Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đã sai khi căng thẳng đảo Natuna với Indonesia

TQ đã sai khi căng thẳng đảo Natuna với Indonesia

Đầu năm 2020, Indonesia triển khai tàu chiến và chiến đấu cơ F-16 tuần tra vùng biển phía bắc quần đảo Natuna gần Biển Đông, trong bối cảnh Jakarta phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa tàu hải cảnh cùng tàu cá đi vào khu vực này.

Chính quyền Indonesia khẳng định Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở khu vực đảo Natuna và triệu tập đại sứ Trung Quốc.

“Tôi sẽ không bán chủ quyền đổi lấy đầu tư, không bao giờ. Tôi không ngu ngốc đâu.

Bộ trưởng điều phối biển Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan

Indonesia đổi chính sách

Jakarta luôn giữ quan điểm rằng mình không phải một bên tranh chấp hay ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hành động rất cứng rắn trong khu vực tuyên bố EEZ. Việc Trung Quốc ra yêu sách “đường chín đoạn” cũng “đụng chạm” vào Indonesia.

Năm 2017, Indonesia có động thái đáng chú ý khi đổi tên một vùng biển ngoài khơi Natuna thành “biển Bắc Natuna”, và đây được cho là hành động chọc giận Trung Quốc. Chuyên gia Richard Heydarian cho rằng đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách của Indonesia khi công khai bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong các vùng tuyên bố chồng lấn vừa qua.

Trước khi diễn ra vụ tàu Trung Quốc bị tố vi phạm EEZ của Indonesia hồi tháng 12-2019, hải quân Indonesia trong tháng 6 đã nổ súng vào một nhóm tàu cá Trung Quốc và làm bị thương một ngư dân. Bắc Kinh khi đó nói hành vi nổ súng của Indonesia là “lạm dụng vũ lực”.

Sau khi Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng chủ trì một cuộc họp nội các trên tàu chiến ở Natuna. Theo TS Koh Swee Lean Collin, việc Indonesia có cuộc tập trận hàng hải lớn nhất từ trước tới nay ở Biển Đông tháng 10 năm ngoái phản ánh nỗ lực của Jakarta nhằm nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền trong vùng biển quanh Natuna.

Mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển được xác lập bởi UNCLOS 1982, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, thúc đẩy việc duy trì hòa bình ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu hôm 9-1-2020 khi được hỏi về căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở khu vực đảo Natuna.

Thời cơ cho ASEAN

Trong khi Indonesia quyết đoán hơn, Malaysia cũng không ngồi yên. Malaysia vừa qua nộp lên Liên Hiệp Quốc một báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài vùng 200 hải lý ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. 

Nhưng trong mắt giới quan sát quốc tế, hành động của Malaysia và Indonesia lại diễn tả một kịch bản ASEAN có thể tận dụng từ nước cờ sai của Trung Quốc. Viết trên Forbes ngày 10-1, tác giả Panos Mourdoukoutas khẳng định: “Malaysia, Indonesia và Việt Nam đánh bại Trung Quốc ngay chính sân chơi của Bắc Kinh”.

Ông Mourdoukoutas dẫn lời TS Namrata Goswami – nhà phân tích chính sách về khu vực, nhận định rằng khi Trung Quốc dùng “quyền lịch sử” và gửi Liên Hiệp Quốc tuyên bố “đường chín đoạn”, hiện nay các nước ASEAN cũng sử dụng pháp lý để giải quyết tranh chấp, và đây là một bước leo thang chiến lược quan trọng. 

 Theo bà Goswami, Malaysia có vẻ đã thay đổi bàn cờ Biển Đông, vì việc kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc như vừa qua sẽ gây khó cho Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp song phương như đã từng làm với Philippines.

TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia an ninh hàng hải, trong bài viết cho Channel News Asia ngày 9-1 khẳng định Trung Quốc đã “chọc vào tổ ong” khi đụng tới Indonesia thời điểm này, và có khả năng nước tính sai này sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

ASEAN cần thúc đẩy tin tưởng lẫn nhau

Để đảm bảo phản bác hiệu quả yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN cần phải dung hòa lợi ích giữa các thành viên. Lấy ví dụ, bản thân Việt Nam và Indonesia cũng phải xử lý câu chuyện song phương về chồng lấn trên biển mà hai bên đã nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp đối với khu vực chồng lấn giữa Indonesia – Việt Nam, GS Anak Agung Banyu Perwita (khoa quan hệ quốc tế, Đại học President, Indonesia) cho biết ASEAN cần tìm ra cơ chế giao tiếp tốt hơn, đồng thời phải tận dụng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

“Tôi ủng hộ ý tưởng hợp tác về vấn đề này (tàu cá) để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột giữa các bên. Vấn đề quan trọng là tất cả các bên nên tham gia hợp tác, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau dựa trên trật tự khu vực. 

Không ai bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta thực sự muốn tìm kiếm một nền hòa bình trong khu vực. Nếu có ý kiến đóng góp nào đó, tôi sẽ đề nghị sự hợp tác bền vững giữa tất cả các bên, trong đó có Việt Nam. Chỉ thông qua sự hợp tác, chúng ta mới có thể đạt được sự thịnh vượng chung và ổn định hơn cho khu vực” – bà Perwita nói.

GS Perwita nhận định ở mức độ rộng, quan hệ song phương Indonesia – Việt Nam đang đi đúng hướng. Hợp tác giữa hai chính phủ cũng như giao lưu nhân dân đều chặt chẽ, sâu sắc và mạnh mẽ hơn. “Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào trong mối quan hệ hai nước cả” – chuyên gia Indonesia nhận định.

Về sự tham gia của các cường quốc ngoài ASEAN trong vấn đề Biển Đông và đàm phán COC, học giả người Indonesia cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là ASEAN có thể quản lý được điều này hay không, có duy trì tính trung tâm, có thiết lập một trật tự dựa trên quy tắc của ASEAN hay không.

Indonesia bác bỏ “đường chín đoạn”

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực phía bắc đảo Natuna được UNCLOS 1982 công nhận. Là thành viên của UNCLOS, Indonesia yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy định này. Indonesia không công nhận tuyên bố “đơn phương” của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và nhấn mạnh sẽ phối hợp với các bên liên quan để tăng cường bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Natuna.

RELATED ARTICLES

Tin mới