Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự can dự và xu hướng chính sách của Australia trong vấn...

Sự can dự và xu hướng chính sách của Australia trong vấn đề Biển Đông

Australia không có nhiều quan hệ tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, lợi ích chủ yếu của Australia tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên quan trực tiếp tới giao thương của quốc gia này. Thực tế là, lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông.

Sự can dự của Australia

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), châu Á được xem là mục tiêu hướng đến của Australia và đến thập niên 90 có thể coi như giai đoạn hoàn thiện “Chính sách hướng Á” của quốc gia này. Đặc biệt, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1991), Australia đã có những nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa tư duy hướng Á, được đề xuất trong thập niên 70 của thế kỷ XX.

Đứng trước bối cảnh mới gắn liền với thời cơ và thách thức mới, Australia xem khu vực Đông Nam Á gắn liền với những lợi ích chiến lược của mình. Trên cơ sở nhận thức đó, từ đầu thế kỷ XXI, Australia đã có những điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á – nơi mà Australia đã có những mối liên hệ gián đoạn trong lịch sử. Trong bối cảnh mới, đối với Australia, Đông Nam Á mang đến cơ hội lẫn thách thức; khu vực này vừa là “cửa ngõ” để hội nhập với châu Á, vừa gắn liền với những thách thức về an ninh và phát triển. Sự thịnh vượng (về kinh tế) và vững mạnh (về an ninh) của Australia phụ thuộc vào khả năng hội nhập của quốc gia này với một khu vực có sức phát triển năng động về kinh tế và đang thu hút nhiều luồng đầu tư. Là một điểm nóng chiến lược của Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Biển Đông đã và đang trở thành vùng biển của những ưu tiên chiến lược, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, mà Australia phải tính toán trong quan hệ quốc tế với các quốc gia tại khu vực.

Về phương diện địa lý, Australia không là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Về lý thuyết, Australia không có nhiều quan hệ tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, lợi ích chủ yếu của Australia tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên quan trực tiếp tới giao thương của quốc gia này. Thực tế là, lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông. Hiện nay, việc nhiều người bày tỏ quan ngại rằng tự do hàng hải bị đe dọa có tác động mạnh mẽ đến giao thương của Australia trên Biển Đông vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của quốc gia này. Do đó, vấn đề Biển Đông với Australia dường như mang ý nghĩa chiến lược hơn là lợi ích trước mắt. Sự “trỗi dậy” (rise) ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, chiến lược “tái cân bằng” (rebalancing) của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (2009-2017), những chuyển động chính sách khó dự đoán của chính quyền Donald Trump đối với Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng, và sự trỗi dậy của các cường quốc tiềm năng trong khu vực cũng góp phần định hình những cơ sở về mặt nhận thức để Australia chủ động thúc đẩy những nỗ lực cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.

Với vai trò ngày càng gia tăng, Australia đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng có tác động đến cấu trúc an ninh tại Biển Đông. Thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Mặc dù những tác động này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng quá trình định hình và tiến đến hình thành trật tự khu vực luôn có những đóng góp rất quan trọng của các cường quốc tầm trung. Sự tham gia tích cực, thái độ “thờ ơ” hay chối bỏ vai trò của các cường quốc tầm trung trong các vấn đề an ninh khu vực… là cơ sở góp vào mảng màu quan hệ quốc tế tại khu vực. Với vai trò là một cường quốc tầm trung được cộng đồng quốc tế thừa nhận (traditional middle-power) và giữ vai trò “cân bằng mềm” trong quan hệ giữa các chủ thể chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Australia được nhìn nhận và đánh giá với vai trò ngày càng cụ thể và tích cực.

Trên cơ sở xác định và làm rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với Australia dựa trên cách tiếp cận đa diện từ an ninh hàng hải, thương mại trên biển, vị thế quốc gia… cho đến sự tương tác của các chủ thể quyền lực tại khu vực, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông của Australia hiện nay sẽ được làm rõ. Có hai nguyên nhân mang tính nền tảng và tiêu biểu cho sự tham dự (involve) với tính chất tích cực và tiệm tiến của Australia vào vấn đề Biển Đông, đó là lợi ích về an ninh và kinh tế. Tiếp cận trên cơ sở thực tiễn triển khai các chính sách, có thể nhận xét một cách khách quan và thực tế rằng Australia đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy một Biển Đông an ninh và thịnh vượng.

Trong quá trình thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và tìm kiếm những giải pháp khả dĩ có thể thúc đẩy Biển Đông trở thành vùng biển của những hoạt động hợp tác thay cho các hoạt động có thể gia tăng sự thiếu vắng lòng tin và các tranh cãi (thậm chí tranh chấp), Australia có cách tiếp cận ngày càng gần gũi trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và ủng hộ tầm nhìn về một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam. Sự tương đồng về nhận thức và những lợi ích chiến lược đã giúp Australia và Việt Nam xích lại gần nhau, từ các tuyên bố của các nhà lãnh đạo đến các chương trình phối hợp làm việc chung trong các nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an ninh tại vùng biển này. Từ năm 2009, quá trình này càng được thể hiện rõ rệt và được phát triển trên tinh thần nhìn nhận Biển Đông gắn với tham vọng và sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Vì lẽ đó mà những đóng góp của Australia, từ năm 2009 trở về sau, được phản ánh rõ nét và phong phú hơn.

Hoạt động thực tiễn trong năm 2019

Trong năm 2019, Chính quyền Australia liên tục bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia (16/5) lần đầu tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (12/6) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Ngoài ra, Australia được cho là đang thực hiện kế hoạch bí mật xây dựng một cảng nước sâu mới để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ trên bờ biển phía Bắc, nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin trên, cảng nước sâu trên nằm ở khu vực Glyde Point, cách cảng hiện tại của thành phố Darwin – thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Bắc – khoảng 40km về phía Đông Bắc. Địa điểm này trước đây đã được chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia quy hoạch để phát triển cảng công nghiệp do biển ở đây tương đối sâu, song dự án này chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Giới chuyên gia cho biết cảng mới sẽ là địa điểm lý tưởng để phục vụ hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên qua khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam (22-24/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương trên 3 trụ cột: Kinh tế, an ninh quốc phòng, trí thức và đổi mới; đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay. 

Nhìn chung, trong năm 2019, Australia đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông.

Thời gian tới, Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Xu thế này sẽ được Australia duy trì và đẩy mạnh trong năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới