Mặc dù là tàu sân bay mới đóng của Trung Quốc, song Sơn Đông vẫn chưa được đánh giá cao như các tàu sân bay hiện đại đang được Mỹ vận hành trên khắp thế giới.
Trung Quốc ngày 17/12 đã biên chế tàu sân bay Sơn Đông thuộc lớp Type-001A. Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình tại một căn cứ hải quân ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng, sau tàu sân bay Liêu Ninh được cải tiến từ một tàu cũ của Liên Xô.
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh có thể chở được 24 máy bay chiến đấu J-15, trong khi tàu sân bay Sơn Đông có thể chở tới 36 máy bay J-15, cùng các các máy bay yểm trợ và trực thăng.
Tuy nhiên, ngay cả Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng Mỹ hiện vận hành nhiều tàu sân bay lớn hơn tàu sân bay của Trung Quốc.
Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ có khả năng chở theo 60 máy bay, trong khi tàu sân bay lớp Ford mới nhất có thể chở tới 75 máy bay. Xét trên phương diện này, ngay cả tàu sân bay Sơn Đông mới nhất của Trung Quốc cũng “lép vế” hơn so với các tàu sân bay Mỹ.
Giới phân tích cũng nhận định rằng Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo và vận hành các tàu sân bay. Trong khi đó, Mỹ là một trong những nước đi đầu về công nghệ tàu sân bay.
Tàu sân bay Sơn Đông có lượng giãn nước 65.000 tấn. So với các tàu sân bay lớp Nimitz và lớp Ford của Mỹ với lượng giãn nước 100.000 tấn, tàu sân bay của Trung Quốc vẫn nhỏ bé hơn.
Các tàu sân bay của Mỹ về cơ bản là những đường băng di động nổi trên biển, với boong tàu đủ dài để máy bay có thể cất cánh nhờ máy phóng, và sau đó hạ cánh bằng cáp hãm đà. Khác với cơ chế máy phóng hiện đại trên tàu sân bay Mỹ, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc chỉ vận hành cơ chế cất cánh cầu nhảy dành cho các máy bay quân sự.
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz (Ảnh: Military)
Theo National Interest, tàu sân bay Sơn Đông được hạ thủy từ năm 2017 và cho đến nay đã trải qua 6 cuộc thử nghiệm trên biển. Không phải tất cả các cuộc thử nghiệm đều diễn ra suôn sẻ, thậm chí các cuộc thử nghiệm gần đây nhất còn cho thấy những vấn đề mà tàu sân bay này đang gặp phải.
Một điểm yếu và cũng là điểm khác biệt của tàu sân bay Trung Quốc so với tàu sân bay Mỹ là khả năng tác chiến xa bờ.
Là lực lượng quân sự quen với việc phô diễn sức mạnh và uy thế toàn cầu, Mỹ trông cậy vào các tàu sân bay khổng lồ, có khả năng di chuyển tới những khu vực xa xôi và phóng được tương đối nhiều máy bay. Một đội bay gồm hơn 60 máy bay trên tàu sân bay Mỹ tương đương với khoảng 3-4 phi đội của Lực lượng Không quân.
Trong khi đó, hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, tàu sân bay Sơn Đông có thể sẽ chỉ hoạt động tại các vùng biển ở gần đất liền hoặc các đảo của Trung Quốc, nơi tàu sân bay này nhận được sự hỗ trợ từ các máy bay hoặc tên lửa triển khai trên mặt đất. Như vậy, tàu sân bay Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tác chiến ở những khu vực xa và trong thời gian dài.
Không giống các tàu sân bay Mỹ sử dụng động cơ hạt nhân, cả tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc đều sử dụng động cơ diesel. Giới phân tích nhận định động cơ diesel không thể đảm bảo tốt nhất về hiệu quả hoạt động, tốc độ và tuổi thọ của tàu sân bay.
Một vấn đề đặt ra cho quân đội Trung Quốc là hai tàu sân bay của nước này hiện chỉ có thể vận hành máy bay chiến đấu J-15 do Bắc Kinh chế tạo. Trong khi đó, các tàu sân bay của Mỹ có thể vận hành nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau.
J-15 được cho là không phải dòng máy bay chiến đấu hiệu quả khi hoạt động trên tàu sân bay. Đây có lẽ là máy bay chiến đấu nặng nhất cất cánh từ tàu sân bay hiện nay. Vì sức nặng này, cộng với hệ thống phóng trên các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, Hải quân Trung Quốc buộc phải hy sinh một phần năng lực tác chiến của J-15 để chúng có thể hoạt động trên tàu sân bay.