Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không tuân thủ phán quyết mà còn đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa cũng như trong tuyên truyền nhằm triển khai trên thực tế yêu sách phi lý này làm cho tình hình Biển Đông trong năm 2019 hết sức căng thẳng.
Trong năm 2019, Trung Quốc đã cùng lúc gia tăng các hoạt động của tàu khảo sát, tàu chấp pháp và tàu dân quân biển xâm phạm ngày càng sâu vùng biển của các nước Malaysia, Philippines, Việt Nam và thậm chí cả vùng biển của Indonesia ở tận phía Nam Biển Đông.
1. Với Philippines, một mặt Bắc Kinh tìm cách thuyết phục Manila hợp tác cùng khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Philippines ở Biển Đông. Mặt khác, họ cho các tàu khảo sát xâm nhập sâu vào vùng biển của Philippines, thậm chí vào cả lãnh hải; các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển thường xuyên uy hiếp các hoạt động trên biển của Philippines, nhất là xung quanh đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa hiện do Philippines đóng giữ.
Tranh cãi nổi lên gay gắt giữa Manila và Bắc Kinh sau vụ va chạm hôm 9/6/2019 tại Bãi Cỏ Rong khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines rồi, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. Hành động này đã bị công chúng Philippines lên án dữ dội. Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tư lệnh Hải quân Philippines đã lên án Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã phản đối chính thức với Trung Quốc và bác bỏ ý tưởng một cuộc điều tra chung, đưa vụ việc ra Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Toàn bộ các ngư dân Philippines gặp nạn đã được tàu cá Việt Nam cứu.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng đối với các lợi ích của Philippines trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tìm cách xem xét lại hiệp ước này để có được sự đảm bảo lớn hơn từ phía Mỹ.
Để hỗ trợ Philippines ứng phó với chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, vừa lôi kéo vừa gây sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Washington cam kết đứng ra bảo vệ Manila theo đúng tinh thần của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ giữa hai nước được ký năm 1951 trong trường hợp Philippines bị tấn công.
Khi thăm Philippines tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh các hoạt động quân sự và việc xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông “đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines cũng như của Mỹ” và “bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng, máy bay hay tàu bè của Philippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ”.Trước đó, phía Mỹ chưa bao giờ nói rõ điều này với Philippines khiến cho nước này lo ngại về mức độ cam kết của Mỹ.
2. Malaysia là một bên trong tranh chấp trên Biển Đông nhưng lâu nay vẫn tỏ ra nhẫn nhịn trước Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc liên tục cho tàu chấp pháp và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển và quấy phá các hoạt động dầu khí của Malaysia nên gần đây Malaysia đã có lập trường mạnh mẽ hơn.
Trung tuần tháng 12/2019, Malaysia đã đệ trình hồ sơ lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốcđể xác định rõ giới hạn thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực Bắc Biển Đông. Bắc Kinh đã đáp trả với việc cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Liên Hợp quốcđừng xem xét hồ sơ này.
Phản ứng với những cáo buộc vô lý của Bắc Kinh, ngày 20/12/2019 Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã thẳng thừng gọi việc Trung Quốc đòi hỏi quyền sở hữu “đường lưỡi bò” ôm trọn gần hết Biển Đông là “nực cười”. Trước đó, tháng 10/2019, Ngoại trưởng Abdullah cũng từng kêu gọi củng cố năng lực hải quân của đất nước để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông; nhấn mạnh Malaysia sẽ ra công hàm phản đối nếu cường quốc nào đó xâm phạm vào lãnh thổ của họ.
Khác với cựu thủ tướng Najib Razak vốn ngập trong khoản vay của Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohammad ít bị Trung Quốc ràng buộc hơn. Ông đã bật đèn xanh cho các hành động pháp lý đối với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và thẳng thừng lên án các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Malaysia.
3. Indonesia, trước đây hầu như không lên tiếng công khai đối với các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông do các hoạt động gây hấn của Trung Quốc với Philippines, Malaysia và Việt Nam còn “nằm ở xa” vùng biển của Indonesia chưa đe dọa trực tiếp lợi ích thiết thân của Indonesia.
Trong những ngày hạ tuần tháng 12/ 2019, tàu tuần duyên Trung Quốc đã liên tiếp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, khu vực xung quanh quần đảo Natuna, lực lượng An ninh Biển của Indonesia đã cho tàu ra chặn đuổi các tàu Trung Quốc trên thực địa. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối và yêu cầu báo cáo về Bắc Kinh.
Ngày 30/12/2019, Indonesia ra tuyên bố về việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông, xảy ra tranh cãi gay gắt giữa Indonesia và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 31/12 ngỗ ngược lặp lại luận điệu lâu nay của Bắc Kinh rằng Trung Quốc có “chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cùng vùng biển lân cận”, ám chỉ bao gồm cả vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna; cho rằng cả Trung Quốc và Indonesia đều có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” ở đây.
Ngay trong ngày đầu năm mới (01/01/2020), Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố đáp trả mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” về các yêu sách chủ quyền đối với khu vực này, dựa trên UNCLOS1982; nhấn mạnh Indonesia không bao giờ chấp nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Jakarta cũng nhắc lại yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague bác bỏ năm 2016.
4. Với Việt Nam, Trung Quốc tập trung gây sức ép mạnh thông qua việc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển tiến hành các hoạt động xâm lấn sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga trong từ 03/7 đến 24/10/2019.
Mục đích hành động này của Bắc Kinh là không để cho các nước bên ngoài tham gia khai thác năng lượng trên Biển Đông – điều mà họ khăng khăng đòi hỏi trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương 08 đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Vụ việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện liên tục để gây sức ép lên các nước quanh Biển Đông.
Việt Nam đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế cho đến đối đầu trên thực địa. Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay phản đối hành vi bắt nạt, cưỡng ép của Trung Quốc. Nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật đều lên án hành động của Trung Quốc yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Trung Quốc đã bất chấp những giao thiệp ngoại giao của Việt Nam và phản ứng của cộng đồng quốc tế, ngày càng lấn sâu vào vùng biển của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 100 hải lý, làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng nhất trong vòng 5 năm qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam năm 2014.
5. Trên mặt trận truyền thông, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn tuyên truyền cho “đường lưỡi bò” bất chấp việc đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ, từ việc đưa hình bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” vào trong phim ảnh đến việc đưa vào các thiết bị định vị của xe ô tô và thiết bị năng lượng mặt trời.
Những hành vi ngày càng leo thang của Trung Quốc không chỉ xâm phạm lợi ích chính đáng của các nước ven Biển Đông mà còn đe dọa lợi ích của các nước ngoài khu vực, gây phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ.
Sự hung hăng của Trung Quốc đã buộc Mỹ phải tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông thông qua các chiến dịch tự do hàng hải và điều các tàu chiến đấu ven bờ của lực lượng tuần duyên ven biển đến hoạt động ở Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Năm 2019 đã khép lại, song những dư âm của sự căng thẳng trên Biển Đông năm qua đang trở thành nỗi ám ảnh trong năm mới 2020 mà tác nhân của nỗi lo sợ đó chính là những hành động của Trung Quốc.