Lực lượng vũ trang của Iran sẽ tổ chức một đợt diễn tập hàng hải trong 4 ngày cùng Nga và Trung Quốc ở vùng biển phía bắc Ấn Độ dương, một phát ngôn viên của Iran cho biết.
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tại căn cứ hải quân ở Hải Nam. (Ảnh: Reuters)
Chiến dịch bắt đầu từ thứ Bảy tuần này sẽ là cuộc diễn tập ba bên lần đầu tiên diễn ra khi Tehran muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Mátxcơva trong bối cảnh phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có từ Washington. Các chuyến thăm của hải quân Trung Quốc và Nga đến Iran cũng gia tăng trong những năm gần đây.
Phát ngôn viên quân đội Iran, Tướng Abolfazl Shekarchi, cho biết chiến dịch diễn tập chung nhằm bảo đảm an ninh khu vực, diễn ra trên khu vực phía bắc Ấn Độ dương và mở rộng đến biển Oman. Cuộc diễn tập được cho là để đáp trả đợt tập trận gần đây của Mỹ cũng đồng minh khu vực là Ả-rập Xê-út mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Vùng Vịnh, bao gồm các vụ tấn công vào tàu chở dầu và vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy dầu của Ả-rập Xê-út, Mỹ đã cử thêm lực lượng đến khu vực và triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa đến Ả-rập Xê-út.
Washington cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công nhà máy dầu và một giếng dầu của Ả-rập Xê-út hồi tháng 9, khiến giá dầu thế giới tăng với tỷ lệ cao nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Dù phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhận trách nhiệm tấn công, Ả-rập Xê-út nói rằng hành động đó “không có gì phải nghi ngờ rằng cuộc tấn công được Iran hậu thuẫn”.
Iran bác bỏ và cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào nhằm vào họ cũng sẽ dẫn tới “chiến tranh tổng lực”. Trong khi đó, Iran cũng bắt đầu làm giàu urani vượt khỏi giới hạn đề ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà họ nhất trí với các cường quốc thế giới nhưng Mỹ đơn phương rút ra.
Năm 2017, Iran tiến hành một cuộc diễn tập hàng hải chung với Trung quốc gần eo biển Hormuz chiến lược trên vịnh Ba Tư, nơi gần 1/3 lượng dầu thế giới tiêu thụ được vận chuyển qua.