồn quân sự của riêng mình.
“Tại sao Trung Quốc lại muốn xây đường băng giữa rừng rậm? Công trình này sẽ giúp Trung Quốc phát huy sức mạnh không quân ra toàn khu vực, làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”, ông Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Đại học phương Tây ở Los Angeles, Mỹ, nhận định.
Khi mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, Trung Quốc phải cạnh tranh với chiếc ô an ninh mà Mỹ đã dựng lên tại khu vực từ hàng thập kỷ trước. Nhưng ở Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đang có xu hướng quay lưng với Washington và đón nhận nồng nhiệt Bắc Kinh, hiện là nhà đầu tư kiêm đối tác thương mại lớn nhất của Phnom Penh.
Tại khu vực bờ biển Dara Sakor ở tây nam Campuchia, giới chức quân sự Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền nhằm mở rộng một căn cứ hiện nay của hải quân Campuchia.
“Chúng tôi lo ngại rằng đường băng và các cơ sở hạ tầng bến cảng ở Dara Sakor đang được xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự bởi quy mô của nó vượt xa nhu cầu hạ tầng cho hoạt động thương mại cả ở hiện tại và tương lai”, Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc thông tin.
“Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm hoan nghênh quân đội nước ngoài hiện diện ở nước này cũng đều sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định tại khu vực”, đại tá Eastburn nói thêm.
Cách Dara Sakor khoảng 80 km, một dự án bất động sản của Trung Quốc đang mọc lên. Đó là khu nghỉ dưỡng quốc tế Sealong Bay có cảnh quan biển và đầu bếp Trung Quốc. Nhưng dự án bên cạnh nó mới thu hút được chú ý: Căn cứ hải quân Ream, lớn nhất Campuchia.
“Tất cả những dự án này đều bao trùm sự mơ hồ bởi bạn không bao giờ biết chắc điều gì đang diễn ra”, Devin Thorne, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, trụ sở ở Washington, bình luận.
Hồi tháng 7, Wall Street Journal đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần quân cảng Ream trong vòng 30 năm.
Những đồn đoán về Ream bắt đầu bùng lên trong tháng 7/2019 khi Mỹ, bên đã đáp ứng yêu cầu từ Campuchia tân trang lại một phần căn cứ, nhận được thông báo rằng Campuchia không còn muốn người Mỹ giúp đỡ.
“Việc rút lại yêu cầu 6 tháng sau đó gây bất ngờ và đặt ra câu hỏi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eastburn cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat đã lên tiếng phủ nhận thông tin nước này yêu cầu Mỹ cung cấp kinh phí tân trang căn cứ Ream.
“Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng. Chúng tôi có cần nhờ người Mỹ giúp không? Chúng tôi có cần nài nỉ Mỹ thực hiện dự án này không?”, tướng Chhum Socheat nói.
Các quan chức Trung Quốc và Campuchia cũng bác bỏ thông tin Campuchia trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần quân cảng Ream.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gọi tin đồn về việc cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự tại nước này là “tin giả”. Ông nhấn mạnh, Hiến pháp Campuchia “không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự” ở nước này.