Những năm gần đây, tình hình Biển Đông ngày càng “nóng” hơn do xuất hiện liên tiếp các hành động nguy hiểm, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực. Nếu như trước đây, người ta thường chỉ đề cập đến xung đột lợi ích giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác, thì hiện nay đã xảy ra xung đột và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Đã có không ít lần, máy bay, tàu chiến Mỹ phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc, tiến đến gần các rạn san hô, nơi Trung Quốc tích cực bồi đắp một cách bất hợp pháp nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho lực lượng hải quân và không quân, bao gồm cả các sân bay hiện đại. Từ năm 2017 đến nay, có tới 13 lần tàu chiến Mỹ di chuyển qua các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố cấm. Lo ngại một cuộc xung đột với hậu quả khó lường giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra, các chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương của Nga đã lên tiếng. Đáng chú ý, các chuyên gia trên, sau khi phân tích nhiều khía cạnh của cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các nước ở Biển Đông cùng sự can dự của các nước bên ngoài, đã đề xuất: Trung Quốc nên thay đổi chính sách Biển Đông. Lập luận của họ như sau:
Xung đột ở Biển Đông trong một thời gian dài đã không nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Năm 1956, Trung Quốc chiếm giữ một phần quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục nuôi ý đồ mở rộng kiểm soát tại khu vực này. Đến tháng 01/1974, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch quân sự và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, khi đó thuộc quyền kiểm soát của Chính quyền miền Nam Việt Nam, còn Mỹ đã làm ngơ và không hỗ trợ gì để đẩy lùi cuộc tấn công này. Tiếp đó, Trung Quốc liên tục mở rộng sự bành trướng của họ đối với quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và đến giữa những năm 1990, Trung Quốc đã thiết lập quyền kiểm soát đối với một số đảo đá và bãi cạn nhỏ tại đây. Mọi nỗ lực xây dựng các kế hoạch chung nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc đều không mang lại bất kỳ kết quả nào và cuộc xung đột đã dần chuyển từ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam thành đa phương khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng lãnh thổ lớn hơn, làm nảy sinh mâu thuẫn lợi ích với hầu hết các nước ASEAN.
Năm 2009 đánh dấu điểm khởi đầu cho một giai đoạn phát triển xung đột mới tại Biển Đông khi Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc chính thức công bố về “đường chín khúc”, chiếm 80% diện tích Biển Đông mà không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp lý nào. Từ thời điểm này, các nhà chức trách Trung Quốc từng bước biến quyền sở hữu trên hình thức, thành quyền sở hữu trên thực tế và thiết lập sự kiểm soát đối với một không gian rộng lớn tại khu vực này. Ai đó đã hy vọng việc làm trên của Trung Quốc sẽ trở thành chủ đề của các cuộc thương lượng trong tương lai và Trung Quốc sẽ sớm thực hiện một số nhượng bộ đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ý kiến này đã không hoàn toàn đúng. Chính quyền Trung Quốc đã chứng minh rằng các tuyên bố của họ không đơn giản là về chủ quyền của nước này mà họ sẽ kiểm soát chặt chẽ vùng lãnh thổ đó, bỏ qua quyền và lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng. Rõ nét nhất là việc Trung Quốc đơn phương đưa ra quy định về cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà không tham vấn các nước láng giềng. Quy định đó bắt buộc tàu cá các nước phải xin phép và được Trung Quốc đồng ý mới được vào đánh bắt cá ở vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ, nhưng Trung Quốc lại tự cho mình quyền tài phán bất chấp luật pháp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với hàng triệu ngư dân các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Họ đang đứng trước các mối đe dọa lớn, nhất là trong trường hợp bị bắt giữ sẽ bị cơ quan chức năng Trung Quốc tịch thu ngư cụ và phạt tiền lên đến 83.000 USD. Chính quyền Trung Quốc giải thích quy định này là nhằm bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên cá tại khu vực, tuy nhiên, các quốc gia liên quan lại coi hành động của Trung Quốc là nhằm cấm “ngư dân nước ngoài” tiếp cận vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ mà hiện nay Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền”, bất chấp luật pháp quốc tế. Chính vì thế, quyết định đơn phương của Trung Quốc đã vấp phải sự bất đồng và phản đối trực tiếp của Philippines, kể cả Đài Loan cũng kiên quyết không công nhận các quy tắc do Bắc Kinh thiết lập. Song nhất quán hơn cả là Việt Nam, quốc gia không chỉ phản đối tính bất hợp pháp trong các hành động của Trung Quốc, mà còn buộc họ phải từ bỏ những hành động sai trái này bởi lẽ mọi hành động tấn công ngư dân Việt Nam của tàu chiến Trung Quốc đều bị báo chí quốc tế phản ánh đậm nét, đặc biệt gây tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc như là một đất nước yêu hòa bình vốn được giới chức nước này thường xuyên quảng bá. Có thể nói rằng, trong tất cả các nước ASEAN, Việt Nam là bên bảo vệ nhất quán lợi ích của quốc gia và của toàn khu vực. Quan điểm của Việt Nam đã buộc các nước ASEAN khác đưa vấn đề Biển Đông lên vị trí hàng đầu trong chính sách khu vực và Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn đến quan điểm chung của ASEAN về vấn đề này. Các cuộc họp gần đây của các Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã khẳng định nhận định trên.
Xung đột trong khu vực đã trở nên căng thẳng hơn bởi nhân tố Mỹ, cường quốc đã nhân cơ hội này để một lần nữa thể hiện rằng, chỉ có nước Mỹ mới có thể bảo vệ các nước Đông Nam Á trước những hành động bất chấp luật pháp của Bắc Kinh. Mỹ coi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và có khả năng gây nguy hiểm”, còn Trung Quốc không đưa ra lời giải thích hay biện minh nào trên cơ sở luật pháp quốc tế về những yêu sách của mình đối với Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ, cũng như phản ứng gay gắt của các nước láng giềng là chưa đủ mạnh để làm thay đổi chính sách của Trung Quốc. Ngày 01/01/2014, khi các quy định mới về đánh bắt cá được áp dụng trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tập trận quân sự tại đây với sự tham gia của 14 tàu chiến.
Bước đi tiếp theo làm leo thang xung đột là việc Bắc Kinh triển khai “thăm dò dầu khí” ở những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam và được thừa nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Thêm một lần nữa, Trung Quốc không có bất kỳ sự tham vấn nào với các nước láng giềng mà đã đơn phương công bố việc triển khai hoạt động khoan thăm dò trên trang web chính thức của Cơ quan quản lý an ninh hàng hải Trung Quốc, trong đó thông báo rằng, giàn khoan của Trung Quốc sẽ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa từ 04/05 đến 15/08/2014, đồng thời cấm mọi hoạt động của tàu thuyền các nước trong phạm vi bán kính 4,8km từ vị trí đặt giàn khoan.
Trước sự việc trên, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngừng việc khoan thăm dò các giếng dầu ở Biển Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, khu vực đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức ngừng tất cả các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, đáp lại những phản ứng của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại tuyên bố rằng,“giàn khoan di chuyển trong vùng biển Trung Quốc”. Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng sách lược đặt nước khác vào tình thế “chuyện đã rồi” để từng bước khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và tin rằng, các nước láng giềng yếu thế sẽ không phản đối hành động của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sai lầm bởi Việt Nam luôn giữ lập trường “cứng rắn” trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, buộc Bắc Kinh phải lưu tâm đến quan điểm của Việt Nam. Ngoài thực địa, tàu Việt Nam di chuyển xung quanh khu vực đặt giàn khoan của Trung Quốc, đã có thời điểm xảy ra va chạm khi tàu Trung Quốc cố tình đụng độ tàu Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn để đuổi tàu Việt Nam. “Cuộc chiến lý trí” kéo dài vài tháng và cuối cùng, Trung Quốc cũng di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam vào giữa tháng 7, thay vì tháng 8/2014 như họ tuyên bố trước đó. Trung Quốc đã không đạt được bất cứ thứ gì, không tìm thấy dầu mỏ, không được ai ủng hộ, mà còn làm xấu đi hình ảnh của mình trên thế giới. Quan hệ Trung – Việt trở nên căng thẳng trong khi các nước láng giềng của Trung Quốc nhận ra rằng, vào bất cứ thời điểm nào, Trung Quốc đều có thể bất chấp tất cả để hành động một cách khó lường.
Sau khi buộc phải rút giàn khoan, Trung Quốc chuyển sang thực hiện chiến lược mới để gây áp lực đối với các nước láng giềng bằng việc đẩy mạnh bồi đắp cát lên các rạn san hô, lập thành các đảo nhân tạo và triển khai lực lượng vũ trang đồn trú, xây dựng sân bay cho máy bay vận tải và quân sự. Điều này cho thấy nhu cầu thiết yếu của Trung Quốc để mở rộng không gian kiểm soát trên biển, bởi khi hoàn thiện việc bồi đắp các đảo đá, Trung Quốc cho rằng biên giới của nước này sẽ tự động mở rộng thêm ít nhất 12 hải lý là chiều rộng lãnh hải của các đảo. Việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra phản ứng gay gắt từ các nước có tranh chấp, nhất là Philippines và Việt Nam. Các nước đặc biệt lên án việc xây dựng bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái ở Biển Đông, nơi trú ngụ của hàng nghìn loài cá và thủy sản khác. Ngoài ra, hoạt động của Trung Quốc nhằm mở rộng các đảo đá có thể dẫn đến việc nước này sẽ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Thực tế hiện nay, những hòn đảo xây dựng bất hợp pháp đó đã nhanh chóng được quân sự hóa bằng việc triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không, xây dựng sân bay quân sự và biến chúng thành trung tâm kiểm soát quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình YJ-12B, có thể tiến công mục tiêu trong bán kính 546km và tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách 296km. Tổng cộng, Bắc Kinh đã xây dựng 27 căn cứ hiện đại và hầu hết đều có đường băng cất hạ cánh.
Đánh giá tình hình hiện tại không thể bỏ qua câu hỏi về hiệu quả của một chính sách đối đầu của Bắc Kinh, lợi ích thực sự nhận được đằng sau những xung đột trên. Phải khẳng định, rất khó để tìm ra những yếu tố tích cực từ việc thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, thay vào đó là những yếu tố mang tính tiêu cực. Đó là sự thiếu niềm tin và gia tăng tính thù địch với các nước láng giềng xung quanh, tạo ra cái cớ để Mỹ quay trở lại khu vực. Nhìn chung, sự gia tăng rõ rệt vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề của Đông Nam Á, sự gia tăng về mức độ và tần suất liên kết giữa các nước Đông Nam Á với Mỹ đều liên quan trực tiếp đến chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Trong bối cảnh này, các nước láng giềng đang lâm vào cuộc chạy đua vũ trang và tích cực trang bị vũ khí mới. Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch mua máy bay trực thăng tấn công, máy bay tấn công phản lực hạng nhẹ và máy bay tuần tra ven biển, cũng như đầu tư cho các hợp đồng dài hạn mua tàu khu trục từ Hải quân Italia và máy bay huấn luyện chiến đấu.
Những động thái trên đã chỉ ra rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho chính nước này. Với danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải, các tàu chiến của Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục phá vỡ các ranh giới và giới hạn trên Biển Đông do Trung Quốc thiết lập và sẽ di chuyển vào vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố “chủ quyền”, khiêu khích Bắc Kinh dẫn đến các cuộc đụng độ. Và như vậy, kế hoạch đuổi Mỹ ra khỏi khu vực này của Trung Quốc sẽ hoàn toàn đổ vỡ, đồng thời tạo cớ cho Mỹ gia tăng sự hiện diện trong khu vực. Giả sử trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines năm 2016, chiến thắng không thuộc về ông R.Duterte, người đang nỗ lực cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc, thì có lẽ Quân đội Mỹ đã tái triển khai lực lượng tại căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark Field trên lãnh thổ Philippines, bởi trước đó trong chuyến thăm Manila hồi tháng 4/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền Philippines tiền nhiệm đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai lực lượng đồn trú này.
Vì vậy, bằng những hành động của mình, Trung Quốc thực sự đang mở cửa cho Mỹ hiện diện tại khu vực, tạo cơ hội để nước này củng cố vị thế của mình ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong khi chính sách của Trung Quốc là đuổi Mỹ ra khỏi khu vực này. Chính sự mất niềm tin vào Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Mỹ. Nhiều quốc gia với chính sách đối đầu với Trung Quốc đang lợi dụng việc này để đạt được mục đích của mình là bao vây Trung Quốc bằng cách xây dựng các mối quan hệ đặc biệt không chỉ với Philippines, mà còn với cả Việt Nam và Mianmar. Ý nghĩa của liên minh này là nhằm tạo ra một đối thủ ngang tầm với Trung Quốc ở Đông Nam Á và lợi dụng các nước này phục vụ lợi ích riêng của mình.
Gần đây, Bắc Kinh đã nhận ra chính sách bành trướng đang ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với các nước ASEAN và làm tổn hại đến hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Do đó, Trung Quốc đã phần nào thay đổi chiến thuật, cố gắng tránh đụng độ ở Biển Đông và thể hiện thiện chí sẵn sàng “thỏa thuận” trong các cuộc đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Nhưng ngay cả khi thay đổi chiến thuật, Trung Quốc cũng không bao giờ từ bỏ các biện pháp để áp đặt các yêu sách chủ quyền của mình và tham vọng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Họ vẫn tìm mọi cách vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, tiếp tục phớt lờ phán quyết. Trong khi đó, phán quyết lại chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc vì nó bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử mà Trung Quốc tích cực sử dụng để chống lại lợi ích của các nước láng giềng, đồng thời chỉ ra rằng, biện pháp giải quyết tình hình hiện nay là phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên cơ sở UNCLOS 1982. Phán quyết của PCA hoàn toàn gây bất lợi cho Trung Quốc, do vậy nước này, với tất cả nguồn lực, ra sức sử dụng ảnh hưởng chính trị, ngoại giao và kinh tế để huy động và thuyết phục các nước không ủng hộ phán quyết. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc hầu như không mang lại kết quả đáng kể. Các nước ASEAN tiếp tục ủng hộ phán quyết của PCA, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì quan điểm nhất quán của các nước trong ASEAN ủng hộ các quyết định của PCA. Thực tế, Việt Nam có bằng chứng lịch sử (thậm chí nhiều hơn cả Trung Quốc) khẳng định từ xa xưa các vị hoàng đế của Việt Nam đã kiểm soát và sử dụng các đảo bị tranh chấp hiện nay. Nhưng Việt Nam hiểu được tầm quan trọng và tính khách quan trong phán quyết của PCA, đã giải quyết xung đột mà không khiếu nại về quyền lịch sử đối với các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam mong muốn giải quyết xung đột hiện nay một cách hòa bình, công bằng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng được nêu trong phán quyết của PCA. Quan điểm nhất quán như vậy của Việt Nam đã trở thành quan điểm chung của tất cả các nước ASEAN.
Trong bối cảnh như vậy, hướng giải quyết hợp lý nhất của Trung Quốc là nước này cần thay đổi chính sách của mình, đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng có tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được thỏa hiệp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Sự thay đổi này có thể không phải là biện pháp hoàn hảo, nhưng là nền tảng đáng tin cậy và hợp pháp để đạt được thỏa hiệp giữa các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực.