Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tìm cách thay đổi hình ảnh tàu Hải cảnh trong...

TQ đang tìm cách thay đổi hình ảnh tàu Hải cảnh trong mắt cộng đồng quốc tế

Hải cảnh Trung Quốc (CCG) là một trong những lực lượng chấp pháp trên biển, có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường sử dụng lực lượng này để hộ tống các tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của các nước ven Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là đang tìm cách cải thiện hình ảnh của CCG trong mắt cộng đồng quốc tế.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (19/1) dẫn lời giới phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc điều tàu hải cảnh đến thăm một số cảng trong khu vực là biện pháp ngoại giao mới nhưng cũng có thể phục vụ cho mưu đồ ở Biển Đông và không thân thiện như bề ngoài. Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, việc Trung Quốc đưa tàu Hải cảnh 5204 tới thăm Philippines và tham gia diễn tập tìm kiếm cứu hộ tại trụ sở của Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) nhằm giúp làm dịu bớt hình ảnh của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là một lực lượng mang tính cưỡng ép. Bắc Kinh cũng hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một hình mẫu thể hiện rằng các lực lượng hải cảnh có thể hợp tác dù có bất đồng, với hy vọng rằng các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á có thể có những trao đổi tương tự. Tuy nhiên, chuyên gia chuyên gia Collin Koh không cho rằng chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc đến Manila có thể thay đổi quan niệm ở Philippines về lực lượng này, dù tàu chuyển viện trợ đến các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi núi lửa Taal phun trào. Cùng quan điểm trên, Nghị sĩ Rufus Rodriguez, chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tại Hạ viện Philippines, cho rằng Philippines không nên chào đón tàu hải cảnh Trung Quốc vì đó là công cụ chuyên quấy rối và dọa dẫm ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Trong khi đó, Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự có tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng cường tổ chức các chuyến thăm “thân thiện” của các tàu hải cảnh để giúp tránh những hiểu lầm giữa các nước láng giềng.

Được biết, CCG thành lập tháng 03/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia, nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng “tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, bao gồm các lực lượng: Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng – BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên. CCG dưới sự chỉ huy của PAP – lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) chỉ đạo trực tiếp sẽ “bảo vệ quyền và chức năng trên biển” của Trung Quốc. Sự thay đổi này cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh. CCG cũng sẽ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Đáng chú ý, các tàu CCG sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các thành viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công.

CCG được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, CCG còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của CCG gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)…

Trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như: Pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên…

Đáng chú ý, mới đây, Cục Hải sự Quảng Đông đã ủy quyền cho nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu đóng tàu tuần tra mới cho lực lượng Hải Cảnh của tỉnh này. Theo thông tin trên, Hải Cảnh Trung Quốc đã giới thiệu hình ảnh đồ họa về mẫu tàu tuần tra cỡ lớn tương lai của họ, điều gây bất ngờ là thiết kế của nó có rất nhiều nét tương đồng với khu trục hạm Type 055. Dựa vào hình ảnh mà nhà máy Hoàng Phố công bố thì dễ dàng nhận ra rằng đây chính là thiết kế của khu trục hạm Type 055 được sửa đổi khi đã cắt giảm bớt các vũ khí hạng nặng. Theo các nguồn tin ban đầu, tàu tuần tra do nhà máy Hoàng Phố thi công có lượng giãn nước đầy tải lên đến 12.000 tấn, chiều dài 165 m, chiều rộng 20,6m, độ sâu mớn nước 9,5 m, có thể chở được 100 thuyền viên và 200 nhân viên cứu hộ. Chiếc tàu tuần tra mới dự kiến sẽ có “vũ khí phòng vệ” cơ bản tương tự, nó không được lắp đặt “vũ khí tấn công”, bởi loại trang bị thường dùng nhất của tàu hải cảnh khi có xung đột trên biển là vòi rồng. Tuy nhiên căn cứ theo cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thì gần như chắc chắn 100% con tàu sẽ được tích hợp pháo chính cỡ 76 mm cùng pháo bắn nhanh 30 mm điều khiển tự động. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc thậm chí còn rằng, tàu tuần tra mới của họ có “khả năng phòng thủ siêu hạng”, chịu được bão cấp 12, đáp ứng yêu cầu hành trình không giới hạn. Phạm vi hoạt động của con tàu này có thể kéo dài từ vùng biển Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản hoặc kéo xuống Biển Đông.

Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế từng nhiều lần cảnh báo cho rằng việc Trung Quốc cơ cấu lại CCG khiến lực lượng này có chức năng như một cơ quan thực thi pháp luật. Nó sẽ góp phần củng cố chức năng, nhiệm vụ của CCG khi tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ khiến CCG được hải quân Trung Quốc hậu thuẫn khi tiến hành “tuần tra, giám sát” trên biển. Không những vậy, việc tái cơ cấu cũng khiến hải quân Trung Quốc có thêm một số lượng lớn tàu chiến tham gia vào các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh tiến hành tái cơ cấu là muốn khi sử dụng các tàu của CCG thực thi “nhiệm vụ” trên biển ít bị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực lên tiếng phản đối, chỉ trích. Ngoài ra, với việc trang bị vũ khí tấn công cho nhân viên trên các tàu CCG, Trung Quốc đang trực tiếp răn đe, cảnh cáo tàu cá và ngư dân các nước “đừng có dại mà vào đánh bắt cá ở Biển Đông và Hoa Đông” và rằng Trung Quốc sẵn sàng nổ súng trấn áp người dân các nước. Ngoài những ý đồ trên, Trung Quốc thúc đẩy cải cách lực lượng CCG cũng nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động và thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch “chấp pháp” trên biển.

Sau khi thành lập lực lượng CCG thống nhất, Trung Quốc được cho là sẽ có xu hướng sử dụng các tàu thuộc lực lượng này để đẩy mạnh yêu sách phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các chương trình xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh triển khai thêm các tàu của CCG tới vùng biển này. Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Giáo sư Andrew Erickson, Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết Trung Quốc đã triển khai 3 loại tàu để theo đuổi tham vọng ở Biển Đông, gồm: tàu hải quân “thân xám”, tàu cảnh sát biển “thân trắng” và tàu dân quân biển “thân xanh”. Theo phân tích của giáo sư Erickson, trong một khu vực tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng và dễ xung đột vũ trang như Biển Đông, Trung Quốc dường như rất hạn chế sử dụng lực lượng hải quân chính quy hiện đại của mình. Nhưng tàu trắng và tàu xanh của Trung Quốc được cho là nhẵn mặt ở Biển Đông. Từ 2010 đến 2016, các đơn vị thuộc CCG đã can dự vào 71% các vụ rắc rối ở vùng biển chiến lược này. Cùng quan điểm trên, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Trung Quốc có cả một chiến lược, họ dùng những tàu quân sự giấu mình trong vỏ bọc dân sự, để đối đầu và tranh chấp với những tàu dân sự của các nước xung quanh. Đây là hành vi láu cá nhưng lại là một kế hoạch dài hơi và tốn kém của Bắc Kinh”. Theo chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), việc chuyển giao lực lượng CCG cho PLA quản lý sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng. Ông Morris cho rằng việc CCG cũng được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chưa kể bước đi này giúp CCG được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng hải quân.

Theo báo Japan Times (Nhật Bản), vai trò mới của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc góp phần làm phức tạp hóa những thách thức mà Nhật Bản đối mặt trong việc ứng phó các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi chức năng và thẩm quyền của CCG còn mơ hồ. Trong khi đó, ông Jonathan Spangler, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu biển Đông tại Đài Loan, cho rằng các nước khác sẽ xem diễn biến mới này là thách thức mà họ cần đối phó bằng cách tái cơ cấu lực lượng cảnh sát biển của mình. Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới