Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNước Mekong thấp kỷ lục: Cùng TQ tìm nguyên nhân

Nước Mekong thấp kỷ lục: Cùng TQ tìm nguyên nhân

Ủy hội sông Mekong đang hợp tác cùng Trung Quốc nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân khiến mực nước Mekong thấp kỷ lục trong năm 2019.

Thông tin trên được TS An Pich Hatda, CEO Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết bên lề Diễn đàn khu vực của các bên liên quan lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 5/2 và 6/2 tại Luang Prabang (Lào), VnExpress thông tin.

Nhắc đến Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa MRC và Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương (LMC) của Trung Quốc ký vào tháng 12/2019, ông Hatda cho rằng cơ chế này sẽ giúp hai bên tăng cường hành động, thay vì tập trung vào thảo luận.

Ông Kol Vathana, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia sông Mekong Campuchia, cho rằng vào mùa khô, khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc các đập thuỷ điện trên thượng nguồn trữ nước làm tăng hạn hán ở hạ lưu. Các đập thuỷ điện ở Mekong còn làm giảm lượng cá và phù sa dành cho nông nghiệp của Campuchia.

Ông Vathana cho biết Campuchia rất quan ngại về các tác động này với nền kinh tế nên đang nỗ lực thực hiện tham vấn với các nước trong khu vực về tình trạng hạn hán, từ đó tìm cách giảm thiểu tác hại.

Campuchia cũng nỗ lực cùng các nước thành viên khác của MRC là Việt Nam, Thái Lan, Lào tăng hợp tác về chia sẻ thông tin với Trung Quốc, nhất là về việc xả nước từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn Mekong. “Chúng tôi hợp tác trong MRC để đưa ra một thông điệp chung, không phải là một nước riêng lẻ”, ông Vathana nói.

Báo cáo của MRC vào giữa tháng 7/2019 cho thấy mực nước sông Mekong xuống thấp nhất trong lịch sử. Tại Chiang Saen, phía bắc Thái Lan, mực nước sông thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua. Tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, người dân phải đối diện với đợt hạn hán nghiêm trọng vào tháng 6/2019. Đến tháng 12/2019, MRC nhận định một số đoạn sông Mekong chuyển màu xanh lục lam do mực nước xuống quá thấp.

Các nhà nghiên cứu của MRC cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến nước sông giảm là lượng mưa thấp trong khu vực, tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường và do dòng chảy yếu từ thượng nguồn phía Trung Quốc.

Cuối tháng 12/2019, Trung Quốc thông báo đập thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam giảm lưu lượng xả nước trong đầu tháng 1/2020 để “bảo trì lưới điện”. Khi đó, Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan (ONWR) cảnh báo mực nước sông Mekong qua một số tỉnh của nước này giảm.

Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia, việc tích nước của đập Cảnh Hồng diễn ra vào đúng thời điểm hạn hán đang hoành hành ở khu vực hạ lưu sông Mekong. Điều này sẽ khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong năm 2020 – được dự báo là rất nghiêm trọng sẽ càng gay gắt hơn.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khi đó đã đưa ra dự báo nguồn nước cho 3 khu vực của ĐBSCL như sau: đối với vùng thượng của ĐBSCL bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ, thì đầu nước thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, thì đề phòng mặn xâm nhập sâu như đợt tháng 12/2019 vừa qua; các địa phương cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và tích trữ nước.

Đối với vùng ven biển, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang mặn lịch sử có thể xảy ra nên cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt; chủ động các biện pháp trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng, từ ngày 22 đến 28/1/2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới