Quan hệ Trung – Nga đã trải qua những thời kỳ nóng lạnh khác nhau. Trong chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nga (lúc đó là Liên Xô) đã từng giúp Trung Quốc bằng việc đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, giúp Trung Quốc lấy lại được vùng đất rộng lớn bị Nhật chiếm đóng.
Khi cách mạng Trung Quốc thành công, chính Nga là nước giúp Trung Quốc nhiệt tình trên tinh thần Quốc tế Vô sản xây dựng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Những nhà máy cơ khí, đặc biệt là nhà máy chế tạo ô tô, máy kéo, máy bay đầu tiên của Trung Quốc đều do Nga giúp. Có thể nói nền công nghiệp của Trung Quốc sau này có điều kiện phát triển cũng khởi đầu từ các nhà máy nêu trên. Nga còn là trung tâm đào tạo các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực kể cả vũ trụ, hạt nhân cho các nước Xã hội Chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì thế mà các loại vũ khí của Trung Quốc từ xe tăng, xe vận tải, máy bay hiện nay vẫn là mẫu mã mô phỏng gần giống của Nga. Trung Quốc có vũ khí hạt nhân và tên lửa cùng tàu vũ trụ cũng chính nhờ từ công nghệ và khoa học (con người) từ Nga.
Nhưng có một điều đặc biệt là: Trung Quốc dù là Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn nối tiếp truyền thống của các triều đại phong kiến trước kia là luôn tìm cách gây hấn xâm lấn đất đai của các nước láng giềng. Trung Quốc gây hấn nhằm chiếm đất của Ấn Độ, Myanmar và các nước thuộc Liên Xô cũ ở biên giới phía bắc. Trung Quốc từng đưa quân đánh sâu vào vùng đất thuộc Nga tới vài chục kilomet. Nga đã đáp trả mãnh liệt. Rồi từ đó biên giới Nga – Trung chưa bao giờ thật sự yên lành.
Khi còn hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa, Trung Quốc luôn tìm cách lôi kéo các nước thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô, ủng hộ Trung Quốc. Lợi dụng Liên Xô có biến trong thời kỳ “xét lại”, Trung Quốc xuất bản nhiều sách, tài liệu bôi xấu Liên Xô và muốn các nước tôn Trung Quốc làm nước đứng đầu phe Xã hội Chủ nghĩa.
Liên Xô trước đây và nước Nga sau này đều nhận ra bản chất “bất hảo” của giới lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông trước đây đến Tập Cận Bình ngày nay. Nhưng khi nước Nga bị Mỹ và châu Âu cô lập, đường dẫn khí đốt sang các nước phía Tây bị Ukraine gây khó khăn thì Nga buộc phải thân thiện với Trung Quốc. Trung Quốc cũng bị Mỹ chỉ trích gây khó nên đã quay lại thân thiện với Nga, mua khí đốt, dầu mỏ của Nga vừa có giá rẻ, vận chuyển gần lại tạo được sự thân thiện với Nga để chống Mỹ. Dù đã sản xuất được nhiều loại vũ khí, nhưng những loại vũ khí tiên tiến như tên lửa, tàu ngầm vẫn phải mua của Nga.
Mấy năm gần đây khi quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng thì Trung Quốc càng tìm cách lôi kéo tạo liên minh với Nga. Nhưng Nga dù tỏ ra thân thiện vì lợi ích của mình cũng chưa bao giờ thực sự coi Trung Quốc là đồng minh tin cậy. Người Trung Quốc đã tràn vào vùng viễn Đông của Nga để khai thác rừng, mỏ và trồng trọt. Gần đây nhiều người Nga đã cảnh báo thảm hoạ từ Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc sản xuất vũ khí tương tự của Nga.
Sang Thập kỷ thứ ba của Thế kỷ XXI, nhiều người dự đoán quan hệ Trung – Nga có vẻ sẽ thân thiện hơn. Nhưng sẽ không bao giờ đạt đến là đồng minh tin cậy.