Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCộng đồng quốc tế liên tục lập các đơn vị chức năng...

Cộng đồng quốc tế liên tục lập các đơn vị chức năng đề phòng, đối phó với TQ

Bắc Kinh trỗi dậy là một xu thế tất yếu không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, việc nước này phát triển không hòa bình, đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích, an ninh và chủ quyền của nhiều nước trên thế giới. Để ngăn chặn và đề phòng Trung Quốc, nhiều nước đã lập các đơn vị chuyên trách đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, diễn biến tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, tác động trực tiếp đối với hòa bình, ổn định và lợi ích, an ninh nhiều nước. Những diễn biến trên đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đối với quá trình trỗi dậy và phát triển của Trung Quốc. Do đó, các nước trong khu vực đang tích cực triển khai các kế hoạch hành động nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Đầu tiên, Nhật Bản có bước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (20/1) cho biết nước này sẽ thành lập đơn vị phòng thủ không gian để tự vệ trước các đối thủ đang phát triển nhiều loại tên lửa và các công nghệ khác. Đơn vị không gian sẽ đóng tại căn cứ không quân hiện nay ở Fuchu, vùng ngoại ô phía tây của Tokyo, nơi khoảng 20 người sẽ bắt đầu làm việc trước khi được hoàn thiện bộ máy vào năm 2022. Vai trò của đơn vị không gian là tiến hành hoạt động điều hướng và trao đổi thông tin dựa vào vệ tinh để phục vụ lực lượng ở hiện trường. Đơn vị này sẽ phối hợp với lực lượng tương ứng của Mỹ do Tổng thống Donald Trump lập ra gần đây. Theo đó, đơn vị sứ mệnh không gian sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 4 tới và sẽ trực thuộc Lực lượng phòng không Nhật Bản. Theo Thủ tướng Abe, Nhật Bản phải tự vệ trước các mối đe dọa từ không gian và sự can thiệp điện từ nhắm vào các vệ tinh Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách can thiệp, vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh.

Trước đó, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ thiết lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được trang bị súng tiểu liên và trực thăng để làm nhiệm vụ tuần tra các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (2/9/2019) cho biết, hoạt động triển khai lực lượng mới ở quần đảo Senkaku có thể sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2020. Theo đó, Nhật Bản sẽ đầu tư một khoản ngân sách cho thêm một lực lượng gồm 159 sĩ quan cảnh sát để lực lượng này ngăn chặn các “vụ đổ bộ bất hợp pháp của các nhóm vũ trang đến những hòn đảo xa xôi”. Giới truyền thông nhận định, việc Nhật Bản thành lập một lực lượng mới sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp chắc chắn sẽ khiến tình hình leo thang. Bắc Kinh đương nhiên không tránh khỏi cảm giác lo ngại trước nước cờ cứng rắn này của Tokyo. Được biết, dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản luôn thể hiện một thái độ cứng rắn, quyết liệt và không lùi bước trước Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Abe nhiều lần tuyên bố sẽ củng cố sức mạnh của quân đội Nhật Bản để sẵn sàng đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến hơn ở biển Hoa Đông. Chính quyền của ông Abe ngoài việc cấp tập tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật Bản còn nới lỏng hiến pháp hòa bình nhằm tạo điều kiện cho quân đội Nhật Bản có phạm vi hoạt động rộng hơn, tự do hơn. Ngoài ra, Tokyo cũng tăng cường các cuộc tập trận huấn luyện quân đội đồng thời mở rộng các mối quan hệ liên minh, hợp tác quân sự với các nước láng giềng xung quanh cũng như với các nước lớn.

Thứ hai, Australia lo đối phó với gián điệp từ Bắc Kinh. Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan (28/8/2019) cho biết, các trường đại học của Australia sẽ được phép làm việc với cơ quan an ninh mạng nước này để ngăn chặn các vụ tấn công tin tặc và gây ảnh hưởng từ nước ngoài, một động thái được cho là nhắm vào Trung Quốc. Nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng này là xây dựng lại hệ thống kiểm soát không gian mạng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ những nghiên cứu nhạy cảm, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng và thiệt hại có thể xảy ra đối với các trường đại học của Australia trong tương lai. Họ phải đảm bảo các trường đại học, đặc biệt là những trường lớn chuyên nghiên cứu các kỹ thuật có thể áp dụng trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự, sẽ được an toàn trước các vụ tấn công mạng. Ngoài ra, ông Tehan cho biết, một động cơ khác khi thành lập lực lượng này là để đảm bảo sự hợp tác giữa ngành giáo dục Australia và các tổ chức của nước ngoài sẽ luôn “minh bạch”, tránh gây tổn hại cho lợi ích quốc gia. Lãnh đạo các trường đại học sẽ được họp với cơ quan an ninh mạng quốc gia Australia, được hướng dẫn cách thức làm thế nào đảm bảo an toàn khi hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Được biết, việc Australia thành lập lực lượng đặc nhiệm bảo vệ an ninh mạng diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Trường đại học Quốc gia Australia (ANU) bị tấn công mạng quy mô lớn, làm thất thoát nhiều dữ liệu được lưu giữ trong 19 năm qua và cả các thông tin như tài khoản ngân hàng, hộ chiếu của các sinh viên theo học. Trước đó, báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ 26 trường đại học của Australia đã trở thành mục tiêu trong một chiến dịch tấn công mạng, đánh cắp thông tin với quy mô toàn cầu.

Thứ ba, Indonesia tăng cường năng lực quốc phòng, lập căn cứ mới đối phó với Trung Quốc. Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng 3 căn cứ quân sự mới ở phía Đông và Bắc nước này, trong đó có một căn cứ ở tỉnh Riau để theo dõi các diễn biến ở Biển Đông và đối phó với hành động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Natuna. Chính quyền tỉnh Riau, bao gồm quần đảo Natuna nằm ở phía Nam Biển Đông, đã dành một khu đất rộng 40 ha để xây dựng căn cứ và công trình. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch trên vào đầu năm 2020; đồng thời cho biết căn cứ này sẽ giúp quân đội Indonesia tăng cường hiện diện ở khu vực. Giới truyền thông Indonesia nhận định đó là một trong những động thái mới của Indonesia nhằm tăng cường hiện diện và bảo vệ Natuna sau khi giới chức nước này nhiều lần ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở khu vực gần Biển Đông. Trong năm ngoái, Indonesia mở một căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar thuộc Natuna, với hơn 1.000 quân nhân đóng trú và một nhà chứa cho đội máy bay không người lái. Trước đó, Tổng thống Joko Widodo (5/10/2019) cho biết sau khi khánh thành căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, 4 căn cứ khác sẽ được thiết lập tại Biak, Merauke, Morotai và Saumlaki nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp giữ 3 quân chủng hải, lục và không quân tại các khu vực biên giới trên biển. Ông Joko Widodo cho biết Indonesia đang nỗ lực nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc phòng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố; nhấn mạnh quân đội Indonesia đang chuyển đổi thành một hệ thống tích hợp hơn, thay vì 3 lực lượng riêng rẽ trước đây; đồng thời cho biết TNI (7/2019) đã thành lập Bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp, quy tụ các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Đáng chú ý, ông Widodo cũng cam kết tăng phúc lợi cho các binh sỹ và tăng ngân sách quốc phòng từ từ 121 nghìn tỷ rupiah (8,6 tỷ USD) trong năm 2019 lên 131 nghìn tỷ rupiah (hơn 9,3 tỷ USD) trong năm 2020.

Thứ tư, Ấn Độ – Sri Lanka hợp tác quân sự đối phó Trung Quốc. Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vừa đón tiếp cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sang thăm. Hai ông thảo luận chuyện thành lập một trung tâm điều phối hàng hải cho phép quốc gia khác tham gia với tư cách quan sát viên. Họ còn bàn về tăng cường hợp tác quân sự lẫn tuần duyên nhằm ngăn chặn và đề phòng các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc. Được biết, lên nắm quyền từ tháng 11/2019, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi Ấn Độ cùng phương Tây tăng đầu tư nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. Thủ tướng Narendra Modi ngay sau đó lập tức cung cấp khoản viện trợ 450 triệu USD cho nước láng giềng.

Thứ năm, Ấn Độ hợp tác Indonesia đối phó với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (5/2018) cho biết Ấn sẽ cùng Indonesia là đối tác xây một quân cảng mới ở Indonesia, tuyên bố kế hoạch trên nhằm hạn chế Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự. Đến ngày 24/01/2019, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi cho biết sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào phía Tây của eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Căn cứ không quân mới của Ấn Độ mang tên INS Kohassa, được bố trí tại một địa điểm cách Port Blair, thủ phủ của quần đảo khoảng 300 cây số về phía Bắc. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, ông D. K. Sharma, cơ sở Không quân mới sẽ có một đường băng dài 1.000 mét cho trực thăng và máy bay trinh sát, nhưng có thể sẽ được trang bị thêm một đường băng dài 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các máy bay trinh sát tầm xa và chiến đấu cơ. Theo nhiều chuyên gia và giới chức quân sự Ấn Độ, mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại quần đảo Andaman và Nicobar là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca. Được biết, hàng năm có khoảng 120.000 tàu thuyền qua lại Ấn Độ Dương, trong đó gần 70.000 chiếc đi qua Malacca. Cựu sĩ quan hải quân Anil Jai Singh lưu ý là Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này, và để có thể theo dõi được thực sự các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, cần có đủ phương tiện. Theo ông, cùng với Không quân, Ấn Độ phải triển khai thêm nhiều tàu chiến tại căn cứ quân sự nói trên. New Delhi lo ngại Bắc Kinh sử dụng một số cảng biển mà họ xây dựng tại Sri Lanka và Pakistan, làm các căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tăng cường lực lượng tại quần đảo Andaman và Nicobar để đối phó với Trung Quốc là chủ trương của thủ tướng Narendra Modi khi lên nắm quyền vào năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới