Peter Navarro, một cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, người đã tác động đến chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc và thúc ép duy trì áp dụng thuế quan bất chấp sự phản đối của các cố vấn cấp cao khác, ngay cả khi Tổng thống Trump đã chấp nhận một thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, theo NYT.
Khi Tổng thống Trump tập hợp các nhà cố vấn kinh tế hàng đầu của mình tại Nhà Trắng để quyết định có nên thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc hay không, Peter Navarro, cố vấn thương mại diều hâu của ông, đã sẵn sàng với một loạt các lập luận chống lại động thái này.
“Một thỏa thuận loại bỏ bất kỳ thuế quan nào của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ trông yếu đi”, ông Navarro lập luận tại cuộc họp, và ông đã tuyên bố những người tán thành ý tưởng này là “những người theo chủ nghĩa toàn cầu”, theo một quan chức chính quyền trong phòng họp cho biết.
Đó là một lập luận quen thuộc của Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, người đã dành ba năm qua để thổi bùng bản năng tự vệ của tổng thống và khích lệ ông bắt đầu một cuộc trừng phạt thương mại với Trung Quốc. Những cảnh báo đen tối của ông Navarro về tham vọng của Trung Quốc và mối đe dọa đối với nước Mỹ đã thôi thúc tổng thống Trump sử dụng hàng rào thuế quan, vượt qua sự phản đối của các cố vấn cấp cao khác.
Tuy nhiên, lần này, ông Trump đã không bị thuyết phục. Khi cuộc bầu cử năm 2020 đang đến gần, ông Trump đã bỏ qua những lo ngại của ông Navarro, để lựa chọn một thỏa thuận ban đầu với Trung Quốc, giảm một số thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy cam kết từ Bắc Kinh mua thêm sản phẩm của Mỹ và một loạt lời hứa để giải quyết những vấn đề quan ngại.
“Thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận lớn,” ông Trump nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào tuần trước, và nói thêm: “Không, tôi không phải là người theo chủ nghĩa toàn cầu”.
Ông Navarro từ chối bình luận về cuộc họp. “Những gì xảy ra trong phòng Oval nên ở lại trong phòng Oval, cả về sự tôn nghiêm và an ninh của các cuộc thảo luận nội bộ và vì lợi ích của đất nước”, ông Navarro nói.
Trong suốt ba năm, ông Navarro, 70 tuổi, một chiến binh thương mại của ông Trump, đã thúc đẩy Tổng thống xé bỏ các thỏa thuận thương mại trước đây, viết lại chúng để chúng có lợi hơn cho người lao động Mỹ. Là một học giả có ít kinh nghiệm về chính phủ hoặc doanh nghiệp trước đây, ông Navarro đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với chính sách thương mại của Hoa Kỳ khi có cùng lập trường với Tổng thống về phản đối toàn cầu hóa và tin rằng Trung Quốc đã cướp bóc của người Mỹ khi mà người Mỹ dường như đã bị bịt mắt.
Các chuyên gia về Trung Quốc có xu hướng xem Navarro là một người cực đoan. Ngay cả các đồng nghiệp của ông cũng đã va chạm với cách tiếp cận mạnh mẽ của ông đối với Trung Quốc và đôi khi đã cố gắng ngăn chặn Navarro tiếp cận Tổng thống.
Tuy nhiên, suy nghĩ của ông Navarro đã trở nên có ảnh hưởng sâu sắc. Ngay cả những người từng không đồng ý với ông về chính sách kinh tế đối với Trung Quốc đã ngày càng tin tưởng ông vì đã dẫn hướng các tranh luận chính trị.
Navarro có vị thế quyền lực trong Nhà Trắng và thường tham dự các sự kiện lớn, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires năm 2018 (ảnh: NYT).
Luôn tìm cách kiềm chế Trung Quốc
Với việc ông Trump hoàn tất các thỏa thuận thương mại mới với Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Navarro đã ở một ngã rẽ – “chiến binh thương mại” đang tìm kiếm một cuộc chiến mới.
Ông Navarro đã thực hiện các dự án nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, bao gồm các nỗ lực tăng cường kiểm tra các gói hàng của Trung Quốc tại các cảng và đàm phán lại phí bưu chính của Trung Quốc. Giới diều hâu tin rằng lịch sử lâu dài của chính phủ Trung Quốc về trốn tránh những cam kết kinh tế sẽ là chứng cứ cho sự mất lòng tin của người Mỹ vào một thỏa thuận mà ít làm thay đổi hành vi của Trung Quốc ở quê nhà.
Greg Autry, giáo sư tại Trường Kinh doanh Marshall của Đại học Nam California và là đồng tác giả với Navarro trong cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc”, nói: “Tôi sẽ rất hoài nghi về bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào mà họ thực hiện”, “Nếu bạn dành thời gian quan sát người Trung Quốc, bạn sẽ hiểu rằng họ không tôn trọng các thỏa thuận của họ”.
Quan điểm của Navarro bước vào quỹ đạo của ông Trump như thế nào không thể dự đoán chính xác. Một giáo sư kinh doanh tại Đại học California, Irvine, cho biết: Ông Navarro đã từng chạy đua và thua năm cuộc bầu cử với tư cách là một thành viên tiến bộ của đảng Dân chủ – gồm cả các cuộc bỏ phiếu không thành công cho chức thị trưởng San Diego và Hạt bầu cử thứ 49 của California.
Tiếp tục sự nghiệp chính trị, Navarro giảng dạy và viết sách về kinh doanh và đầu tư. Nhưng chẳng bao lâu, sự chú ý của ông đã chuyển sang Trung Quốc và các tập quán thương mại của nó, điều mà nhiều thành viên đảng Dân chủ nghiêng về phía cánh tả, bao gồm cả các nhà lãnh đạo lao động, được tin là đã làm khánh kiệt việc làm của Mỹ.
Sự hoài nghi của ông Navarro, lần đầu nổi lên vào những năm 1970 khi ông còn là một tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình (Peace Corp) xây dựng và sửa chữa những ao cá ở Thái Lan. Ông đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á và quan sát thấy những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc đối với nền kinh tế của các nước láng giềng. Ông ngày càng chỉ trích về cách thức hoạt động thương mại của Trung Quốc tác động đến Hoa Kỳ sau khi nước này được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, đặc biệt khi nhiều sinh viên ngành kinh doanh của ông phàn nàn về việc mất việc làm do cạnh tranh từ Trung Quốc.
Quan điểm của ông Navarro đã sớm trở nên cứng rắn và ông bắt đầu xuất bản một loạt các ý kiến chống Trung Quốc, bao gồm cả “Những cuộc chiến Trung Quốc sắp tới – Coming China Wars,” cuốn sách mà ông Trump năm 2011 liệt kê là một trong những cuốn sách yêu thích của ông về Trung Quốc, cùng với cuốn “Chết bởi Trung Quốc – Death By China”.
Trong những cuốn sách đó và những phim tài liệu đi kèm, ông Navarro và ông Autry đã chọc tức Trung Quốc khi phơi bày những hành vi kinh tế vô đạo đức và sản xuất các sản phẩm chết người, như đồ lót dễ cháy và Viagra giả. Họ cũng kết tội các công ty đa quốc gia như Walmart vì đã sử dụng Trung Quốc để lấy nguồn hàng giá rẻ khiến các nhà sản xuất Mỹ không còn đất hoạt động.
Quan điểm của ông Navarro đã thu hút sự chú ý của ứng cử viên Donald J. Trump, người đã chia sẻ ý kiến tương tự về tác động của Trung Quốc đối với nền sản xuất của Mỹ và đang tìm kiếm các chuyên gia có quan điểm khác thường phù hợp với ông. Ông Navarro đã tham gia chiến dịch với tư cách là cố vấn kinh tế vào năm 2016 và nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của ông Trump, ông gọi Navarro là “người đàn ông thép của tôi về Trung Quốc”.
“Toàn bộ triết lý của tôi trong cuộc sống và trong công việc là theo cách trượt băng của Gretzky – trượt đến nơi nó cần đến, dự đoán những vấn đề mà Tổng thống sẽ muốn giải quyết, và giải quyết chúng,” ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn .
Gia nhập Nhà Trắng, ông Navarro đã đệ trình nhiều hành động thương mại quyết đoán được viết và sẵn sàng chờ chữ ký của Tổng thống, bao gồm cả chỉ thị rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA. Nhưng sự phản đối từ các cố vấn khác, bao gồm Gary D. Cohn, người từng đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã giữ tay Tổng thống.
Trong nhiều tháng, có vẻ như ông Cohn và các đồng minh đã thành công trong việc làm mờ nhạt vai trò của ông Navarro – chặn ít nhất ba nỗ lực để kích hoạt quy trình rút NAFTA, cũng như một chỉ thị trước đó để áp thuế thép và rút khỏi hiệp định thương mại của Hàn Quốc .
Ông Navarro và đôi khi cả Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, sẽ đề xuất thuế quan, cho rằng chúng sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, chứng tỏ Tổng thống rất nghiêm túc trong việc đảo ngược các hiệp định thương mại bất công và tăng nguồn thu. Trong khi đó ông Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cựu thư ký Rob Porter thường xuyên hoài nghi những lập luận đó, nói rằng thuế quan sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và những cơ hội tái đắc cử của Tổng thống.
Để giúp giải quyết vụ việc của mình, ông Navarro đã lập một biểu đồ đỏ – đen – vàng phác thảo về “Các hành vi, chính sách và thực tiễn xâm lược kinh tế của Trung Quốc”, bao gồm cả tội phạm mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông Navarro cảnh báo ông Trump rằng Trung Quốc đã có lịch sử hứa – và thất hứa – từ lâu, ông nói rằng thuế quan là cách hiệu quả nhất để buộc Bắc Kinh thay đổi và tu chỉnh hành vi của họ.
Vào năm 2018, ông Trump đã sẵn sàng để hành động, và tầm nhìn đối đầu của Navarro với Trung Quốc đã được hiện thực hóa. Thuế 25% ban đầu đối với 34 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018 đã nhanh chóng leo thang lên mức thuế đối với 360 tỷ đô la sản phẩm cùng với đe dọa đánh thuế gần như mọi sản phẩm của Trung Quốc.
Áp lực kinh tế buộc Bắc Kinh lên bàn đàm phán nhưng cuối cùng ông Trump đã đồng ý với thỏa thuận giai đoạn 1, cắt giảm một số thuế quan và loại bỏ đe dọa về đợt thuế bổ sung để đổi lấy việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Hầu như không có thay đổi cấu trúc chế độ lớn nào mà ông Navarro đã thúc đẩy được đưa vào thỏa thuận Giai đoạn 1. Ông Trump đã nói rằng những điều đó sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc, và nhiều mức thuế mà ông Navarro khuyến nghị sẽ luôn sẵn sàng.
Ông Navarro đã tìm ra những cách khác để chống lại Trung Quốc. Đầu năm nay, ông đã tiến hành thành công cuộc chiến chống lại một hiệp ước bưu chính toàn cầu, cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc vận chuyển các gói hàng quốc tế với mức giá rẻ hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Ông đã giúp tăng cường kiểm tra hải quan các gói hàng của Trung Quốc để trấn áp hàng giả trực tuyến và tham gia vào một dự án để hồi sinh các nhà máy đóng tàu của Mỹ. Đầu năm nay, khi các giám đốc điều hành của Crowley Maritime Corp nói với ông Navarro rằng Hải quân đang trong quá trình mua một tàu vận tải từ Trung Quốc mà sẽ được cải biến theo thông số kỹ thuật của Mỹ, ông Navarro đã can thiệp để phá thầu.
Ông đã coi văn phòng của mình giống như một đơn vị lực lượng đặc biệt trong bộ máy liên bang. “Với một văn phòng nhỏ, tôi đã sớm biết sức mạnh thực sự của việc phục vụ Nhà Trắng,” ông nói. “Bạn không cần một bộ máy to lớn. Tất cả những gì bạn cần là sự gọn gàng, ngăn nắp và đủ nhanh nhẹn để khai thác các nguồn lực của cơ quan cho tổng thống và chương trình nghị sự của ông ấy.”
Comments are closed.