Cùng với các nỗ lực khác, việc sớm tìm ra vaccine hay các loại thuốc đặc trị để chữa trị cho hàng chục nghìn người nhiễm virus Corona chủng mới (2019-nCoV) đang là đòi hỏi cấp bách nhất vào lúc này để sớm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại, trước hết là về sinh mạng con người.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra vẫn tiếp tục lây lan nhanh và diễn biến rất phức tạp. Cho dù số ca nhiễm và trường hợp tử vong tại “tâm dịch” Trung Quốc trong hai ngày gần nhất, ngày 3 và 4-2 đã giảm nhẹ so với những ngày trước đó, song vẫn có thêm số ca nhiễm 2019-nCoV trên thế giới tính tới 16h ngày 5-2 là 24.567 trường hợp mắc, 493 người tử vong (491 trường hợp ở Trung Quốc đại lục, 2 trường hợp khác ở Hồng Kông và Philippines); trong đó riêng tỉnh Hồ Bắc đã có thêm 3.156 ca mắc trong 24 giờ qua và gần 2.000 trường hợp trong số này được ghi nhận ở nơi xuất phát đầu tiên của bệnh dịch là thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.
Bên cạnh các biện pháp, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh 2019-nCoV đang được Trung Quốc và quốc tế khẩn trương triển khai, việc sớm tìm ra phác đồ điều trị và tìm ra các loại thuốc đặc trị với virus Corona, nhất là vaccine chuyên trị, là điều vô cùng quan trọng để giảm thiểu số người mắc bệnh cũng như số người tử vong. Dù chưa rõ khả năng gây chết người của 2019-nCoV, nhưng các nhà khoa học đã biết chắc là virus này có tính lây truyền cao giống virus cúm thông thường, tuy nhiên lại phát tán chậm hơn virus gây ra các dịch bệnh làm chết nhiều người là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), MERS hay cúm A/H5N1…
Một điều quan trọng khác là giới y học thế giới đã khẳng định được là tỷ lệ tử vong trong số các ca mắc do 2019-nCoV thấp hơn khá nhiều tỷ lệ tử vong trong các dịch bệnh nguy hiểm khác như: khoảng 10% người nhiễm SARS tử vong; cúm A/H5N1 khoảng 17%; MERS là 35% và cao nhất là tỷ lệ tỷ vong của dịch Ebola lên tới hơn 40%….; trong khi tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp nhiễm 2019-nCoV hiện trong khoảng 1,8% và có khả năng giảm thêm vì nhiều xét nghiệm đã được thực hiện cũng như các trường hợp nhiễm bệnh mức độ nhẹ cũng được thống kê và điều kiện chăm sóc tốt hơn trong những ngày tới ở vùng tâm dịch.
Thông tin mới nhất ngày 5-2 từ Hàn Quốc cho biết, các bác sĩ Hàn Quốc sử dụng thuốc điều trị Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) để điều trị cho bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV khỏi bệnh hoàn toàn. Trước đó, các bác sĩ của Trung Quốc và Thái Lan cũng báo cáo rằng, sau khi dùng thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới, triệu chứng viêm phổi của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Thuốc điều trị HIV có tên là “Kaletra” này, vốn là loại thuốc chuyên điều trị cho các bệnh nhân AIDS, đã ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của virus Corona chủng mới bằng cách ức chế enzyme phân giải protein cần thiết cho sự sinh sôi của virus.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thuốc trên thế giới đang chạy đua bào chế vaccine điều trị cho bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV và hy vọng sớm được phê duyệt. Đây được xem là một nỗ lực cao độ khi các loại vaccine mới đều phải vượt qua hàng loạt cuộc thử nghiệm về tính an toàn trước khi được sử dụng rộng rãi. Hiện có khoảng 10 công ty dược phẩm lớn trên thế giới đã lên kế hoạch về phương pháp điều trị 2019-nCoV hoặc các dự án vaccine liên quan, gồm Hãng Johnson & Johnson và Inovio Enterprises (Mỹ).
Theo Tạp chí Washington Examiner (Mỹ), một loại vaccine tiềm năng có thể có tác dụng đối với 2019-nCoV đang được lưu trữ tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Houston thuộc bang Texas của Mỹ. Loại vaccine này lần đầu được phát triển vào năm 2012 dành cho bệnh nhân mắc SARS nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể có hiệu quả tương tự trong đợt lây lan virus Corona chủng mới hiện nay.
Bên cạnh sớm điều chế được vaccine “đặc trị” 2019-nCoV, những phương pháp, cách thức chữa trị khác cũng đang được nghiên cứu, tìm kiếm. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, giới chức y tế nước này đang thu thập các thông tin và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc như Lopinavir và Ritonavir cũng như những loại thuốc Đông y của quốc gia này để điều trị bệnh nhân 2019-nCoV.
Bộ Y tế Mỹ (HHS) cho biết, đang hợp tác với hãng dược phẩm lớn Regeneron – đối tác của HHS trong việc bào chế thuốc điều trị virus Ebola năm 2017 – để bào chế một loại thuốc điều trị 2019-nCoV. Tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Anh GlaxoSmithKline (GSK) thông báo sẽ tham gia nỗ lực toàn cầu phát triển loại vaccine phòng 2019-nCoV, trong đó Chính phủ Anh đã cam kết chi 20 triệu bảng (26 triệu USD) hỗ trợ cho công tác nghiên cứu. GSK dự định hỗ trợ 4 dự án hiện đang được tài trợ thông qua CEPI, để phát triển vaccine ngừa 2019-nCoV.
Với nỗ lực cao độ, hy vọng thế giới sẽ sớm đưa ra được phác đồ và những loại “vũ khí” hiệu quả để “tiêu diệt” virus 2019-nCoV quái ác.