Cùng với những tranh chấp về năng lượng, chiến lược bành trướng nhằm kiểm soát nguồn cá và các tài nguyên khác từ Biển Đông của Bắc Kinh đang khiến căng thẳng gia tăng và sẽ tiếp tục đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực trong năm 2020.
Trong quá khứ, các tàu cá của Trung Quốc thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy cộng thêm với hành vi của Bắc Kinh đã gây ra những quan ngại sâu sắc trong khu vực. Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16/5 đến ngày 01/8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối kịch liệt, vì lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của các ngư dân Việt. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc phái đến khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển. Trung Quốc cũng đã tuyên bố kế hoạch tăng cường sức mạnh của lực lượng hải giám, lên đến 16 máy bay và 350 tàu biển vào năm 2015, số máy bay và tàu này sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động tàu bè trên biển, thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, “bảo vệ an ninh hành hải” và kiểm tra các tàu nước ngoài hoạt động “trên vùng biển của Trung Quốc”.
Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới. ASEAN cho rằng những yêu sách bành trướng của Trung Quốc đến toàn bộ khu vực là có thể đàm phán được, rằng Trung Quốc sẽ chịu dàn xếp cho một hiệp định khu vực có các điều khoản thuận lợi, trong đó những tuyên bố chủ quyền sẽ được điều chỉnh, và nguồn lợi dầu khí cũng như ngư trường sẽ được chia sẻ. Dựa vào cơ sở này, ASEAN đã kéo Trung Quốc vào tham gia đối thoại thường xuyên với hy vọng thuyết phục các nhà cầm quyền Trung Quốc về giá trị của một cơ chế chuẩn tắc giúp điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. ASEAN thường xuyên cẩn trọng trong việc tránh khiêu khích Trung Quốc và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại kịp thời, và rằng phương cách ASEAN trong việc khuyến khích đồng thuận sẽ được Bắc Kinh chấp nhận một cách đúng lúc.
Nếu vấn đề chỉ liên quan đến những yêu sách cạnh tranh về năng lượng và ngư trường, thì một hiệp định chỉ rõ quy tắc tương tác và quản lý tranh chấp (gọi cách khác là một cơ chế hàng hải) rất có thể có khả năng trở thành hiện thực như các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã lập luận. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược với Mỹ đã định hình lại tranh chấp theo cách làm giảm vai trò của ASEAN và khả năng của họ trong việc đàm phán một giải pháp cho vấn đề với Trung Quốc. Điều đó làm Trung Quốc lãnh đạm với các ý tưởng của ASEAN và trở nên quan ngại hơn về các động thái bên ngoài khu vực của Mỹ cũng như các hoạt động hải quân của nước này. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc cư xử đặc biệt quyết liệt hơn bởi khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát Biển Đông là một phần cần thiết cho sự triển khai và chiến lược tăng cường hải quân của nước này.
Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Mỹ, cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.