Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định chính phủ nước này sẽ không thỏa hiệp trong việc duy trì chủ quyền của Indonesia.
Hôm nay (5/1), Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định chính phủ nước này sẽ không thỏa hiệp trong việc đảm bảo chủ quyền của Indonesia, liên quan đến vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna.
Phát ngôn viên Tổng thống Indonesia, ông Fadjroel Rachman cho biết, Tổng thống Indonesia đã chỉ thị giải quyết vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Natuna của Indonesia một cách cương quyết, đồng thời ưu tiên những nỗ lực ngoại giao hoà bình.
Ông Fadjroel Rachman cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình, không có nghĩa là Indonesia không quyết đoán. Tổng thống Indonesia cương quyết không thoả hiệp trong việc duy trì và bảo vệ chủ quyền của Indonesia.
Các nghị sĩ Indonesia yêu cầu chính phủ cần có thái độ kiên quyết hơn đối với Trung Quốc. Ông Charles Honoris, Đảng dân chủ đấu tranh cầm quyền Indonesia cho rằng, bất chấp công hàm phản đối, thái độ của Trung Quốc khi tuyên bố vùng biển Natuna là lãnh thổ của mình cho thấy sự thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tôn trọng chủ quyền của Indonesia.
Nghị sĩ này cũng khẳng định việc Trung Quốc viện cớ ngư dân nước này hoạt động ở vùng biển Natuna đã nhiều năm để ra yêu sách chủ quyền tại đây là không được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 công nhận và đã bị Toà trọng tài phản đối thông qua phán quyết năm 2016. Việc “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố cũng không có cơ sở pháp lý. Nghị sĩ này hoàn toàn đồng tình với quyết định của Tổng thống rằng không có sự thoả hiệp nào liên quan đến chủ quyền của Cộng hoà Indonesia tại Natuna với Trung Quốc.
Trước đó, Indonesia đã gửi một bức thư phản đối tới Trung Quốc liên quan đến việc tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá của nước này xâm nhập vùng biển Natuna, quần đảo Riau. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã truyền đạt 4 quan điểm của Indonesia, trong đó khẳng định Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở vùng biển Natuna, quần đảo Riau. Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) công nhận. Là thành viên của UNCLOS, Indonesia yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy định này. Indonesia không công nhận tuyên bố “đơn phương” của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và nhấn mạnh sẽ phối hợp với các bên liên quan để tăng cường bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Natuna.
Quân đội Indonesia cũng đã huy động 600 binh sĩ, năm tàu chiến, máy bay trinh sát và máy bay đến vùng biển Natuna để bảo vệ chủ quyền