Thế là đã trải qua 46 năm kể từ khi Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ra cuộc chiến đẫm máu đối với Hải quân của Việt Nam Công hòa đang quản lý và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa vào lúc đó. Tuy nhiên, hành vi đó của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền của họ đối với quần đảo này.
Để xác định một vùng lãnh thổ (bao gồm các đảo hay quần đảo) thuộc về một quốc gia cần sử dụng nguyên tắc về quyền thụ đắc lãnh thổ. Theo đó, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác định quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia phải hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế và được luật pháp quốc tế thừa nhận. Trong đó, quyền này thường được vận dụng theo các nguyên tắc: “quyền phát hiện”, “kế cận địa lý”, “chiếm hữu thật sự”.
1. Phương thức thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “quyền phát hiện” hay còn gọi là “quyền ưu tiên chiếm hữu” một vùng lãnh thổ cho quốc gia đầu tiên phát hiện ra nó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không giúp xác định chủ quyền cho một quốc gia đã tuyên bố phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Bởi vì, trên thực tế, người ta không thể xác định được một cách cụ thể thế nào là phát hiện đầu tiên, ai là người đã phát hiện trước và lấy gì để ghi nhận hành vi phát hiện đó, v.v. Vì vậy, việc phát hiện này về sau được bổ sung thêm nội dung là phải để lại dấu tích cụ thể trên vùng lãnh thổ mới được phát hiện. Với sự bổ sung này, “quyền ưu tiên chiếm hữu” được đổi thành nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa”.Tuy nhiên, người ta cũng không thể lý giải được “danh nghĩa” hay “danh nghĩa lịch sử” cụ thể là gì, được hình thành từ bao giờ và đã tồn tại như thế nào? Vì thế, trong thực tế, nguyên tắc này đã không còn được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cho dù hiện tại vẫn còn một số quốc gia cố tình bám lấy nó để bảo vệ cho những yêu sách lãnh thổ vô lý của mình.
2. Đối với quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “kế cận địa lý”, được một số quốc gia có vị trí địa lý cận kề dựa vào để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về biển, đảo thì lập luận này không được thừa nhận như là một nguyên tắc pháp lý. Bởi vì, có rất nhiều vùng lãnh thổ nằm sát ngay bờ biển của nước này nhưng vẫn thuộc chủ quyền của nước khác và không hề có sự tranh chấp nào xảy ra.
3. Về quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”, đã được quốc tế thống nhất sử dụng rộng rãi để xem xét, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, với các nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do thực thể nhà nước tiến hành. Thứ hai, việc chiếm hữu phải được thực hiện trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res-Nullius) hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto). Thứ ba, quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó. Thứ tư, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục, rõ ràng; dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận1.
Như vậy, nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã thể hiện tính khách quan, khoa học, bình đẳng và toàn diện trong thực hiện quyền thụ đắc lãnh thổ đối với mọi quốc gia trên thế giới, mà không phân biệt đó là quốc gia lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, v.v. Theo nguyên tắc này, một quốc gia dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm hữu chủ quyền biển, đảo, dù kéo dài trong bao nhiêu năm cũng vẫn là phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Đây là một trong những căn cứ quan trọng, làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho từng khu vực và toàn thế giới.
Dựa trên nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ “chiếm hữu thật sự” đối với quần đảo Hoàng Sa thì các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này ít nhất là từ thế kỷ XVII. Các tài liệu lịch sử đều chứng tỏ ngay từ đầu thế kỷ XVII, khi quần đảo Hoàng Sa còn vô chủ, nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn đã tổ chức các đội “Hoàng Sa”, “Bắc Hải”, thực hiện việc tuần phòng, đánh bắt hải sản quý hiếm; đo vẽ sơ đồ, hải trình và tiến hành trồng cây, dựng mốc trên hai quần đảo này.
Đến thời Tây Sơn, mặc dù luôn có chiến tranh nhưng chính quyền nhà nước vẫn tổ chức các đội: “Hoàng Sa”, “Quế Hương”, “Đại Mạo” và “Hải Ba”, hoạt động theo thông lệ cũ mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nối dòng lịch sử, nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn tiếp tục phái các đội ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng cây và vẽ bản đồ khu vực.
Điều đáng nói là, tất cả các hoạt động đó đều do triều đình phong kiến tổ chức dưới danh nghĩa nhà nước, được các văn bản nhà nước ghi nhận, hiện còn lưu giữ khá đầy đủ cả ở trong nước và quốc tế.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các hoạt động: điều tra khí hậu, thổ nhưỡng, nghiên cứu mỏ (1925 – 1927); đưa quân ra đồn trú ở Hoàng Sa (1930 – 1933) và xây dựng các ngọn hải đăng, trạm khí tượng (1938), cấp phát giấy chứng sinh cho trẻ em sinh ra tại Hoàng Sa v.v.
Phát biểu tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951với tư cách Trưởng phái đoàn Việt Nam – thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu khẳng định: “ cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.Lời xác nhận chủ quyền đó của Trưởng phái đoàn Việt Nam không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị. Điều này đồng nghĩa với việc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được thừa nhận tại một hội nghị quốc tế.
Sau năm 1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, lợi dụng lúc Việt Nam có chiến tranh và gặp khó khăn, ngày 17/01/1974 Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến đánh chiếm Hoàng Sa và chiếm đóng trái phép từ đó đến nay. Đây là hành động trái với nguyên tắc pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hành động của Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Thời gian qua, những người cầm quyền ở Bắc Kinh nhiều lần đưa ra lập luận “Trung Quốc phát hiện ra quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) từ 2.000 năm trước” để biện minh cho việc chiếm đóng bất hợp pháp của họ. Trung Quốc dùng nguyên tắc “quyền phát hiện” lỗi thời để bảo vệ cho những quan điểm và việc làm sai trái của họ. Những người cầm quyền Bắc Kinh cần thấy rõ các thương thuyền và thủy quân của Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… đã phát hiện ra hàng nghìn hòn đảo khi đi qua ở khắp mọi nơi trên thế giới cách đây vài ngàn năm. Nếu cứ dùng nguyên tắc “quyền phát hiện” để đòi hỏi chủ quyền thì thế giới đại loạn.
Một số ý kiến tỏ băn khoăn lo ngại việc Trung Quốc chiếm đóng trên thực tế tại quần đảo Hoàng Sa trong một thời gian dài (sau 50 năm) và tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp, xây dựng ở đây có thể tạo ra “danh nghĩa chủ quyền” cho Trung Quốc. Nhưng sự thật không phải vậy, trong suốt 46 năm qua, các chính quyền của nhà nước Việt Nam liên tục lên tiếng khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, đồng thời phản đối bất cứ hành động nào của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhân sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, cần khẳng định một cách rõ ràng rằng các tư liệu cũng như văn bản pháp lý đều chứng tỏ Việt Nam là quốc gia đầu tiên, duy nhất xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi nó còn vô chủ. Các hoạt động xác lập chủ quyền đó đều do chính quyền nhà nước tiến hành và được thực thi một cách tự nhiên, hòa bình, liên tục và rõ ràng. Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế.
Ngược lại, Trung Quốc chỉ là kẻ đi xâm chiếm lãnh thổ bất hợp pháp và điều này không những không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo này mà còn bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Chính vì không có cơ sở pháp lý mà Trung Quốc không dám đưa vấn đề này ra giải quyết ở một cơ quan tài phán quốc tế.