Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLiên tục các vận động viên thể thao quốc tế bày tỏ...

Liên tục các vận động viên thể thao quốc tế bày tỏ quan điểm về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương của TQ

Từ bóng rổ đến bóng đá và bóng bầu dục, các vận động viên và huấn luyện viên nổi tiếng đã bày tỏ quan điểm và lên án tình trạng “vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương và Hồng Kông của Trung Quốc. Mới nhất, việc cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Sonny Bill Williams phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương đang thu hút sự chú ý của dư luận và gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh.

Cầu thủ bóng bầu dục Sonny Bill Williams và hình ảnh một bàn tay in cờ Trung Quốc vặn một cánh tay in cờ Đông Turkestan trên Twitter. (Nguồn: Twitter)

Hồi tháng 10, Huấn luyện viên trưởng đội bóng rổ Houston Rockets Daryl Morey bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình ở Hồng Kông trên Twitter. Trong bài viết trên mạng xã hội hôm 13/12, tiền vệ đội bóng Arsenal Mesut Ozil (Anh) đã lên án những người Hồi giáo giữ im lặng về vấn đề Tân Cương. Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc hôm đó cắt sóng trận Arsenal – Manchester City và chỉ trích bình luận của Mesut Ozil là phiến diện và có dụng ý xấu. Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2019 thể thao và chính trị Trung Quốc bất đồng.

Sau Mesut Ozil của Arsenal và huấn luyện viên Daryl Morey, mới đây nhất hôm 23/12, cầu thủ bóng bầu dục Sonny Bill Williams cũng phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Sonny Bill Williams là người New Zealand, theo đạo Hồi từ năm 2009. Vận động viên này đã đăng hình ảnh một bàn tay in cờ Trung Quốc vặn một cánh tay in cờ Đông Turkestan, vốn được những người ủng hộ ly khai sử dụng để chỉ vùng Tân Cương trên Twitter cá nhân của mình, kèm theo bình luận “thật đáng buồn khi chúng ta lựa chọn các lợi ích kinh tế thay vì nhân loại”. Williams từng hai lần vô địch World Cup bóng bầu dục cùng đội tuyển New Zealand vào năm 2011 và năm 2015, từng là ngôi sao bóng bầu dục đắt giá nhất thế giới sau khi ký bản hợp đồng trị giá 10 triệu USD có thời hạn hai năm với câu lạc bộ Toronto Wolfpack của Canada.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ước tính có gần hai triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác đã bị đưa đến các “trại cải huấn” ở Tân Cương. Những người từng bị giam giữ và người Duy Ngô Nhĩ lưu vong cho rằng đây là một chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa và tập tục của họ, biến họ trở thành các “công dân yêu nước nói tiếng Trung”. Quốc hội đã thông qua và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật về nhân quyền Tân Cương và Hồng Kông. Đáp trả, Chính quyền Trung Quốc liên tục phản đối các “trung tâm dạy nghề tình nguyện” của họ bị gọi là “trại giam”. Trong một cuộc họp báo hôm 19/12, đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp cho biết tất cả “học viên” ở các trung tâm dạy nghề Tân Cương đã tốt nghiệp song không cung cấp bằng chứng.

RELATED ARTICLES

Tin mới