Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCách thức TQ triển khai chiến lược phát triển sức mạnh biển

Cách thức TQ triển khai chiến lược phát triển sức mạnh biển

Kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, nhằm tìm cách hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” và Chiến lược “Cường quốc biển”, Bắc Kinh đã triển khai tổng hòa nhiều biện pháp, trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trên biển.

Chiến lược phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện nay đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trên biển hướng tới xác lập vị thế cường quốc biển.

Phát triển lực lượng hải quân

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng lực lượng tàu và kết cấu lực lượng chứng tỏ Trung Quốc đang chuyển dần từ phòng ngự sang chống tiếp cận và cả tấn công, từ biển gần sang biển xa. Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Trong số trang thiết bị vũ khí của Trung Quốc trang bị cho lực lượng Hải quân, có một số loại được đánh giá là hiện đại trên thế giới. Đầu tiên, Tàu Liêu Ninh được Trung Quốc mua và sửa chữa, nâng cấp từ tàu Varyag của Ucraina. Tàu Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Theo thiết kế, Liêu Ninh có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 281m, rộng 71m, mớn nước 11m; tốc độ 32 hải lý/h; tầm hoạt động vào khoảng 4.000 hải lý; tàu được trang bị động cơ Turbin hơi nước, công suất 200.000 mã lực, 02 turbin 50.000 mã lực; tàu được trang bị 4 hệ thống radar PAR, 7 hệ thống tên lửa hạm đối không, 3 hệ thống tên lửa hạm đối hạm và 2 hệ thống tên lửa diệt tàu ngầm. Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc có khả năng trở 50 máy bay chiến đấu như Su-33, MIG-29, J-15, máy bay cảnh báo sớm YAK-44, trực thăng chống ngầm Ka-27PL, trực thăm tìm kiếm cứu nạn… Tính đến thời điểm hiện tại, tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia nhiều cuộc tập trận, huấn luyện trên biển. Trong đó Biển Đông là một trong những khu vực được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu hiện nay. Thứ hai, tàu tàu khu trục Type 055 là chiến hạm loại 10.000 tấn, có tải trọng lớn nhất trong lịch sử, khả năng tác chiến mạnh nhất và thời gian nghiên cứu dài nhất. Type 055 có lượng giãn nước đầy tải ước tính là 13.000 tấn, trang bị vũ khí với hệ thống thẳng đứng với 112 ống phóng chìm, có thể phòng các loại tên lửa khác nhau như tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không. Đồng thời, Type 055 cũng là khu trục hạm nhiều bệ phóng thẳng đứng nhất trên thế giới. Ngay cả tàu khu trục Zumwalt của Mỹ cũng chỉ có 96 ống phóng. Ngoài ra, khu trục hạm Type 055 còn sử dụng radar băng tần S, có khả năng tàng hình, chống vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là loại radar đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế thân cột tích hợp, không có nhiều thiết bị treo bên ngoài, nhìn tổng thể rất đơn giản và gọn. Giới truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đánh giá, khu trục hạm Type 055 không chỉ đại diện cho trình độ cao nhất của công nghiệp hải quân Trung Quốc mà còn chiếm vị trí “bá chủ” trong hàng ngũ khu trục hạm hải quân thế giới. Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ không tiếc tiền trong cuộc chạy đua với Mỹ. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ đóng mới khoảng 20 tàu khu trục Type-055 và nhiều tàu hộ vệ Type-054 để phục vụ cho 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Thứ ba, các tàu khu trục lớp Type 051 của Trung Quốc có lượng giãn nước từ 3.250 – 7.100 tấn; dài 132m – 150m, rộng 12,8m – 17m, mớn nước 4m – 6m; các tàu Type 051 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 2.900 – 5.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 260 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 051 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 02 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn khoảng 150km, 06 bệ phóng tên lửa phòng không S-300FM, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 051 được trang bị hệ thống radar cảnh giới có tầm quan sát tối đa 300km, có khả năng bám sát 40 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã biên chế 5 trong tổng số 13 tàu Type 051 cho Hạm đội Nam Hải; cũng từng triển khai tàu Type 051C và tàu 051B tham gia tập trận ở Biển Đông. Thứ tư, các tàu khu trục lớp Type 052 có lượng giãn nước từ 4.200 – 7.000 tấn; dài 144m – 157m, rộng 16m – 19m, mớn nước 5,1m – 6m; các tàu Type 052 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước 67.000 mã lực và 2 động cơ diesel 10.420 mã lực; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 4.500 – 6.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 280 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 052 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 08 bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, 01 bẹ phóng phòng thủ tầm gần Type 730, 1 bệ phóng tên lửa HQ-10, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 052 được trang bị hệ thống radar phòng không đa công dụng 3D, hệ thống radar tầm xa Type 71H, hệ thống radar đối không, choosmg hạm, hệ thống vệ tinh, hệ thống radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm quan sát tối đa 450km, có khả năng bám sát 50 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Trung Quốc đã biên chế 06 tàu Type 052 cho Hạm đội Nam Hải; từng triển khai phi pháp , 01 tàu chiến Type 052 và 01 tàu Type 052C tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; 02 tàu Type 052B tại đá Chữ Thập và 01 tàu Type 052C tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cử các tàu chiến thuộc lớp Type 052 tham gia tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông. Thứ năm, tàu đổ bộ Type 071 là loại tàu đổ bộ đa chức năng lớn, có khả năng tham gia tác chiến đổ bộ, vận chuyển binh lính, xe tăng. Type 071 có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn – 25.000 tấn, dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m; trang bị 4 động cơ diesel 47.000 mã lực, vận tốc 22 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 hải lý. Type có khả năng chở 500 – 800 quân, 4 xuồng đổ bộ Type 726, 15-20 xe tăng thiết giáp. Hiện Hạm đội Nam Hải được trang bị 3 trong tổng số 4 tàu Type 071. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã 5 lần điều phi pháp tàu Type 071 ra đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đảo Phú Lâm của Việt Nam. Thứ sáu, tàu ngầm Hình 094 (tiếng Trung:094型) là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được phát triển bởi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đây là lớp tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ hai của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chiếc đầu tiên được đóng tại xưởng đóng tàu Huludao tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn. Chiếc đầu tiên bắt đầu được đóng vào năm 1999 và hoàn thành vào tháng 7 năm 2004. Vào mùa thu năm 2009 hai chiếc tàu ngầm được đóng hoàn tất đã đưa vào thử nghiệm với các khả năng như lặn sâu, tốc độ, tác chiến và ẩn nấp. Hai chiếc này được thấy một ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và một ở căn cứ hải quân Tam Á, đảo Hải Nam. Tàu ngầm Hình 094 có thiết kế khá giống tàu ngầm Hình 093 với vỏ tàu có hình giọt nước với bốn bánh lái nằm ngang. Nó có trọng tải choáng nước khá lớn từ 8.000 đến 9.000 tấn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang nghiên cứu loại tầm ngầm hạt nhân thế hệ mới, ưu việt hơn so với tàu Type 094. Kể từ năm 2009, các báo cáo đã khẳng định sự tồn tại của dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 (NATO định danh lớp Tùy), được cho là có độ ồn giảm đáng kể so với Type 093. Tàu dự kiến được ra mắt vào năm 2020, thuộc biên chế biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Dự án tàu ngầm Type 096 (NATO định danh lớp Đường) được trông đợi sẽ thay thế các tàu ngầm Type 094. Tàu được cho là có kích thước lớn hơn lớp 094, trang bị đến 24 tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn 10.000km. Thứ bảy, tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay DF-26 có thể tấn công các tàu cỡ trung và lớn di chuyển trên biển. DF-26 từng được truyền thông TQ và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây. DF-26 được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết tên lửa DF-26 là loại vũ khí mới được trang bị cho PLARF và có 4 tính năng nổi bật. Thứ nhất, đây là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc và nước này có toàn quyền sở hữu DF-26. Thứ hai, DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa. Thứ ba, nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ mới cho DF-26, làm tăng hiệu quả và nâng cao khả năng kết nối của nó. Ngoài ra, ông Ngô Khiêm khẳng định, Trung Quốc không giống như Mỹ và Nga mà sẽ tiếp tục duy trì nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bất chấp khả năng tự vệ mạnh mẽ của loại tên lửa mới. Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m. Thứ tám, tên lửa đạn đạo Cự lang 3 (JL-3) mà Trung Quốc mới bắn thử gần đây có tầm phóng cực đại 9.000km, có thể được trang bị cho các tàu ngầm chiến lược Type 096. Nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ khẳng định, trong cuộc phóng thử ngày JL-3 không bay hết tầm, cuộc bắn chủ yếu kiểm tra hệ thống tên lửa khi khởi động từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu ngầm. Với cự ly này, JL-3 trở thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nguy hiểm nhất của Hải quân Trung Quốc. Từ trước tới nay, Bắc Kinh mới chỉ trang bị cho các tàu ngầm của mình tên lửa JL-2 có tầm phóng khoảng 7.000km. Giới phân tích cho rằng, ít nhất phải tới đầu năm 2020 thì Hải quân Trung Quốc mới có cặp “song sát” JL-3 và Type 096. “Cặp bài trùng” này được cho là tạo ra mối đe dọa “tốt hơn” so với tàu ngầm Type 094 và JL-2.

Tổng hòa các biện pháp

Để tăng cường năng lực phối kết hợp giữa các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên biển,Trung Quốc đang triển khai chiến lược kết hợp chiều ngang giữa các lực lượng dân sự, chấp pháp, bán quân sự và quân sự trong chiến lược mà phương Tây gọi là “cải bắp”, theo đó lực lượng ngư dân là tiền tuyến, hải giám và ngư chính là trung tuyến và hải quân là ngoại tuyến cùng hỗ trợ bảo vệ lợi ích biển của Trung quốc ở Biển Đông. Khắc phục nhược điểm “quân hồi vô phèng” của các lực lượng chấp pháp trên biển, Trung quốc đã hợp nhất các lực lượng này vào sự quản lý và chỉ huy thống nhất của Cục Hải Dương Trung Quốc, lần đầu tiên lực lượng chấp pháp của 4 tỉnh duyên hải tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, lần đầu tiên diễn tập kết hợp giữa hải quân, hải giám, ngư chính ở Biển Hoa Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng đẩy mạnh kết hợp chiều dọc giữa các đơn vị trong cùng một lực lượng như diễn tập kết hợp giữa 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tại Biển Đông.

Để tăng thiệt hại và tốn kém cho các hạm tàu sân bay, tàu nổi của các đối thủ một khi xung đột nổ ra, Trung Quốc đang gia tăng các loại tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tấn công giảm âm, các máy bay ném bom tiên tiến thế hệ thứ 4 thứ 5, và tấn công an ninh mạng. Để vươn xa, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu đa cấu trúc hóa nền tảng cứng cho lực lượng hải quân, xây dựng các loại tầu tác chiến theo các hướng tác chiến cận bờ và xa bờ , từ đó tăng dần khả năng kiểm soát từ chuỗi đảo thứ nhất ra chuỗi đảo thứ 2, vùng eo biển Malacca, và cả bờ tây Thái Bình Dương.

Về xây dựng căn cứ bên trong và bên ngoài, Trung Quốc đầu tư xây dựng Tam Á, có triển vọng trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, làm bến đỗ cho nhiều tầu ngầm tấn công hạt nhân và ít nhất hai tàu sân bay trong tương lai. Không những vậy, Trung Quốc cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài – căn cứ quân sự Djibouti. Đáng chú ý, học giả phương Tây cho rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch cho mỗi “chuỗi ngọc trai” các căn cứ dọc theo Ấn độ Dương sang Trung Đông và có nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp một số cảng nước sâu ở Srilanka, hoặc thậm chí căn cứ quân sự ở Pakistan và ở Vịnh Eden để hỗ trợ hoạt động chống cướp biển Somali. Gần đây có học giả Trung Quốc đã kêu gọi Trung Quốc thiết lập mạng lưới 18 căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Về hợp tác quốc tế, Trung Quốc chưa tham gia nhiều hoạt động hợp tác quân sự quốc tế, nhất là các hoạt động diễn tập quân sự với các nước lớn khác do năng lực còn hạn chế, chỉ có thể hoạt động gần bờ và lo ngại các điểm yếu của mình bị phát hiện. Bên cạnh các cuộc tập trận và diễn tập chung song phương, Trung Quốc đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ngoại giao quốc phòng khu vực; tham gia tích cực hơn vào các hoạt động hợp tác, xây dựng lòng tin như tìm kiếm cứu nạn,…

Về luật pháp hải dương, nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc biển, Trung Quốc đã có những bước điều chỉnh công tác quản lý và chấp pháp hải dương ở tầm vĩ mô để thống nhất chỉ đạo đối với 17 cơ quan đầu mối có trách nhiệm thực thi việc chấp pháp biển của Trung Quốc. Song hành với hoàn thiện cơ cấu, Trung Quốc cũng ban hành nhiều quy định cụ thể đối với nghề cá, vận tải biển, phòng vệ biển như “Điều khoản về quản lý, dự báo, giám sát hải dương” ra ngày 1/6/2012, hoặc “Thông tư về việc tăng cường thêm một bước trong công tác tăng cường quản lý hải dương và các vấn đề liên quan”. 

Nhìn chung, sự điều chỉnh mục tiêu chiến lược biển như vậy gắn liền với sự mở rộng của nội hàm quan niệm về hải dương của Trung Quốc, từ chỗ coi hải dương chỉ là vùng biển gần bờ, vùng tiếp giáp và đặc quyền kinh tế, sau đó nhấn mạnh khả năng đi ra vùng biển quốc tế và phát triển tài nguyên đại dương, đến hiện nay là mở rộng sang quyền cho tàu bè quân sự tự do đi lại trên biển, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng trong trường hợp chiến tranh và cản trở khả năng hoạt động tự do của hải quân các nước đối thủ. Việc Trung Quốc sử dụng tổng hòa các biện pháp để thực hiện chiến lược biển đã góp phần nâng cao vị thế hải quân của Trung Quốc trên thế giới, song nó lại tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng “sức mạnh cơ bắp” trong quan hệ quốc tế và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới