Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Philippines: Các nước ASEAN bắt đầu chống lại sự gây...

Chuyên gia Philippines: Các nước ASEAN bắt đầu chống lại sự gây hấn của TQ ở Biển Đông

Học giả Philippines Richard Heydarian nhận định Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trên biển Đông, theo Nikkei Asian Review hôm 3/2.

 

Là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The Indo-Pacific: Trump, China and the New Struggle for Global Mastery” [Tạm dịch: “Ấn Độ-Thái Bình Dương: Tổng thống Trump, Trung Quốc và Cuộc đấu tranh mới để bá chủ toàn cầu”], ông Heydarian cho rằng trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã mưu toan thu hút và ‘dụ dỗ’ các nước láng giềng Đông Nam Á, chấp thuận với việc mở rộng hàng hải của mình, thông qua các hành động đồng bộ, bao gồm khuyến khích kinh tế, đe dọa quân sự và tấn công ‘ngoại giao quyến rũ’.

Tuy nhiên, theo ông Heydarian, hiện các nước lớn trong khu vực đã bắt đầu khẳng định quyền chủ quyền của mình với quyết tâm cao hơn trước. 

“Chỉ trong 3 tháng qua, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã thách thức các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc và xâm phạm bất hợp pháp vào vùng biển của họ – với những tác động đáng kể đến cán cân quyền lực địa chính trị”, ông Heydarian lưu ý.

Sau một cuộc tranh chấp kéo dài hàng tháng trời ở Bãi Tư Chính giàu tài nguyên vào năm ngoái, Việt Nam đe dọa kiện pháp lý Trung Quốc lên trọng tài quốc tế. Trong tháng 11/2019, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cảnh báo Hà nội đang xem xét các biện pháp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, và không thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách của Bắc Kinh, đối với các vùng biển nằm trong đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng nhỏ hơn.

 Đặc biệt, Hà Nội được khích lệ bởi tiền lệ, với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong năm 2016 đối với đơn kiện của Philippines, trong đó vô hiệu hóa và bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phán quyết này đã  làm suy yếu các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và cái mà Bắc Kinh gọi là “các quyền lịch sử”. 

Trung Quốc sau đó đã phải bỏ thuật ngữ này khỏi các tuyên bố chính thức của mình, và tìm kiếm các học thuyết và tài liệu pháp lý thay thế, để hỗ trợ cho các yêu sách phi lý của mình.

Theo ông Heydarian, Việt Nam, với tư cách là chủ tịch hiện tại của ASEAN, có một vị trí thuận lợi để tiến hành một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, chống lại hành vi gây rối của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.

Ông Heydarian cho rằng với “liên minh không chính thức” với Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm hợp tác quốc phòng và viện trợ quân sự quy mô lớn, Việt Nam có thể công khai kêu gọi các cường quốc bên ngoài, hỗ trợ các nỗ lực trong khu vực, nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc.

“Trên thực tế, Việt Nam đã đóng vai trò này gần như đúng một thập niên trước, khi Hà nội khích lệ thành công chính quyền Obama thách thức các mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do hàng hải ở Biển Đông”, ông Heydarian nhận xét.

 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đứng trên boong tàu hải quân của mình tại cảng Selat Lampa, quần đảo Natuna, chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc hôm 8/1/2020. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Indonesia / AP)

Ngay sau các lời đe dọa kiện pháp lý của Việt Nam, Malaysia cũng đã bất ngờ thách thức pháp lý đối với Trung Quốc. Quốc gia này, vốn trong lịch sử đã duy trì mối quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh, đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc, một bộ hồ sơ, được chuẩn bị trong năm 2017, tuyên bố chủ quyền đối với một phần lớn hơn của thềm lục địa, bao gồm một phần biển, nằm trong yêu sách của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa, và các phần trung tâm của Biển Đông.

Việc đệ trình, có khả năng được chuẩn bị ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài đối với đơn kiện của Philippines, đã bị hoãn lại trong khi Thủ tướng Mahathir Mohamad, người lên nắm quyền vào năm 2018 nhờ ủng hộ quan điểm chống Trung Quốc, tập trung vào việc hạn chế nợ của nước này đối với các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, với chi phí rất lớn.

Nhưng ngay khi ông Mahathir đạt được các điều chỉnh và giảm giá lớn cho các dự án của Trung Quốc, nhà lãnh đạo phi đảng phái này đã chuyển sang thách thức sự xâm nhập của Bắc Kinh vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển truyền thống của nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah đã mô tả các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong khu vực là “nực cười”.

Theo ông Heydarian, có lẽ phản ứng kịch tính và có ý nghĩa nhất là đến từ Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và được cho là sẽ có vai trò dẫn đầu. Để từ bỏ “ngoại giao thì thầm” lâu đời, tránh đối đầu công khai với một đối tác kinh tế lớn, Indonesia hiện đã chính thức chất vấn tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc, và củng cố vị thế quân sự của Manila gần khu vực tranh chấp.

Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tàu đánh cá bán quân sự và phi pháp của Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna, nơi rất giàu tài nguyên và  chồng lấn với đỉnh của đường 9 đoạn của Trung Quốc. Ban đầu, Indonesia áp dụng chính sách “Đánh chìm tàu” mạnh mẽ, nhắm vào hàng chục tàu Trung Quốc hoạt động  bất hợp pháp tại vùng biển này.

 

 

Ông Heydarian cho rằng lập trường cứng rắn này của các nước ASEAN ở Biển Đông sẽ có 3 hậu quả như sau: 

Thứ nhất, nó cho thấy sự mong manh của chính sách của Trung Quốc trong việc lôi kéo “giới tinh hoa” trong khu vực và viện trợ kinh tế của Bắc Kinh ở đó. Các nhà lãnh đạo khu vực, ngay cả những người quá thân thiện với Trung Quốc, đã phải chịu áp lực mạnh mẽ của công chúng, phải đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc vốn có từ lâu, chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, đã trở nên phổ biến do các các tranh chấp ngày càng gia tăng ở Biển Đông. Trong khi đó, tại các nước Hồi giáo như Indonesia và Malaysia, quan điểm chống Trung Quốc đã trở nên trầm trọng thêm bởi cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo ông Heydarian, “áp lực chống Trung Quốc từ dưới lên, đối với các nhà lãnh đạo khu vực, sẽ chỉ tăng lên nếu Bắc Kinh tiếp tục cách cư xử hiện nay của họ”. 

Thứ hai, nó báo hiệu sự đối kháng ngày càng tăng của ASEAN đối với bất kỳ hiệp ước nào, nếu nó làm suy yếu lợi ích chiến lược và quyền chủ quyền của các nước láng giềng. Điều này là thích hợp khi xem xét các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Trung Quốc-ASEAN ở Biển Đông, dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2021.

Cuối cùng, ông Heydarian cho rằng người ta có thể sẽ thấy sự hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn, mặc dù ‘bí mật’, giữa các quốc gia ASEAN cốt lõi với các cường quốc bên ngoài quan trọng như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Mỹ và các cường quốc có cùng chí hướng đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân chung, chia sẻ thông tin tình báo và viện trợ quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Indonesia, vốn đang nhanh chóng phát triển khả năng an ninh hàng hải của riêng họ. Dưới sự lãnh đạo của của Thủ tướng Mahathir, ASEAN sẽ khẳng định tính trung tâm và tự chủ khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang nhận ra rằng họ không thể đơn giản mua sự im lặng và sự phục tùng của các nước láng giềng thông qua các khoản đầu tư kinh tế.  Chủ nghĩa bành trướng hàng hải không suy giảm của họ, đã gia tăng sự đối kháng, đẩy [các nước ASEAN] vào vòng tay của các cường quốc bên ngoài, những nước muốn kiềm chế bản năng tồi tệ nhất của Bắc Kinh”, ông Heydarian kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới