Bộ Quốc phòng Ấn Độ có kế hoạch trang bị thêm 24 tàu ngầm các loại, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới, cho lực lượng hải quân nước này.
Truyền thông quốc gia Nam Á dẫn nguồn một báo cáo của Hải quân Ấn Độ cho biết, lực lượng này đang được biên chế 15 tàu ngầm chạy động cơ thường và 2 tàu ngầm chạy động cơ nguyên tử.
Cụ thể, các tàu ngầm loại quy ước của Hải quân Ấn Độ thuộc lớp Kilo của Nga, lớp HDW (Howaldtswerke Deutsche Werft) của Đức và mới nhất là lớp Scorpene của Pháp; trong khi đó hai tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Akula của Nga.
Trong 15 năm qua, Hải quân Ấn Độ mới chỉ được trang bị mới đúng 2 tàu ngầm lớp Scorpene mang tên INS Kalvari và INS Khanderi. Do đó, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ đường bờ biển dài và vùng biển rộng lớn, Hải quân Ấn Độ cần tăng cường thêm sức mạnh của lực lượng tàu ngầm.
Phần lớn của các tàu ngầm này đều có trong biên chế hơn 25 năm, thậm chí lên tới 32 năm nên Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định kéo dài tuổi thọ của hạm đội tàu ngầm nhằm khỏa lấp chỗ trống trong lúc chờ những tàu mới.
Đến năm 2020, Hải quân Ấn Độ dự định thuê một nhà thầu nước ngoài để phối hợp với các công ty nội địa đóng 6 chiếc tàu ngầm áp dụng công nghệ động lực độc lập không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) mới theo Đề án P-75I.
Đây là dự án mua sắm tàu ngầm lớn nhất của New Delhi từ trước tới nay với tới gần 10 tỷ USD. Các tiêu chí cần có của một tàu ngầm được Hải quân Ấn Độ đặt ra là tàu ngầm trang bị hệ thống AIP, có khả năng tàng hình cao, hoạt động được trong mọi môi trường, có khả năng chống cả tàu ngầm lẫn tàu mặt nước và thực hiện tấn công các mục tiêu trên bờ.
Đặc biệt, theo sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì việc chuyển giao công nghệ (ToT) đóng tàu ngầm cho các công ty đóng tàu Ấn Độ là một trong những điều kiện tiên quyết khác.