Thặng dư thương mại trong 12 tháng của Thái Lan với Mỹ vượt quá giới hạn 20 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra cho thâm hụt thương mại.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ đưa ra hôm 6/1, thặng dư thương mại trong 12 tháng của Thái Lan với Mỹ đã vượt quá 20 tỷ USD, làm tăng nguy cơ Thái Lan sẽ bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ. Tuy chưa có con số thống kê chính thức từ phía Mỹ và Thái Lan về tổng kim ngạch thương mại song phương nhưng Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 47 tỷ USD trong năm 2018.
Con số thống kê của phía Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại Thái Lan với Mỹ đã đạt 20,05 tỷ USD trong giai đoạn 12 tháng, tính đến tháng 11/2019, vượt quá giới hạn 20 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra cho thâm hụt thương mại hàng hóa song phương đối với các nước “thao túng tiền tệ”.
Thuật ngữ “thao túng tiền tệ” được Bộ Tài chính Mỹ định nghĩa là hành động của một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá để tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một số tiêu chí khi xem xét một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, trong đó các nước có tổng kim ngạch thương mại song phương với Mỹ từ 40 tỷ USD trở lên và vi phạm 2 trong 3 tiêu chí sau sẽ bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, đó là vượt ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD, vượt ngưỡng thặng dư cán cân thanh toán 2% GDP trở lên và can thiệp trực tiếp, sâu, một chiều vào thị trường ngoại hối.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, Mỹ, thặng dư cán cân thanh toán của Thái Lan đã ở mức trên 2% GDP mỗi quý kể từ cuối năm 2014. Do vậy, trong trường hợp thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ vượt 20 tỷ USD thì điều đó có nghĩa là Thái Lan hiện vi phạm hai trong ba tiêu chí do Mỹ đề ra.
Trước đó, Trung tâm phân tích thông tin kinh tế (EIC) thuộc Ngân hàng thương mại Siam tại Thái Lan đã đưa ra cảnh báo nguy cơ Mỹ đưa nước này vào danh sách can thiệp và thao túng tiền tệ do Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã can thiệp để kiềm chế tình trạng đồng bạt tăng giá liên tiếp trong chu kỳ 6 tháng.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Thái Lan đang xuất hiện một số yếu tố căng thẳng khi ngày 25/10/2019, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố Tổng thống Donald Trump sẽ dừng 1,3 tỷ USD ưu đãi thương mại dành cho Thái Lan theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) do nước này không đáp ứng các yêu cầu quốc tế về quyền của người lao động. Phía Mỹ cho rằng, mặc dù đã có 6 năm được hưởng ưu đãi, Thái Lan vẫn chưa thực hiện các quy trình để đáp ứng quyền của người lao động được quốc tế công nhận trong một số lĩnh vực quan trọng được liệt kê trong bản kiến nghị năm 2015 của Liên đoàn Lao động và Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO), như đưa ra các biện pháp bảo vệ cho tự do của hiệp hội và thương lượng tập thể.