Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhản ứng của các bên liên quan Đạo luật chống xâm nhập...

Phản ứng của các bên liên quan Đạo luật chống xâm nhập của Đài Loan

Sau khi Cơ quan lập pháp Đài Loan (31/12/2019) thông qua một đạo luật chống xâm nhập mà chính quyền Đài Bắc cho là cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa đến từ Trung Quốc, đã gặp phải nhiều phản ứng khác nhau.

Đạo luật chống xâm nhập của Đài Loan là một phần trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để chống lại những gì nhiều người ở Đài Loan coi là những động thái của Trung Quốc nhằm tác động đến tình hình chính trị và tiến trình dân chủ, thông qua tài trợ bất hợp pháp cho các chính trị gia, giới truyền thông và các phương thức ngầm khác. Cụ thể, dự luật này cấm bất cứ ai quyên tiền cho đảng phái chính trị, tác động tới các cuộc bầu cử, hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị Đài Loan theo sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ tài chính từ “các nguồn xâm nhập” – thường được hiểu là từ Trung Quốc. Theo đạo luật mới, bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đảng phái nào nhận tài trợ chính trị từ lực lượng thù địch bên ngoài hay giúp mở rộng ảnh hưởng của lực lượng thù địch tại Đài Loan sẽ đối mặt với án tù tối đa năm năm và số tiền phạt tối đa là 334.000 USD.

Phát biểu trong thông điệu năm mới 2020, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định rằng, luật này sẽ bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và giao thương sẽ không bị ảnh hưởng giữa bối cảnh có những lo ngại rằng luật mới có thể gây tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh rằng để bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, chính phủ của bà sẽ xây dựng một cơ chế để bảo vệ tự do và nền dân chủ, khi Bắc Kinh vốn không ngừng gia tăng áp lực. Trong khi đó, các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn ủng hộ dự luật này 100% với 67 phiếu thuận và 0 phiếu chống, bất chấp sự chỉ trích của phe đối lập Quốc dân đảng (có xu hướng thân Bắc Kinh không tham gia cuộc bỏ phiếu), cho rằng việc thông qua luật này là một công cụ chính trị của DPP trước thềm bầu cử. Phát biểu trước cơ quan lập pháp Đài Loan sau khi dự luật chống xâm nhập được thông qua, ông Trần Âu Phách (Chen Ou-po), thành viên đảng DPP cầm quyền, nói rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa cho tất cả các nước và Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất”; cho rằng “Đài Loan đang là tiền tuyến trước sự xâm nhập của Trung Quốc và rất cần luật để ngăn chặn sự xâm nhập và bảo vệ người dân”.

Trái ngược với đảng DPP, Quốc Dân Đảng cho biết họ ủng hộ các nỗ lực bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ mối đe dọa xâm nhập nào, nhưng cáo buộc DPP đã vội vàng thông qua luật này để giành phiếu bầu, gọi đó là mối đe dọa cho nền dân chủ Đài Loan. Một số quan chức lập pháp của Quốc Dân Đảng đã biểu tình ngồi trước bục phát biểu trong suốt cuộc bỏ phiếu thông qua luật chống xâm nhập. Các nhà lập pháp này cầm theo các biển hiệu ghi “Phản đối luật tồi tệ” và “Phá hoại nhân quyền”.

Tại Bắc Kinh, Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự phản đối của họ đối với đạo luật và cho rằng đảng Dân chủ tiến bộ đang cố gắng đảo ngược nền dân chủ một cách trắng trợn và làm gia tăng sự thù địch. Trung Quốc cũng đã nhiều lần phủ nhận sự can thiệp vào chính trị Đài Loan.

Trong khi đó, một số nhà lập pháp có quan điểm trái chiều cho rằng luật mới sẽ đe dọa bất kỳ ai giao thiệp với phía Trung Quốc, nơi hàng trăm ngàn người Đài Loan đang làm việc, sinh sống và học tập.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, cảnh báo mọi hành động thúc đẩy Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc sẽ đối mặt với “sự trừng phạt của lịch sử”. Tuy nhiên, bà Thái từ chối công nhận hòn đảo là một phần của Trung Quốc. Mặc dù vậy, bà phủ nhận việc tìm kiếm nền độc lập chính thức và nhấn mạnh sẽ không đơn phương thay đổi tình trạng hiện tại với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới