Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTình hình Biển Đông năm 2020 sẽ ra sao?

Tình hình Biển Đông năm 2020 sẽ ra sao?

Năm 2019 khép lại với những đợt “sóng cuồn cuộn” ở Biển Đông do Trung Quốc gia tăng những hoạt động bắt nạt, hăm dọa và gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Cả 3 nước liên quan trực tiếp tranh chấp Biển Đông là Malaysia, Philippines và Việt Nam đều phải đương đầu với những hành vi gây hấn, xâm lấn của lực lượng hải cảnh, lực lượng dân quân biển và tàu khảo sát của Trung Quốc.

Đỉnh điểm của các “đợt sóng” trên Biển Đông phải kể đến việc Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển xâm lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (có lúc cách bờ biển Việt Nam chỉ gần 100 hải lý) và đe dọa, quấy phá hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam.

Năm 2019 cũng là năm mà Mỹ tăng cường sự can dự mạnh mẽ vào Biển Đông thể hiện qua việc đẩy mạnh chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông cả về tần suất lẫn phạm vi, quy mô; tăng cường tuần tra của máy bay chiến đấu Mỹ trên bầu trời Biển Đông; triển khai tàu chiến đấu ven bờ của lực lượng tuần duyên Mỹ hoạt động ở Biển Đông; lần đầu tiên tiến hành diễn tập chung với các nước ASEAN; phối hợp cùng các đồng minh, đối tác diễn tập chung ở Biển Đông, đồng thời khuyến khích các đồng minh tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng với những phát biểu mạnh mẽ của các Nghị sĩ, quan chức cấp cao chính quyền Mỹ lên án đích danh Trung Quốc bắt nạt, đe dọa các nước ven Biển Đông và những hành động cụ thể của hải quân cũng như lực lượng tuần duyên Mỹ trên Biển Đông, năm 2019 đánh dấu sự chuyển chính sách của Mỹ trên vấn đề Biển Đông theo hướng ủng hộ các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Nguyên nhân Mỹ điều chỉnh cách tiếp cận trên vấn đề Biển Đông là do những hành động hung hăng, lấn lướt, mở rộng xâm lấn vùng biển các nước ven Biển Đông của Trung Quốc. Các hành động hiếu chiến của Trung Quốc không chỉ xâm phạm lợi ích của các nước ven Biển Đông mà đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung, thách thức lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Đặc biệt, việc từ cuối năm 2018, Trung Quốc yêu cầu đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nội dung các nước ASEAN không hợp tác với các đối tác của các nước ngoài khu vực trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông và không tiến hành diễn tập chung với các nước ngoài khu vực đã thôi thúc Mỹ phải hành động mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông. Điều này khiến các nước đồng minh và các đối tác của Mỹ hưởng ứng sự khuyến khích của Mỹ trong việc cùng phối hợp ngăn chặn sự bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng năm 2019 chứng kiến sự gia tăng cọ sát và cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở Biển Đông. Nghiên cứu những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông năm 2019, nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra những dự báo cho tình hình Biển Đông trong năm 2020.

Căng thẳng ở Biển Đông tạm thời lắng xuống trong những tháng cuối năm 2019, song “sóng ngầm” vẫn âm ỉ có thể bùng phát bất cứ lúc nào do mưu đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Trung Quốc chiếm Biển Đông để lấy đây làm bàn đạp vươn ra biển xa, thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường cạnh tranh vị trí độc tôn của Mỹ.

Tuy nhiên, những diễn biến trong năm 2019 cho thấy Mỹ không chấp nhận Trung Quốc tự đặt ra luật lệ “cá lớn nuốt cá bé” ở Biển Đông, không chấp nhận Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Do vậy, cọ sát về lợi ích chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2020.

Một mặt, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành vi hăm dọa, gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông để triển khai trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò”, tạo sự đã rồi trên Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trên vấn đề Biển Đông, gây sức ép với các nước liên quan để thúc đẩy cái gọi là “cùng khai thác” theo ý đồ của Trung Quốc; tăng cường phân hóa, chia rẽ, lôi kéo các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông; thúc ép các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Từ góc độ đó, có thể thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc sử dụng sức mạnh để ép buộc các nước trong khu vực trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trong năm 2020, Trung Quốc phải bận tâm giải quyết các vấn đề trong nước, từ suy thoái kinh tế do cuộc thương chiến với Mỹ, đến tình hình ở Hong Kong nên có khả năng Trung Quốc sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn trong các hành động ở Biển Đông.

Không chấp nhận việc Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ sẽ tiếp tục can dự sâu thêm vào Biển Đông; tăng cường phối hợp với các đồng minh và đối tác ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông; thúc đẩy trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông; hỗ trợ các nước ven Biển Đông nâng cao năng lực quản lý biển cũng như cả khối ASEAN trong việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông….

Nhiều chuyên gia cho rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ắt hẳn sẽ có những tác động đến giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và sự ổn định trong khu vực. Cạnh tranh Trung-Mỹ mang theo những rủi ro liên quan đến cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc và điều đó có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn leo thang căng thẳng nên hai bên sẽ cố gắng để quản lý sự cạnh tranh của họ trong một ngưỡng chấp nhận được, và hai bên có khả năng duy trì thế ổn định này trong năm 2020. Ở một khía cạnh khác, sự cạnh tranh Trung – Mỹ có thể có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á, những nước đang cố gắng tìm thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, đứng ngoài tầm ngắm của cuộc đối đấu một cách tốt nhất có thể, trong khi vẫn giành được nhiều lợi lộc từ cả hai bên.

Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam, nước tỏ ra kiên quyết và mạnh mẽ nhất trong đấu tranh với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông sẽ là Chủ tịch ASEAN, đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy thảo luận vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn này. Để làm tốt vai trò của mình, Việt Nam không nên né tránh những vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc, thâm chí cần đi đầu bởi lẽ vấn đề Biển Đông là lợi ích thiết thân của Việt Nam.

Cụ thể là Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN của mình để thúc đẩy việc thông qua các điều khoản mà nước này đề xuất trong văn bản đàm phán dự thảo COC duy nhất. Trong văn bản này, Việt Nam đã đưa ra các đề xuất toàn diện và chi tiết nhất, nhất là trong việc đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh tại Biển Đông.

Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với Philippines vì đây là nước điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc cho đến năm 2021. Trong thời gian Philippines tiến hành vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã có sự phối hợp tốt với Philippines trên các vấn đề liên quan. Với kinh nghiệm đó, Việt Nam có thể hợp tác tốt với Philippines để thúc đẩy những vấn đề mà cả Việt Nam và Philippines cùng có lợi ích.

Việt Nam cũng cần tận dụng vai trò nước chủ nhà của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN tranh thủ các nước đối tác của ASEAN như Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Úc, EU…. ủng hộ lập trường quan điểm của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Một nội dung mà Việt Nam có thể tập hợp được rộng rãi các nước bao gồm các nước trong và ngoài khu vực là sự thượng tôn pháp luật và xây dựng trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và tiến trình giải quyết tranh chấp bằng pháp lý, trong đó khéo léo lồng ghép cả phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.

Thậm chí Việt Nam có thể đề xuất chủ đề về thượng tôn pháp luật và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, xây dựng trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông thành một nội dung bàn thảo tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Với cách tiếp cận này, kể cả Campuchia mặc dù đã bị Trung Quốc lôi kéo ngả về Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông cũng không thể đứng ngoài cuộc vì Campuchia vừa tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển trong tháng 12/2019.

RELATED ARTICLES

Tin mới