Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác quân sự Nga - Trung và khả năng tuần tra...

Hợp tác quân sự Nga – Trung và khả năng tuần tra chung giữa hai nước ở Biển Đông

Quan hệ hai nước Nga – Trung những năm qua, đã được đẩy lên đến mức như lãnh đạo hai nước này ca ngợi là “tốt đẹp chưa từng có” do những chia sẻ và tương hỗ về chiến lược. Các hoạt động hợp tác quân sự giữa hai nước được thường xuyên tổ chức, trong đó có cả các cuộc tập trận, tuần tra chung trên không và trên biển. Nhưng, theo các nhà phân tích chiến lược nhận xét, quan hệ giữa hai nước trên dù có “mặn mà” tới đâu thì cũng không thể trở thành đồng minh khi mà bản chất của mối quan hệ này chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau cho tham vọng của mỗi nước. Vừa qua, ông Aleksandr Anatolievich Khramchikhin – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính trị – quân sự Nga, đã có bài phân tích sâu về triển vọng hợp tác quân sự Nga – Trung và đưa ra đánh giá về khả năng hai nước này tiến hành tuần tra chung hải quân và không quân trên Biển Đông như họ đã từng thực hiện trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông hồi tháng 7/2019.

Trước hết là về hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua

Tháng 10/1993, Bộ Quốc phòng hai nước Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Đáng chú ý là trong nội dung thỏa thuận này không đề cập đến việc hai bên tiến hành các cuộc tập trận chung, cho dù trong 26 năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, hàng chục cuộc tập trận chung đã được tiến hành. Thỏa thuận hợp tác trên chủ yếu hướng đến việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự. Vào thời điểm đó, Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền để sở hữu những công nghệ quân sự mới nhất của Nga.

Tháng 12/2005, hai bên đã thông qua kế hoạch hợp tác cho năm tiếp theo. Theo đó, danh sách các hình thức hợp tác quân sự từng bước được mở rộng; thỏa thuận bổ sung về những vấn đề riêng biệt cũng đã được hai bên ký kết, trong đó có quy chế về sự hiện diện quân đội tại các vùng lãnh thổ của nhau có hiệu lực từ năm 2007. Đến năm 2017, theo sáng kiến của Moskva, hai bên đã ký kết lộ trình hợp tác quân sự đến năm 2020.

Đến nay, hai bên vẫn chưa hình thành các thủ tục pháp lý cần thiết mang tính ràng buộc cho các hình thức hợp tác mới, như tập trận chung quy mô lớn, tham vấn về các vấn đề chiến lược và phòng thủ tên lửa, cũng như các dự án phát triển vũ khí chung. Tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa đáng kể vì hợp tác quân sự Trung – Nga phần lớn chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền và khuếch trương hình ảnh, đồng thời kích thích sự chú ý của Mỹ. Với Moskva hay Bắc Kinh, mối quan hệ với Mỹ luôn quan trọng hơn quan hệ Trung – Nga. Liên minh tiềm tàng Nga – Trung hay Trung – Nga đều nhằm mục đích gián tiếp tạo áp lực đối với Mỹ để đạt được nhượng bộ nào đó từ phía nước này trong những vấn đề cụ thể. Do đó, cả hai bên (Nga, Trung), đặc biệt là Trung Quốc, thường xuyên nhấn mạnh rằng quan hệ giữa họ không mang tính chất liên minh quân sự và không hướng đến việc chống lại nước thứ 3.

Năm 2014, sau sự kiện Crimea, giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Mỹ, bắt đầu xuất hiện sự đối đầu quân sự – chính trị gay gắt. Ngay sau đó, Moskva bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc thành lập một liên minh thực tế với Bắc Kinh. Đặc biệt, chính Moskva đã nêu sáng kiến về lộ trình hợp tác quân sự mới. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có bất kỳ sự ủng hộ hay hỗ trợ thực tế nào dành cho Moskva trong 3 năm đầu kể từ năm 2014. Đến năm 2017, sau khi Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Trung – Mỹ bắt đầu xấu đi và Bắc Kinh mới thể hiện sự chú ý nhất định tới sáng kiến của Nga và lên tiếng ủng hộ những vấn đề riêng biệt mà Moskva mong muốn. Cũng từ đó, Bắc Kinh mới thực sự quan tâm đến khả năng liên minh quân sự – chính trị với Nga.

