Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thử nghiệm đập thủy điện Cảnh Hồng, ảnh hưởng tiêu cực...

TQ thử nghiệm đập thủy điện Cảnh Hồng, ảnh hưởng tiêu cực hạ lưu sông Mê kông

Trong một bài viết đăng tải ngày 30/12, tờ Bangkok Post cho biết Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm tại nhà máy thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam. Vì thế, 8 tỉnh dọc theo sông Mê Kông của Thái Lan đã được khuyến nghị chuẩn bị cho tình trạng mực nước sông giảm xuống trong thời gian từ ngày 1 đến 4/1/2020.

 

Đập thủy điện Cảnh Hồng

Cảnh Hồng là một trong 6 đập thủy điện thuộc tỉnh Vân Nam, mà Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng. Những con đập nằm chắn ngang thượng nguồn sông Mê Kông bao gồm: Cảnh Hồng, Nọa Trát Độ, Đại Triều Sơn, Mạn Loan, Tiểu Loan và Công Quả Kiều. Đập thủy điện Cảnh Hồng được người trong ngành gọi là kiến trúc dẫn đầu trong “kiến trúc cốt cán của điện lực Vân Nam” trên sông Mê Kông. Đập này cao 108m, dài 705m. Nó có công suất 1.750 MW, gồm năm tuốc bin phát điện.

Ảnh hưởng tiêu cực hạ lưu sông Mê Kông

Theo đánh giá của chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mê Kông đã, đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với sông Mê Kông.

Cụ thể, các con đập này đã làm thay đổi dòng chảy xuống hạ nguồn, đặc biệt trong các thời điểm các hồ thủy điện tích nước và xả nước, lượng nước thay đổi thất thường khiến cho các quốc gia phía hạ lưu chung dòng chảy sông Mê Kông luôn trong tình trạng bị động để điều phối dòng nước khi phục vụ nhu cầu của quốc gia.

Thứ hai, các con đập này trước khi chảy xuống khu vực hạ lưu sông đã giữ lại một lượng phù sa rất lớn, theo các phân tích thì lượng phù sa nằm phía thượng nguồn sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc theo tính toán chiếm khoảng 50% lượng phù sa của sông Mê Kông.. Theo đó, nghề thủy sản của người dân sống xung quanh dòng sông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Các đập lớn đang góp phần làm cạn kiệt những dòng sông và làm trầm trọng tình trạng khô hạn. Điều này được nhận thấy rõ tại lưu vực sông Mê Kông, nơi mực nước của dòng chảy đang ở ngưỡng thấp nhất trong lịch sử.

Được biết đến như “người mẹ Nước” tại Lào và Thái Lan, sông Mê Kông chảy từ cao nguyên Tây Tạng, do phía Trung Quốc kiểm soát, chảy vào Biển Đông, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mỗi năm, những người nông dân ở lưu vực sông Mê Kông, vựa gạo lớn nhất của châu Á, sản xuất lượng gạo đủ để nuôi sống 300 triệu người. Lưu vực này cũng tự hào là nơi có nghề đánh cá nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% sản lượng đánh bắt trên toàn cầu. Những đập khổng lồ này là nguyên nhân gây ra sự “xâm thực” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả là tình trạng “xâm nhập mặn” đã buộc người nông dân trồng lúa phải chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng lau sậy.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông, việc phát triển thủy điện đến năm 2040 – bao gồm cả một số đập lớn của Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch – sẽ dẫn tới trữ lượng cá giảm 40-80%.. Các đập thủy điện kéo dài dọc sông Mê Kông sẽ khiến các loài cá khó di cư từ vùng này sang vùng khác để sinh sản, nhiều loài có nguy cơ bị tiêu diệt, đặc biệt với các loài cá da trơn có trọng lượng lớn, một trong những “đặc sản” của dòng sông Mê Kông.

Công tác bảo trì đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã dẫn đến việc xả nước, gây lũ lụt tại Thái Lan và Lào, tác động xấu tới mùa màng và hủy hoại quá trình sinh trưởng của cá, gây thiệt hại cho người dân địa phương.

Việc Trung Quốc chạy thử nghiệm đập thủy điện Cảnh Hồng sẽ khiến mực nước sông Mê Kông giảm mạnh, tác động đến các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông.

 8 tỉnh Đông Bắc của Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo cảnh báo của Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR), mực nước sẽ giảm xuống ở các tỉnh Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Nong Khai, Mukdahan, Bung Kan, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani, khi việc thử nghiệm đập Cảnh Hồng bắt đầu

Ông Somkiat Prajumwong, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan cho biết, việc Trung Quốc thử nghiệm đập thủy điện thời điểm này sẽ khiến tình hình hạn hán ở Thái Lan trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi hoạt động thử đập Cảnh Hồng diễn ra trong thời điểm Thái Lan đang đối phó với một đợt hạn hán nghiêm trọng.

Viện Thông tin Thủy văn Thái Lan (HII) cho biết mực nước ở các hồ chứa lớn ở nước này thấp ở mức báo động do lượng mưa năm nay thấp hơn mức trung bình 18%. Lượng nước tại 9 hồ chứa nước lớn nhất Thái Lan chỉ còn chưa đến 30% tổng sức chứa.

HII cũng cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở sông Chao Phraya trong quý I năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của của VN có nguy cơ bị ngập mặn

Chiều 31/12, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đập thủy điện Cảnh Hồng sẽ giảm lượng xả nước và sẽ tác động xấu đến tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 Tổng cục Thủy lợi cho biết, theo thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc vào ngày 27/12, lưu lượng xả nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ được điều chỉnh giảm từ mức 1.200-1.400 m3/s, xuống còn 800-1.000 m3/s trong thời gian từ ngày 1/1/-4/1/2020. Sau đó, lượng xả từ đập Cảnh Hồng tiếp tục giảm xuống 504-800 m3/s trong ngày 4/1, trước suy trì trở lại mức bình thường (1.200-1.400 m3/s).

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Thủy lợi cho biết, việc giảm nước xả trên của đạp Cảnh Hồng sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 22/1-28/1/2020, trùng với triều cường cuối tháng 12 âm lịch, khả năng làm xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian này.

Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông hiện ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn năm 2015 (năm sinh ra hạn lịch sử).

Trong tháng 12/2019, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến do trong đợt triều cường ở mức cao và gió Đông Bắc cường độ mạnh (do ảnh hưởng của cơn bão số 7), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (Sông Hàm Luông), cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17 km. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc sẽ về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) bắt đầu từ ngày 22-1-2020 và ảnh hưởng ra các vùng ven biển kéo dài đến hết ngày 28-1-2020 – thời điểm của kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới 2020, cho nên, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng với đỉnh mặn vào những ngày Tết cổ truyền.

Theo cảnh báo của cơ quan này, do việc giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng nên khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử như năm 2015-2016 là rất cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới