Những ngày gần đây, dư luận khu vực đang nóng lên bởi cuộc đối đầu giữa lực lượng hải quân Indonesia và tàu hải cảnh của Trung Quốc.
Sự căng thẳng bắt đầu vào hồi giữa tháng 12 năm 2019 khi Indonesia phát hiện ra một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến sát đến khu vực bắc quần đảo Natuna. Khu vực này được Indonesia cho biết thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Bộ trưởng ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã cực lực lên án “Các tàu Trung Quốc đã xâm phạm khu vực biển nằm trong EEZ của Indonesia”. Để đối phó với hành động hung hăng này của Trung Quốc, một mặt, hải quân Indonesia tăng cường lực lượng các tàu chiến, 4 chiếc chiến đấu cơ F-16 đã được điều tới tiếp sức. Ngoài ra, Indonesia cũng đưa thêm 120 ngư dân ra khai thác tại khu vực này.
Ngày 1/1/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” cho yêu sách của họ đối với EEZ, dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia cũng khẳng định rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “không có cơ sở pháp lý”, sau khi cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập EEZ của Indonesia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 31/12 ngang nhiên nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với vùng biển lân cận quần đảo Trường Sa, ám chỉ ngoài khơi quần đảo Natuna nằm ở phía nam quần đảo Trường Sa.
“Yêu sách của Trung Quốc với EEZ lấy cớ rằng ngư dân của họ đã hoạt động tại đây từ lâu, yêu sách đó không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận”, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố và nhắc lại việc Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường 9 đoạn”.
Phải nói thêm rằng, Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp biển Đông (bao gồm 5 nước 6 bên). Indonesia cũng là quốc gia “anh cả” của ASEAN. Theo quy định của Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) thì khu vực Natuna nằm trong EEZ của Indonesia, tuy nhiên Trung Quốc cho rằng vùng nước quanh Natuna rất giàu tiềm năng dầu mỏ, khí đốt này thuộc “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng. Trung Quốc viện cớ rằng, Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với tất cả các vùng nước và thực thể bên trong “đường lưỡi bò”. Năm 2015 Indonesia cũng đã chính thức lên tiếng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc cho tàu xâm phạm vùng biển Natuna không phải là hành động mới. Chúng ta còn nhớ, Trung Quốc đã gia tăng các hành động gây hấn với 3 nước láng giềng ven Biển Đông là Philippines, Malaysia và Việt Nam hồi năm ngoái.
Với Philippines, Trung Quốc đã cho một số lượng lớn tàu hải cảnh, tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa các tàu cá bao vây, đe dọa các hoạt động trên biển của Philippines; uy hiếp các hoạt động tàu cá của ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, thậm chí tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines rồi bỏ mặc các ngư dân Philippines trên biển và các ngư dân Việt Nam đã cứu sống họ hồi tháng 6/2019; nhiều lần Trung Quốc cho tàu khảo sát xâm nhập sâu vào vùng biển của Philippines, có lúc đi vào cả lãnh hải của Philippines.
Với Malaysia, Trung Quốc liên tiếp cho các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển quấy phá, ngăn cản các hoạt động dầu khí của Malaysia quanh khu vực bãi cạn Nam Luconia, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.
Với Việt Nam, trong vòng 113 ngày (từ 3/7 – 24/10) Trung Quốc liên tiếp cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm lấn ngày càng sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đồng thời đe dọa, uy hiếp hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở khu vực lô 06-1, gây ra tình hình căng thẳng nhất trên biển trong vòng 5 năm qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc kêu gọi và đang tiến hành bước cuối cùng của cái mà Trung Quốc gọi là “gác tranh chấp cùng khai thác” với Philippines để nhằm tạo ra một hình mẫu để có thể áp dụng với các quốc gia ASEAN khác, mà trong đó có Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Nhìn lại các hành động trên biển Đông của Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua cho ta thấy tham vọng và ý đồ của Trung Quốc trên biển Đông, đó là:
– Trung Quốc luôn ngăn cản và quấy phá các quốc gia ASEAN nếu họ có hành động thăm dò hoặc khai thác tại vùng EEZ của họ. Trung Quốc làm vậy để buộc các quốc gia này phải “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc, có nghĩa là các quốc gia này phải từ bỏ mọi quyền pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế và UNCLOS.
– Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc xây dựng các đảo nhân tạo tại các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa và Scarborough. Sau khi quá trình quân sự hoá các thực thể này đã hoàn tất. Trung Quốc sẽ tiếp tục “dân sự hóa” từng bước các thực thể này trước cộng đồng quốc tế thông qua các biện pháp như xây dựng và đăng ký trạm khí tượng thủy văn …, làm bình phong để Mỹ và các nước không có cớ để lên án Trung Quốc được, bởi vì “đây chỉ là vì mục đích dân sự”.
– Trung Quốc tiếp tục gia tăng việc tuyên truyền, biện minh cho các hành động và yêu sách của mình. Trung Quốc không muốn có chiến tranh nên sẽ không tiến hành xung đột quân sự lúc này, nhưng Trung Quốc sẽ sử dụng các lực lượng để quấy phá, đe doạ các nước ASEAN như thời gian vừa qua. Một mặt để đe doạ các quốc gia ASEAN, buộc họ tuân theo “gác tranh chấp cùng khai thác”, mặt khác nhằm rêu rao với thế giới là tình hình an ninh Biển Đông vẫn đang trong tầm kiểm soát, bất ổn là do Mỹ và các “thế lực phương Tây” can thiệp.