Về lôgích, không thể tránh khỏi việc hình thành một cơ chế cho các hình thức hợp tác quân sự Trung – Nga như tập trận chung hải quân, phòng không, tham gia các cuộc tập trận chiến lược của nhau, nhưng đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có Quân đội Trung Quốc tham gia tập trận tại Nga, trường hợp ngược lại chưa xảy ra. Hai bên cũng dự tính lên kế hoạch chiến lược chung cho những hình thức hợp tác khác như tuần tra chung không quân, tuần tra chung bằng tàu chiến trên biển, phòng thủ tên lửa, xây dựng hệ thống định vị chung và phát triển bộ tiêu chuẩn chung về quân sự (có thể tương tự với NATO nhưng quy mô hẹp hơn).

Mặc dù vậy, hợp tác quân sự Nga – Trung vẫn tồn tại những hạn chế thực sự, trong đó vấn đề cốt yếu nhất vẫn là thiếu niềm tin lẫn nhau. Ngoài ra, Trung Quốc hoàn toàn không muốn vì lợi ích chung với Nga mà tranh cãi với các nước châu Âu, còn Nga không muốn vì lợi ích của Trung Quốc mà xung đột với các nước châu Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Do vậy, có thể thấy đối thủ chung duy nhất với liên minh quân sự tiềm năng Trung – Nga là Mỹ, và có thể là cả Nhật Bản. Trung Quốc và Nga buộc phải xác định rõ ràng mục tiêu hợp tác quân sự giữa họ là Mỹ và Nhật Bản, chứ không phải các nước châu Âu và châu Á khác. Tuy nhiên, việc định hình quan hệ hợp tác cũng không mang tính tuyệt đối vì ngay cả Moskva và Bắc Kinh cũng hoàn toàn không muốn bất đồng gay gắt với Mỹ và Nhật Bản.

Có hai vấn đề nổi lên trong hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua khi lực lượng không quân của hai nước đã thực hiện tuần tra chung, mặc dù hoạt động tuần tra đó không mang nhiều ý nghĩa về mặt quân sự. Đó là:

Vấn đề thứ nhất, một trong những hình thức hợp tác mới giữa hai nước Nga – Trung cần được đánh giá toàn diện là tuần tra chung bằng máy bay chiến đấu mà mới đây hai nước đã tiến hành ở vùng Viễn Đông, gây ra nhiều ồn ào trong dư luận.

Vấn đề thứ hai, dưới góc nhìn của các chuyên gia quân sự, cuộc tuần tra chung Nga – Trung bằng máy bay ném bom và máy bay cảnh báo tầm xa diễn ra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông cuối tháng 7/2019 vừa qua cũng hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt quân sự. Bởi vì, các máy bay ném bom Tu-95MS và máy bay cảnh báo tầm xa A-50 của Nga, cũng như các máy bay ném bom H6K của Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh thực tế xảy ra không có khả năng hành động độc lập trong không phận trên vùng biển quốc tế, đặc biệt là ở khu vực gần lãnh thổ đối phương mà không có lực lượng tiêm kích đủ mạnh bảo vệ. Máy bay Tu-95MS có phương tiện tác chiến điện tử mạnh, có thể gây nhiễu tên lửa đối không của đối phương, nhưng chúng có thể bị bắn hạ không mấy khó khăn bằng súng máy của máy bay tiêm kích đối phương, đặc biệt là bắn vào động cơ. Máy bay Tu-95MS và H-6K được ví là các thùng chứa tên lửa vì chúng mang theo số lượng lớn các tên lửa tầm xa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Trong tác chiến, chúng sẽ phóng tên lửa hoặc từ vùng không phận của nước mình, hoặc từ vùng trung lập, nhưng cách xa lãnh thổ đối phương và phải được tiêm kích bảo vệ. Ví dụ, nếu Nga thực hiện tấn công bằng tên lửa vào Nhật Bản, thì họ sẽ lựa chọn phương án phóng tên lửa từ bên trong lãnh thổ nước mình. Còn nếu tấn công vào Hawai hay Guam, thì họ sẽ phải phóng tên lửa từ lãnh thổ một nước trung lập. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, các máy bay Nga sẽ không bao giờ sử dụng đường bay như đã phô diễn trong cuộc tuần tra mới đây với Không quân Trung Quốc.

Như vậy, các cuộc tuần tra vừa qua chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, chính xác hơn là chỉ có tính tuyên truyền, phô trương lực lượng là chủ yếu. Cũng chưa rõ là Nga và Trung Quốc cố ý hay chỉ tình cờ khi đi vào Vùng nhận dạng phòng không mà phía Hàn Quốc tuyên bố là của họ, nhưng điều này cũng không quan trọng. Có thể nói, hiệu ứng tuyên truyền đã đạt được, đặc biệt khi tính đến phản ứng từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng không rõ liệu Moskva và Bắc Kinh có tính đến hiệu ứng như trên với Seoul hay không. Và cũng không hiểu liệu họ có đạt được hiệu ứng cần thiết với Washington, đối tượng chính của cuộc tuần tra mang tính phô trương này hay không, nhưng rõ ràng là không có phản ứng nào đáng kể từ phía Mỹ.  

Hoàn toàn có khả năng là cuộc tuần tra tiếp theo sẽ được thực hiện xung quanh Nhật Bản (các máy bay Nga đã thực hiện các đường bay này nhiều lần). Vấn đề ở đây là các máy bay H-6K sẽ không đủ khả năng hoạt động ở tầm bay như vậy (H-6K tầm bay 6.000km, trong khi Tu-95MS là 10.300km). Không loại trừ khả năng các bên sẽ tiến hành tiếp dầu cho H-6K tại một trong các sân bay của Nga ở vùng Viễn Đông. Điều này cũng sẽ góp phần tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ hơn.

Cũng có khả năng hai bên sẽ thực hiện chuyến bay chung và cho các máy bay của mình cùng ném bom về phía Guam. Về lý thuyết, cũng không thể loại trừ chuyến bay chung của Nga và Trung Quốc quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng một chuyến bay như vậy sẽ mang tính can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Không rõ liệu Moskva có cần thiết phải hành động như vậy hay không cho dù chính Bắc Kinh mời họ can thiệp. Mặc dù Moskva không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng quan hệ kinh tế vẫn diễn ra bình thường và Moskva chẳng có lý do gì lại muốn tấn công Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa không đối đất từ bên trong lãnh thổ của mình, chứ không thể phó mặc sự an toàn của các máy bay ném bom H-6K trước các máy bay tiêm kích của đối phương. Do vậy, Đài Loan có thể không phải là mục tiêu chính của chuyến bay tuần tra chung vừa diễn ra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Mục tiêu chính của cuộc tuần tra chung trước hết là Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản; hoàn toàn không có nước thứ ba nào khác được tính đến.

Tiếp theo, các cuộc tuần tra chung ở vùng lãnh hải gần Nam Cực và Đại Tây Dương cũng là thiếu thực tế, bởi các máy bay ném bom của Trung Quốc không thể đáp ứng mục tiêu này. Ngày càng có nhiều người nghi ngờ rằng, Moskva sẵn sàng đi xa hơn trong hợp tác quân sự với Trung Quốc theo hướng này. Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ gì lựa chọn tiến hành một cuộc tuần tra chung với Nga ở Đại Tây Dương vì điều này sẽ là hành động khiêu khích trực tiếp đối với các nước Tây Âu – đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh, đồng thời là điểm kết thúc của “Con đường tơ lụa” hiện đại mà Trung Quốc đang muốn xây dựng. Một cuộc phô trương lực lượng một cách vô nghĩa sẽ không thể đánh đổi bằng một dự án tham vọng thế kỷ mà Bắc Kinh đang cố đạt được. 

Thứ hai, về khả năng tiến hành tuần tra bằng tàu chiến trên Biển Đông của hai nước Nga – Trung

Các cuộc tuần tra chung của các máy bay Nga – Trung trên Biển Đông về lý thuyết là có thể xảy ra, nhưng thực tế lại càng ít khả thi hơn so với cuộc tuần tra quanh Đài Loan. Cuộc tuần tra như vậy hoàn toàn khác với cuộc tập trận phối hợp hải quân năm 2016 và nó sẽ khẳng định rằng, Moskva đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền xung quanh Biển Đông – điều mà Moskva đến nay vẫn cố tránh. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, Moskva không có ý muốn, dù là nhỏ nhoi, tranh cãi với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam – đồng minh lâu năm nhất của họ ở khu vực.

Khả năng cao là Hải quân Trung Quốc và Nga có thể tiến hành các cuộc tuần tra chung (không phải tập trận chung) ở Tây Ấn Độ Dương. Lực lượng hải quân của hai nước hiện đang tiến hành sứ mệnh chống cướp biển trong khu vực, nhưng là hành động độc lập. Về lý thuyết, không có gì cản trở họ cùng tiến hành các sứ mệnh chung này. Tuy nhiên, nếu xét đến tần suất hoạt động thấp của cướp biển Somali thì việc phô trương lực lượng thái quá giữa hai cường quốc hàng đầu cũng là không cần thiết. Do đó, hoạt động tuần tra chung nếu có diễn ra cũng chỉ nhằm đạt mục tiêu chính trị, chưa kể nó có thể truyền đi thông điệp khó hiểu với các đối tác truyền thống của hai nước ở vịnh Persia và các khu vực lân cận.

Một cuộc tuần tra chung bằng tàu chiến tại biển Nhật Bản và biển Hoa Đông là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ít có khả năng một cuộc tuần tra chung như vậy sẽ được tiến hành tại Biển Đông hoặc các vùng biển gần châu Âu vì những lý do như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, cần phải nhớ rằng, năm 2015, Hải quân Nga và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung ở biển Địa Trung Hải, nhưng sau đó các tàu chiến Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận tương tự tại vùng biển này với các nước thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cùng trong năm này, các tàu chiến Trung Quốc đã tham gia tập trận chung với Nga ở Kronstadt, bên vịnh Phần Lan, nhưng sau đó các tàu chiến này lại rẽ vào cảng Helsky và Riga để thực hiện các chuyến thăm hữu nghị. Năm 2017, tàu chiến Trung Quốc đã tham gia tập trận chung với tàu chiến các nước Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Như vậy, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng, họ sẽ không bao giờ thực hiện bất kỳ cuộc tập trận chung nào với Nga nhằm mục đích chống lại các nước châu Âu. Trong khi đó, quan hệ của Trung Quốc với các nước EU không hề xấu như quan hệ của Nga với EU.

Có thể khẳng định rằng, cuộc tuần tra chung dù là hải quân hay không quân hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt quân sự, mà chỉ mang tính chính trị thuần túy. Lý do cho cách ứng xử của Moskva và Bắc Kinh là các quyết định chính trị cũng sẽ chịu sự chi phối của lợi ích chính trị của các bên. Lợi ích này không phải lúc nào cũng tương đồng và sẽ trở thành yếu tố hạn chế việc tiến hành các hoạt động tương tự trong tương lai.

Dự báo, hợp tác quân sự Nga – Trung trong thời gian tới sẽ được hoạch định kỹ lưỡng hơn về mặt pháp lý và mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, sẽ khó có thể triển khai các hình thức hợp tác mới ngoài những gì đã có. Không có gì nghi ngờ về tính chất của sự hợp tác này là vẫn nặng về tuyên truyền, phô trương hình ảnh là chính. Hai bên có thể tiến hành các hoạt động nhắm đến các hiệu ứng bề nổi, nhưng sẽ không có ý nghĩa thực tế. Vì thế, xuất phát từ nhiều lý do của cả hai bên, nhất là Nga, nên khả năng việc Nga sẽ phối hợp với Trung Quốc để tuần tra chung ở Biển Đông là khó có thể xảy ra, dù rằng điều này là việc Trung Quốc rất mong muốn nhằm lôi kéo Nga trong việc ủng hộ các chính sách và hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới