Nhằm đối phó với thách thức an ninh, chủ quyền và lợi ích trên biển, Philippines đang tích cực đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại cho lực lượng bảo vệ bờ biển để giữ thế cân bằng và đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khẳng định của cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển, Philippines đã tăng số nhân viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thêm 4.000 người trong năm 2019 và dự kiến tăng thêm 6.000 người vào năm 2020. Với việc tăng đáng kể nhân sự cho PCG, nguồn nhân lực của PCG hiện lên tới gần 23.000 người, vượt số lượng của Hải quân Philippines với 14.000 người.
Không chỉ tăng cường về nhân sự, ngay từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Philippines Duterte đã tích cực đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí nhằm hiện đại hóa PCG, để đảm bảo an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và chống ma túy. Trong số những tàu PCG sở hữu, có những tàu được xếp vào loại hiện đại trên thế giới, cụ thể: (i) PCG (20/8/2018) đã tiếp nhận chiếc tàu tuần tra lớp Parola dài 44 m do Nhật Bản đóng, đây là chiếc tàu cuối cùng trong lô 10 chiếc Nhật Bản đóng cho nước này. Đây là loại tàu tuần tra đa năng phản ứng nhanh (MRRV) lớp Parola (phát triển từ tàu lớp Raizan của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản), dài 44 m, ngang 7,5 m, lượng choán nước 280 tấn. Tàu trang bị 2 động cơ diesel MTU 12V 4000 M93L công suất 2.580 kw, tốc độ tối đa 25 knot (46 km/giờ), tầm hoạt động tối đa 1.500 hải lý (2.778 km) với tốc độ hành trình 16 knot (30 km/giờ). Tàu biên chế 25 thuỷ thủ (5 sĩ quan), cùng các thiết bị hàng hải và liên lạc hiện đại, camera quan sát đêm, thiết bị phát hiện lửa, buồng lái gắn kính chống đạn. Mỗi tàu có 3 súng phun nước, vũ khí gắn thêm có thể có pháo 20 mm. Tàu do công ty Japan Marine United (JMU) tại Yokohama (Nhật) đóng, trong khuôn khổ chương trình cho vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Philippines ký kết năm 2013 nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn hàng hải của Philippines. Riêng số tiền cho vay để đóng mới 10 tàu tuần tra là 8,8 tỉ peso (khoảng 189 triệu USD). Chiếc đầu tiên về Philippines vào tháng 8.2016. Tàu tuần tra loại MRRV chủ yếu dùng thực hiện các nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, cứu hộ cứu nạn, chống hải tặc… (ii) PCG (1/2019) cũng mới nhận 01 tàu tuần tra xa bờ (OPV) do nhà máy đóng tàu Pháp OCEA đóng. Tàu trên được biết đến với tên gọi BRPGabriela Silang (số hiệu 8301), có chiều dài 84m. Tàu tuần tra Gabriela Silangđược trang bị hệ thống động lực CODAD (kết hợp diesel – diesel) với 2 động cơ diesel MTU 16V 4000 M73 của Đức, cho tốc độ tối đa theo thiết kế lên tới 22 hải lý/h, với tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở vận tốc kinh tế 12 hải lý/h. Thủy thủ đoàn của tàu tuần tra Gabriela Silang bao gồm 40 người, nó có khoảng không gian bổ sung cho phép tiếp nhận thêm 26 nhân sự nữa trong các nhiệm vụ đặc thù. Con tàu được chế tạo theo thiết kế OPV 270 độc quyền của OCEA, với sàn đáp có thể tiếp nhận một máy bay trực thăng hạng nhẹ có trọng lượng 5 tấn và hai cần cẩu để thu hồi và triển khai xuồng tuần tra cao su có chiều dài 9,2 m. (iii) Ngoài ra, PCG đã bổ sung hơn 50 tàu, thuyền và máy bay vận tải vào lực lượng bảo vệ bờ biển trong những năm gần đây, trong đó có 2 tàu tuần duyên loại lớn của Nhật Bản (dài 92 m), 5 tàu tuần tra của Pháp gồm 1 chiếc loại lớn (dài 82 m) và 4 tàu tuần tra dài 25 m.
Trong khi đó, Trung Quốc – đối thủ chính của Philippines được cho là một trong những nước có lực lượng bảo vệ bờ biển hùng hậu nhất trên thế giới. Trung Quốc vẫn vận hành 5 lực lượng hàng hải dân sự chính là Hải giám (CMS), Tuần tra Biên giới, Tư lệnh Chấp pháp Ngư nghiệp, Hải quan và Cục An toàn Hàng hải (MSA). Nhiều lực lượng hoạt động chồng chéo nhau và cạnh tranh nhau cả về sứ mệnh triển khai cũng như nguồn kinh phí. Tới năm 2013, 4 trong số 5 lực lượng trên được hợp nhất thành Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG). CCG hiện vận hành hơn 100 tàu tuần tra, trong đó có các tàu tuần tra Type-218 dài 41m, mỗi tàu được trang bị hai súng máy 14,5mm. Năm 2007, hải quân Trung Quốc đã chuyển 2 tàu hộ vệ Type 053H 1.700 tấn cho CCG và đây cũng là những tàu lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào thời điểm đó. Năm 2016, Trung Quốc đóng tiếp hai tàu “quái thú” 12.000 tấn cho CCG, sau đó triển khai một tàu tại biển Hoa Đông và một tàu ở Biển Đông. Đây cũng là những tàu cảnh sát biển lớn nhất của Trung Quốc hiện nay. Sau khi thành lập lực lượng cảnh sát biển thống nhất, Trung Quốc đã sử dụng các tàu thuộc lực lượng này để đẩy mạnh yêu sách “chủ quyền” phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các chương trình xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh triển khai thêm các tàu của lực lượng cảnh sát biển tới vùng biển này.Trong khi đó, Philippines bắt đầu đẩy mạnh việc trang bị thêm tàu cho lực lượng hải quân cũng như lực lượng cảnh sát biển của nước này sau vụ đối đầu đầy căng thẳng với Trung Quốc hồi năm 2012 tại bãi cạn Scarborough, khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền trước đó. Tàu hải quân Philippines sau khi đối đầu với các lực lượng tàu hải giám, hải cảnh (cảnh sát biển)… của Trung Quốc đã buộc phải rút đi để giảm căng thẳng, khiến Trung Quốc giành được quyền kiểm soát bãi cạn này từ đó tới nay.