Năm 2019, kinh tế thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong 10 năm qua và trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona mới bùng phát từ Trung Quốc hiện nay, giới phân tích lo ngại điều này sẽ nhanh chóng đẩy kinh tế thế giới vào viễn cảnh suy thoái mới.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona mới (nCoV) gây ra tại Trung Quốc đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, trở thành thách thức mới với kinh tế toàn cầu. Theo đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các lĩnh vực dịch vụ, hàng không, du lịch chịu thiệt hại nặng nề sẽ “cản bước” kinh tế thế giới trong năm nay.
Bùng phát từ trước Tết Nguyên đán, làm chết hàng trăm người ở trong và ngoài Trung Quốc, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona mới đang trở thành nỗi ám ảnh với tất cả các quốc gia, đồng thời đang và sẽ để lại “di chứng” nặng nề với các nền kinh tế trên toàn cầu. Đối với Trung Quốc, dịch viêm đường hô hấp cấp nêu trên là “họa vô đơn chí” trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nước này vốn đã giảm tốc nghiêm trọng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc trong suốt năm 2019.
Đại dịch đã đến khi các thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc giai đoạn 1 chưa kịp giúp kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, đại dịch nêu trên đã gây thiệt hại 144 tỷ USD cho các ngành du lịch, dịch vụ và giải trí của nước này trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, một hiệp hội bất động sản ở Quảng Châu đã kêu gọi chủ nhà miễn hoặc giảm tiền thuê cho các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn này.
Ủy ban Điều hành Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) mới đây đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng không cắt giảm các khoản vay đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với các nhà bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, hậu cần và các công ty du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc quan ngại rằng, dịch viêm đường hô hấp cấp đang trở thành “rào cản” với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, trong trường hợp khả quan nhất, nếu như dịch bệnh có thể nhanh chóng được ngăn chặn và chấm dứt vào tháng 4, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,1% vào năm 2019 xuống còn 5,4% trong năm nay.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế toàn cầu, bởi vậy một khi đà tăng trưởng của “đầu tàu” kinh tế này yếu đi, kinh tế khu vực và thế giới cũng đối mặt không ít thách thức. Những ngày qua, dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát từ Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào các hãng hàng không, lữ hành của nhiều quốc gia khi tính đến ngày 2-2, đã có hơn 30 hãng hàng không trên thế giới thông báo ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc.
Khi các tua du lịch từ Trung Quốc dừng hoạt động, ngành du lịch của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, năm 2018, khoảng 163 triệu du khách Trung Quốc đã thực hiện các chuyến tham quan nước ngoài, chiếm hơn 30% doanh số du lịch trên toàn cầu.
Đối với các hãng sản xuất lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona mới đang làm rối loạn thị trường, chuỗi cung ứng và sản xuất của họ. Hôm 1-2, Tập đoàn Apple của Mỹ thông báo đóng cửa các cửa hàng, văn phòng và trung tâm liên lạc tại Trung Quốc cho đến hết ngày 9-2.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ ba của Apple và là nơi đặt phần lớn chuỗi cung ứng của hãng này. Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) mới đây cũng tuyên bố, hãng vẫn tiếp tục đóng cửa các nhà máy sản xuất của mình ở Trung Quốc đại lục cho đến giữa tháng 2.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona từ Trung Quốc cũng đang “phủ bóng đen” lên triển vọng của các thị trường chứng khoán và dầu mỏ của nước này và toàn cầu. Hôm 1-2, giới chức tài chính Trung Quốc cho biết nước này đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính để kiểm soát dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết bảo đảm thanh khoản khi thị trường mở cửa trở lại ngày 3-2. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, điều này chưa đủ “trấn an dư luận” để giúp chứng khoán Trung Quốc tránh khỏi cú sụt giảm mạnh
Trong bối cảnh nêu trên, lựa chọn tối ưu nhất của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế hiện nay là đoàn kết và chung tay sớm đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút corona mới trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, “hạ nhiệt” các điểm nóng xung đột, đáng chú ý là những tranh chấp không đáng có ở Biển Đông, để không tạo thêm các rào cản với tăng trưởng kinh tế thế giới.