Trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan ngày 11/01/2020, bà Thái Anh Văn đã tái đắc cử Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ thứ 2 với tỷ lệ phiếu cao chưa từng có trong 20 năm qua 57,1%(8,1 triệu phiếu). Bà Thái Anh Văn trúng cử với số phiếu cao vượt xa ông Hàn Quốc Du của Quốc dân đảng (chỉ được 38,6%), người được Trung Quốc công khai ủng hộ. Đồng thời Đảng dân tiến của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội.
Từ sau khi nhận chức Tổng thống Đài Loan tháng 6/2016, nữ Tổng thống Thái Anh Văn liên tục ghi những bàn thắng quan trọng, từ việc điện đàm với tổng thống Mỹ tân cử, Donald Trump và thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ cho đến việc bà ủng hộ phe dân chủ Hồng Kông trong những tháng gần đây. Nhờ vậy, bà Thái Anh Văn thuyết phục được giới trẻ Đài Loan, vốn rất tự hào về bản sắc và đặc thù chính trị của hòn đảo này.
Nếu như trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương ở Đài Loan cách đây 1 năm, Dân tiến đảng đã thất thủ trước Quốc dân đảng ở nhiều địa phương, kể cả ở thành phố Cao Hùng – nơi được coi là “sào huyệt” của Dân tiến đảng thì tình hình đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau 1 năm thể hiện qua chiến thắng áp đảo của bà Thái Anh Văn.
Một số nhà phân tích cho rằng khủng hoảng tại Hồng Kông gần đây lót đường cho thắng lợi vừa qua của Dân tiến đảng Đài Loan. Các thế hệ ở Đài Loan có quan điểm rất khác nhau về Trung Quốc. Các đợt đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương khiến giới trẻ Đài Loan lo sợ cũng sẽ chịu chung số phận, bị cướp đoạt tự do.
Trong suốt thời gian bà Thái Anh Văn cầm quyền ở Đài Loan, Bắc Kinh thi hành chính sách gây áp lực cao nhất lên chính quyền Đài Bắc. Bắc Kinh cho máy bay, tàu chiến tiến hành tuần tra sát gần Đài Loan, tiến hành diễn tập quân sự. Mới đây nhất, ngay trước cuộc bầu cử Bắc Kinh cho tàu sân bay Sơn Đông diễu võ dương oai trên eo biển Đài Loan. Trung Quốc tìm mọi cách, kể cả tài chính mua chuộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhằm thu hẹp không gian sinh tồn của Đài Loan. Lãnh đạo Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Giọng điệu hung hăng đó đã làm cho người dân Đài Loan phẫn nộ quay sang ủng hộ mạnh mẽ cho bà Thái Anh Văn.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 11/01/2020 tại Đài Loan là một thất bại kép đối với quyền lực mềm của Bắc Kinh, cũng như đối với các chiến dịch nhằm thao túng công luận mà chính quyền Bắc Kinh đã đặc biệt nhắm vào Đài Loan. Các đòn mà Bắc Kinh đánh vào Đài Bắc đều phản tác dụng. Chủ trương hù dọa, cô lập Đài Bắc và cắt đứt quan hệ với đảng Dân Tiến Đài Loan đã thất bại.
Mỹ, Anh quốc, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên lên tiếng chúc mừng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn, chúng tôi hy vọng Đài Loan sẽ tiếp tục là tấm gương của những nước đang đấu tranh cho nền dân chủ”.
Đài Loan luôn có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược khu vực của Mỹ, nhất là chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở. Mặc dù, không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, song Mỹ luôn coi Đài Loan là “đồng minh”. Căn cứ vào “Luật quan hệ với Đài Loan”, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của hòn đảo này trước sự đe dọa của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường diễn tập quân sự và cho tàu chiến, máy bay chiến đấu hù dọa Đài Loan, Mỹ đã cử các tàu chiến, tàu sân bay thực hiện tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ cho Đài Bắc trước sức ép của Bắc Kinh. Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập nhưng cũng phản đối việc Trung Quốc sử dụng vũ lực thôn tính Đài Loan. Mục tiêu của Mỹ là duy trì tình trạng hiện nay giữa 2 bờ eo biển Đài Loan bởi lẽ Mỹ ý thức rõ nếu Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc thì cánh cửa ra Thái Bình Dương sẽ mở toang cho Bắc Kinh đe dọa các lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Ngày 12/01/2020, Bắc Kinh đã chính thức phản đối Mỹ và các nước khác vì đã chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối việc này. Chúng tôi phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Đài Loan và các quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc”.
Các chuyên gia quốc tế đều rất quan tâm tới việc kết quả bầu cử ở Đài Loan sẽ gây hệ lụy gì đối với khu vực, bao gồm tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Xuất hiện các luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Có ý kiến cho rằng sau khi thất bại trong việc gây sức ép đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn trong nhiệm kỳ trước, có thể Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh theo hướng ôn hòa hơn tránh để Mỹ có cớ can dự sâu thêm vào Đài Loan.
Nhưng đa số các ý kiến cho rằng với bản chất hung hăng, bá quyền nhiều khả năng, Bắc Kinh không nhận thấy những tác dụng ngược chiều của chính sách hù dọa, cưỡng ép nên sẽ quyết định tiếp tục gia tăng áp lực với chính quyền ở Đài Bắc trong nhiệm kỳ mới của bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa thể sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loan do trước mắt Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng tại Hồng Kông, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay chiến tranh thương mại với Mỹ và sự kháng cự của nhiều nước Đông Nam Á ở Biển Đông.
Liên quan tới Biển Đông, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng kết quả bầu cử ở Đài Loan với thắng lợi của bà Thái Anh Văn và Dân tiến đảng sẽ có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông thể hiện trên một số điểm sau:
Thứ nhất, với việc tiếp tục thi hành chính sách gần gũi Mỹ, xa lánh Trung Quốc thì chính quyền của bà Thái Anh Văn được coi là “cái gai” trong mắt giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phải tiếp tục lo đối phó với chính quyền ở Đài Bắc nên không thể rảnh tay, tập trung lực lượng xuống Biển Đông. Cùng lúc phải đối phó trên hai mặt trận Đài Loan và Biển Đông, Bắc Kinh sẽ khó khăn hơn nhiều.
Thứ hai, trước đây nhiều ý kiến tỏ lo ngại về khả năng phối hợp giữa Trung Quốc và Đài Loan trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, với việc bà Thái Anh Văn cầm quyền ở Đài Bắc thì khả năng này rất khó xảy ra, thậm chí có thể khẳng định là không thể xảy ra bởi dường như bà Thái Anh Văn và Dân tiến đảng không thể ngồi để thảo luận chung về bất cứ vấn đề gì với giới cầm quyền ở Bắc Kinh vì bà Thái Anh Văn luôn khẳng định không chấp nhận việc thống nhấn Đài Loan về Đại lục theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Thứ ba, chính quyền Đài Bắc của bà Thái Anh Văn luôn phản đối chính sách hung hăng cường quyền của Bắc Kinh, thậm chí một số quan chức chính quyền Đài Bắc dưới thời bà Thái Anh Văn đã công khai bày tỏ sự bất bình trước hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Có ý kiến còn phê phán những thủ đoạn tuyên truyền về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Ngay trước thềm bầu cử, khi được hỏi về quan điểm trên vấn đề Biển Đông, bà Lien Yi-Ting, Người phát ngôn của Dân tiến đảng đã thẳng thừng chỉ trích lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Lien Yi-Ting nhấn mạnh: “Rất nhiều người biết rằng Trung Quốc đã rất quyết đoán ở Biển Đông vì chủ nghĩa bành trướng trên biển. Sự quyết tâm của Đài Loan không thay đổi, rằng Đài Loan sẽ trở thành một bên có trách nhiệm trong khu vực, Đài Loan sẽ không có những động thái khiêu khích, hay làm mất ổn định khu vực. Đây là lập trường rất rõ ràng của chúng tôi (Dân tiến đảng).
Thứ tư, Đài Loan được coi là một bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và hiện chiếm đóng Ba Bình, cấu trúc lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Quốc dân đảng của ứng cử viên Hàn Quốc Du chính là tác giả của “đường lưỡi bò”. Nếu ông ta thắng cử không loại trừ khả năng có sự bắt tay giữa 2 bờ trên vấn đề Biển Đông. Tháng 11/2015, Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Mã Anh Cửu – người Quốc dân đảng đã tiến hành cuộc gặp lần đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ năm 1949. Được Bắc Kinh công khai ủng hộ, do vậy nếu trúng cử chắc chắn ông Hàn Quốc Du sẽ phải làm theo ý kiến của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.
Thứ năm, Đài Loan và Biển Đông là hai “con bài” hết sức quan trọng để Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đồng thời cũng là hai mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương của Mỹ. Việc bà Thái Anh Văn – người có chính sách thân Mỹ sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ kết hợp “con bài” Đài Loan và Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Điều này mở ra khả năng cho Mỹ sử dụng “con bài” Đài Loan để ngăn chặn hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông khi cần thiết.
Thứ sáu, sau khi chính sách hù dọa, cưỡng ép thất bại sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Đài Loan, hy vọng những người cầm quyền ở Bắc Kinh phải tự nhìn lại các hành vi hiếu chiến của mình để điều chỉnh, bao gồm cả các hoạt động ở Biển Đông.
Tóm lại, dù không được tham gia vào các tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông với các nước ASEAN, bao gồm đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông do bị Bắc Kinh phản đối, nhưng Đài Loan vẫn được coi là một bên tranh chấp ở Biển Đông và có vị trí nhất định liên quan đến tranh chấp Biển Đông. So với ông Hà Quốc Du thì việc bà Thái Anh Văn tiếp tục làm Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ thứ hai chắc rằng sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực hơn đối với Biển Đông, chúng ta hãy cùng chờ xem.