Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSau Giáng sinh, “Thông điệp Năm mới” của Triều Tiên là gì?

Sau Giáng sinh, “Thông điệp Năm mới” của Triều Tiên là gì?

Sau khi Giáng sinh kết thúc mà không có món quà nào từ Triều Tiên dành cho Mỹ, “thông điệp năm mới” là điều mà dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 29/12 kêu gọi lực lượng quân sự và ngoại giao chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước, trước hạn chót cuối năm để chính quyền Mỹ đưa ra nhượng bộ cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân.

Sau khi Giáng sinh kết thúc mà không có món quà nào từ Triều Tiên dành cho Mỹ, “thông điệp năm mới” là điều mà Mỹ cũng như dư luận thế giới đang đặc biệt quan tâm.

Đảng Lao động Triều Tiên đang có các cuộc họp thảo luận về  biện pháp nhằm đảm bảo chủ quyền và an ninh. Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên không thông tin bất cứ quyết định cụ thể nào được đưa ra tại cuộc họp, hoặc đề cập tuyên bố nào của Nhà lãnh đạo Triều Tiên về Mỹ. Tuy nhiên, Hãng này trích dẫn tuyên bố của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, “nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp tích cực và chủ động để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của đất nước trong tình hình hiện nay, đồng thời đưa ra chỉ thị trong lĩnh vực đối ngoại, công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang”.

Kỳ họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh thời hạn chót vào cuối năm nay mà Triều Tiên đặt ra với Mỹ trong đàm phán hạt nhân đã đến rất gần. Giáng sinh đã qua mà không có “món quà” như lời tuyên bố của Triều Tiên dành cho Mỹ. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, các bước đi của Triều Tiên rất khó đoán định. Mục tiêu của Triều Tiên trong gần 2 năm qua thúc đẩy đối thoại với Mỹ để nới lỏng các biện pháp trừng phạt qua đó phát triển kinh tế, dường như chưa hiệu quả. Điều này buộc Triều Tiên phải tuyên bố lựa chọn “con đường mới”. Nhận định về bước đi tiếp theo của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định: “Tôi nghĩ rằng Triều Tiên có thể tiến hành các vụ thử tên lửa nếu họ không cảm thấy hài lòng. Tôi đã theo dõi liên tục tình hình trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua. Tôi đã quen với chiến thuật của họ. Tôi nghĩ điều cần thiết đó là ngồi xuống và thảo luận về một thỏa thuận chính trị giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là cách tốt nhất để thúc đẩy tình hình hiện nay”.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là con đường mới của Triều Tiên sẽ là thế nào? 

“Tiếp tục theo đuổi đối thoại” hay quay lại thời kỳ phát triển vũ khí hạt nhân “với lửa và giận dữ” trên Bán đảo Triều Tiên? Con đường mới cũng có thể là “chính sách cứng rắn mới” với Mỹ, theo đó Triều Tiên không theo đuổi yêu cầu giảm các biện pháp trừng phạt để thúc đẩy phát triển kinh tế, thay vào đó tiếp tục theo đuổi học thuyết đất nước tự lực, tự cường của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, có khả năng lớn Triều Tiên sẽ tiếp tục con đường sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân, coi đây là vũ khí lợi hại trên bàn đàm phán. Ông Koh Yu-hwan – Giáo sư trường đại học Dongguk, Hàn Quốc nhấn mạnh, Triều Tiên khó có khả năng bỏ con bài hạt nhân chiến lược và thay vào đó sẽ là một kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân đi cùng với phát triển kinh tế.

Giáo sư Shin Beom Chul thuộc Viện nghiên cứu chính sách Hàn Quốc cũng cho rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phát đi một thông điệp quan trọng trong bài phát biểu năm mới. Thúc đẩy quốc phòng và răn đe hạt nhân có thể là điều mà Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập trong bài phát biểu. Giáo sư cũng nhận định, với mục tiêu của Triều Tiên là tăng cường khả năng quân sự, nước này sẽ tiếp tục thử các tên lửa mới trong tương lai.  

Lựa chọn của Triều Tiên trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào đánh giá rủi ro, cả về địa chính trị và quân sự, trước các biện pháp phản ứng của Mỹ. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản dường như đã chuẩn bị tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt áp lực tối đa, nếu Triều Tiên chọn con đường thử nghiệm ICBM hoặc thử hạt nhân. Trong khi Trung Quốc, Nga và một số nước châu Âu cũng “lặng lẽ” cảnh báo Triều Tiên không được thực hiện các bước như vậy, ngay cả khi tiến trình ngoại giao bị đổ vỡ.

Những quyết định từ phía Triều Tiên luôn được đánh giá là khó định đoán. Dư luận thế giới có thể thở phào khi Giáng sinh qua đi mà không kèm theo món quà tên lửa đạn đạo liên lục địa dành cho Mỹ như truyền thông cảnh báo thời gian qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể làm bất cứ điều gì họ thấy cần thiết để tăng cường răn đe hạt nhân. Do đó không nên “đánh giá thấp bất kỳ khả năng nào”

RELATED ARTICLES

Tin mới