Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia huy động tổng lực bảo vệ chủ quyền và đối phó...

Indonesia huy động tổng lực bảo vệ chủ quyền và đối phó với TQ trên Biển Đông

Những ngày gần đây, Indonesia liên tục có nhiều động thái cứng rắn nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở khu vực quần đảo Natuna, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Jakarta.

Tuyên bố cứng rắn

Ủy ban An ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia (30/12/2019) cho biết ít nhất 63 tàu đánh cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau trong các ngày 19 – 24/12. Trước những hành vi trên, Indonesia đã đưa ra nhiều tuyên bố ngoại giao cứng rắn phản ứng hành vi trên của Bắc Kinh. Chính phủ Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và tuyên bố sẽ “không bao giờ” công nhận đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Indonesia khẳng định rằng EEZ của nước này đã được xác định theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh rằng, là một bên ký kết UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi văn bản này.

Indonesia (1/1) cũng đã chính thức lên tiếng từ chối lời mời đối thoại của Trung Quốc nhằm “quản lý các tranh chấp” tại các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, đồng thời tái khẳng định rằng không có yêu sách chồng lấn nào tại đây. Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục tuyên bố Jakarta sẽ không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên Biển Đông.

Đáng chú ý, trong một tuyên bố mới nhất thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (6/1) tuyên bố rằng chủ quyền của quốc gia này tại vùng biển Natuna là điều “không thể mặc cả”.

Cứng rắn trên thực địa

Hàng chục tàu cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia từ cuối tháng 12 năm ngoái và vẫn chưa rời đi bất chấp công hàm ngoại giao phản đối của Jakarta. Theo quan sát của hải quân Indonesia, các tàu cá Trung Quốc co cụm thành từng nhóm từ 2 đến 3 chiếc thay vì rải rác lẻ tẻ. Có đến 30 nhóm như vậy ngoài khơi Natuna tính đến ngày 6/1.

Trước hành động của Trung Quốc, các máy bay quân sự cùng với 3 tàu chiến và khoảng 600 binh sĩ thuộc Lục quân, Hải quân và Không quân Indonesia đã được triển khai đến vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna. Mới đây nhất, Hải quân Indonesia (6/1) đã triển khai thêm 4 tàu chiến đến quần đảo Natuna, nâng tổng số tàu có mặt tại đây lên con số 8, sau khi Trung Quốc đưa tàu hải cảnh tới bảo vệ các tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển Indonesia. Người phát ngôn Bộ tư lệnh vùng 1 hải quân Indonesia Fajar Tri Rohadi cho biết, “ Indonesia đã có hàng trăm binh sĩ tại đó. Hôm nay có 4 tàu chiến, nhưng ngày mai sẽ là 8 tàu”; đồng thời cho biết, hải quân và không quân Indonesia đang phối hợp tuần tra khu vực quần đảo Natuna, tiến hành liên lạc với tàu thuyền Trung Quốc thông qua radio nhưng không nhận được sự hợp tác. Trong quá khứ Indonesia nhiều lần có các hành động cứng rắn xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Hồi tháng 5/2016, một tàu khu trục Indonesia đã bắn hàng loạt phát súng khi một tàu cá của Trung Quốc không chịu ngừng đánh bắt cá trong khu vực. Sau đó, Indonesia đã bắt tàu cá này cùng 8 ngư dân đi trên đó. Sau những cuộc đối đầu căng thẳng vào năm 2016, Tổng thống Widodo đã đích thân đến thăm quần đảo Natuna trên một chiếc tàu chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia kể từ đó đã vạch ra các kế hoạch tăng cường tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí quân sự hạng nặng đến quần đảo của họ ở Biển Đông.

Đài Channel News Asia (CNA) cho biết, chính quyền Bắc Kinh lập luận vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc từ xưa đến nay. Trung Quốc cũng cho rằng có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với “đường 9 đoạn” phi pháp mà nước này tự vẽ ra. Để bảo vệ các tàu cá xâm phạm biển Indonesia, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hải cảnh cỡ lớn đến khu vực, bao gồm cả tàu hải cảnh số hiệu 35111 tải trọng 2.000 tấn. Đây là con tàu đã tham gia vào các vụ quấy rối và cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia trong năm 2019.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan của Quần đảo Nansha. Đồng thời, Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Ngư dân Trung Quốc đã và đang thực hiện các hoạt động sản xuất thủy sản bình thường ở vùng biển có liên quan của quần đảo Nam Sa ở Trung Quốc, đó là hợp pháp và hợp lý. Các tàu cảnh sát hàng hải Trung Quốc thực hiện quản lý tuần tra bình thường hóa trong các vùng biển liên quan theo nhiệm vụ của họ, duy trì trật tự hàng hải và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chính người dân của họ”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố rằng “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia để tiếp tục quản lý đúng đắn các khác biệt thông qua các cuộc đối thoại song phương và cùng nhau duy trì mối quan hệ và hợp tác hữu nghị giữa hai nước và tình hình hòa bình và ổn định chung hiện nay ở Biển Đông”.

Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa nhiều tin, bài vu cáo Indonesia, cho rằng các tàu chấp pháp và tàu cá của nước này đang hoạt động hợp pháp trong “ngư trường truyền thông của Bắc Kinh”; đồng thời lồng ghép, đưa nhiều tin về vụ va chạm giữa tàu chấp pháp Việt Nam và tàu Indonesia nhằm đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước về diễn biến tình hình căng thẳng ở Natuna. Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tuyên bố ngụy biện cho hành vi trên. Chuyên gia Hứa Lợi Bình, Viện Chiến lược toàn cầu và châu Á của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng truyền thông Indonesia “cố tình” đưa nhiều tin, bài về vụ việc tại Natuna là nhằm làm dấy lên thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc và lặp lại tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông; tạo ra xung đột giữa Trung Quốc và Indonesia để cản trở hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là hợp tác quốc phòng; cho rằng có “nước thứ ba” đứng sau kích động Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới