Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNước Mỹ năm 2019: Nhiều căng thẳng và đối đầu

Nước Mỹ năm 2019: Nhiều căng thẳng và đối đầu

Những gì đã và đang diễn ra cho thấy 2019 là năm của “căng thẳng, đối đầu” trong việc triển khai cả chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Năm 2019 là năm thứ ba và năm có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy 2019 là năm của “căng thẳng, đối đầu” trong việc triển khai cả chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Thành tựu nổi bật trong năm của chính quyền Trump

Những tranh chấp, bất đồng về thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với các đồng minh và đối tác đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận đó là chính quyền Tổng thống Trump vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.

Báo cáo điều chỉnh do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/ 11 cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới trong quý III năm nay đạt 2,1% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn mức 1,9% công bố trước đó một tháng. Trong khi hãng CNBC dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/12 cho biết, trong tháng 11/2019 nền kinh tế Mỹ tạo ra 226.000 việc làm, cao hơn dự báo trước đó của giới chuyên gia là 180.000, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mốc 3,5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Đây tiếp tục là điểm sáng nhất trong công tác điều hành của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng an ninh, bao gồm đầu tư mua sắm các loại vũ khí trang bị hiện đại, triển khai thành lập lực lượng vũ trụ-quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ và như khẳng định của ông chủ Nhà Trắng, quân đội Mỹ hiện mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử.

Căng thẳng, đối đầu trong nước

Ngoài hai thành tựu nêu trên, tình hình chính trị nội bộ Mỹ bị bao phủ bởi gam màu “xám” do tình trạng căng thẳng, đối đầu ngày càng gia tăng giữa Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và chính quyền của đảng Cộng hòa. Sự đối đầu giữa hai bên trong cuộc chiến ngân sách, mà chủ yếu liên quan tới kinh phí xây bức tường biên giới phía Nam nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư, đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 21/12/2018 đến tận ngày 25/01/2019, khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử các lần đóng cửa.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc đối đầu giữa Quốc hội và Nhà Trắng còn bộc lộ qua cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về hành động thông đồng của đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump với người Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Đỉnh điểm sự đối đầu giữa hai bên là cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump mà đảng Dân chủ đang đẩy mạnh. Cơ sở cho cuộc điều tra này chính là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky ngày 25/07. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã gây sức ép để Chính quyền Ukraine mở cuộc điều tra nhằm vào đối thủ chính trị lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử 2020, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden. Đối với nhiều người Mỹ, cuộc điện đàm chẳng khác nào ông Trump mời chính phủ nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2020.

Hạ viện ngày 18/12 đã bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội đối với Tổng thống Trump với các cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Tiếp sau Hạ viện, ông Trump sẽ phải đương đầu với một phiên tòa xét xử tại Thượng viện.

Theo quy định tại Điều 4, mục 2 của Hiến pháp Mỹ, cần hai phần ba (tức 67 thượng nghị sỹ) bỏ phiếu ủng hộ luận tội và phế truất, sự nghiệp chính trị của ông Trump sẽ kết thúc. Giả sử cả 45 thượng nghị sỹ Dân chủ và 2 thượng nghị sỹ độc lập bỏ phiếu luận tội, sinh mệnh chính trị của ông Trump sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của 20 thượng nghị sỹ Cộng hòa. Nhưng kịch bản có 20 thượng nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ luận tội là không cao, bởi vì không một Hạ nghị sỹ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump ở Hạ viện và điều này dự kiến sẽ diễn ra tương tự tại Thượng viện.

Ngoài ra, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell từng khẳng định rằng ông Trump sẽ “không đời nào” bị phế truất. Dù kết quả cuộc bỏ phiếu tại phiên tòa diễn ra ở Thượng viện như thế nào, cuộc chiến pháp lý giữa Hạ viện và Nhà Trắng sẽ chưa kết thúc sớm.

Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump năm 2019

Nếu như thành quả nổi bật của Chính quyền Tổng thống Trump trong công tác quản lý điều hành là duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, điểm nhấn trong triển khai chính sách đối ngoại năm 2019 cũng liên quan tới lĩnh vực này. Năm 2019, Mỹ đã đàm phán lại và ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Hàn Quốc và thỏa thuận từng phần với Nhật Bản. Đáng chú ý, Mỹ đạt được hai thỏa thuận quan trọng trong cùng một tuần bao gồm Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc. Dù còn có ý kiến khác nhau về nội hàm, khả năng được Quốc hội phê chuẩn và hiệu lực thi hành, song đây là những thỏa thuận thương mại được xem là có lợi cho Mỹ, đúng như mục tiêu mà ông Trump đã đặt ra.

Trong khi đó, sự can dự của Mỹ tại các khu vực trọng điểm trên thế giới, nhất là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang khiến các đồng minh và đối tác nghi ngờ về mức độ cam kết của Washington. Việc Tổng thống Trump chỉ cử Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, cấp thấp nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra tại Bangkok, Thái Lan càng khiến dư luận nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với khu vực. Các sáng kiến mới được công bố, trong đó có Sáng kiến “Mạng lưới điểm Xanh”, được kỳ vọng làm đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, song đang bị giới chuyên gia đánh giá là một mặt thiếu những mục tiêu rõ ràng và mặt khác sẽ không đủ nguồn lực tài chính để triển khai.

Việc triệt để theo đuổi khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” trong triển khai chính sách đối ngoại được xem là nguyên nhân dẫn đến một số toan tính sai lầm về chiến lược, đang đẩy nước Mỹ ngày càng rời xa các đồng minh và đối tác.

Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria vào tháng 10/2019 và đang cân nhắc rút 4.000 binh sỹ khỏi chiến trường Afghanistan trước khi kết thúc năm 2019, sẽ tạo ra những khoảng trống nguy hiểm. Khoảng trống đó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các tổ chức cực đoan, bạo lực, gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với những lợi ích chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh. Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, hậu quả của hành động “vội vã” đó sẽ khiến Mỹ phải can thiệp trở lại trong những điều kiện khó khăn, tốn kém và thời gian dài hơn. Bài học từ việc Chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết định rút quân khỏi chiến trường Iraq tháng 12/2011 vẫn hiện hữu.

Thành tựu được xem là nổi bật nhất trong lĩnh vực đối ngoại của năm 2018 là tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên giờ đây có nguy cơ quay trở lại tình trạng căng thẳng, đối đầu nguy hiểm như thời điểm cuối năm 2017. Gần đây, Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm thành công các loại vũ khí nhằm phát đi thông điệp là Mỹ cần thay đổi lập trường, cách tiếp cận trong quá trình đàm phán. Những tuyên bố cứng rắn, lời lẽ đe dọa qua lại giữa hai bên có nguy cơ đẩy tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó, Chính quyền Trump đang đòi hỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á phải tăng mức đóng góp chi phí lên tới 500% và 400% vào năm sau để đổi lấy việc duy trì sự hiện diện của binh sỹ Mỹ ở hai nước. Washington cũng đang thúc ép các nước thành viên NATO còn lại nâng chi tiêu quốc phòng đạt mức 2% GDP như cam kết. Những đòi hỏi có phần “quá đáng” đó của Chính quyền Trump khiến sự tin cậy của các đồng minh, đối tác đối với Mỹ đang giảm sút và nhiều khả năng kéo dài.

Tựu chung lại, việc Chính quyền Tổng thống Trump kiên trì theo đuổi mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, gắn liền với khẩu hiệu hành động ‘Nước Mỹ trước tiên”, đã tác động, chi phối toàn bộ quá trình thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của Washington trong năm 2019.

Năm 2020 – mốc quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ

Nước Mỹ cùng với cộng đồng thế giới chuẩn bị chính thức bước sang năm 2020. Đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của nước Mỹ, gắn liền với cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Sự kiện chính trị quan trọng nhất diễn ra bốn năm một lần này sẽ chi phối sâu rộng quá trình thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của Washington. Sẽ không có nhiều không gian và thời gian cho Chính quyền Tổng thống Trump triển khai chính sách đối ngoại trong năm tới. Hai sự kiện đối ngoại quan trọng nhất diễn ra trong năm 2020 có lẽ là hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN dự kiến diễn ra ngay trong quý một và tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/6.

Mọi nỗ lực còn lại của Chính quyền tập trung vào việc đảm bảo tái đắc cử của ông Trump và ít nhất là đảng Cộng hòa duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện. Trong khi đó, tham vọng của đảng Dân chủ không chỉ là giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, mà còn nhắm đến chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng sau 4 năm rơi vào tay đảng Cộng hòa. Trong bối cảnh nền chính trị và người dân Mỹ ngày càng bị chia rẽ, thậm chí không loại trừ tác động từ nhân tố bên ngoài, để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, đòi hỏi mỗi đảng phải vượt qua thách thức vô cùng lớn trong năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới