Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCác nước đang ngày càng đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu...

Các nước đang ngày càng đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Biển Đông là một trong những vùng biển được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ và khí đột lớn trên thế giới. Để khai thác nguồn tài nguyên trên, nhiều nước trong khu vực đã đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.

Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông

Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng, con số này vượt xa so với những dự đoán trước đây và và thậm chí còn nhiều hơn các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cũng nhận định trữ lượng dầu mỏ tiềm năng ở Biển Đông vào khoảng 2,5 tỷ thùng dầu. Theo CIA World Factlook, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông ít hơn so với trữ lượng 14,8 tỷ thùng dầu đã được chứng minh của Trung Quốc và bằng khoảng một nửa trữ lượng dầu đã được chứng minh của Mỹ (20,6 tỷ thùng). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên chưa được khám phá.

Theo EIA, khu vực này bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá và san hô, phần lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, khu vực quanh quần đảo Trường Sa hầu như chưa được kiểm chứng là có dầu và hầu hết các nguồn tài nguyên hydrocarbon được dự đoán nằm ở Bãi Cỏ Rong ở cuối phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa. Vùng đất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện không có phát hiện dầu khí nào đáng kể và dự báo tiềm năng cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, EIA nhận định việc khai thác nguồn tài nguyên giàu có này của Biển Đông sẽ rất khó khăn bởi các nhà khai thác sẽ phải xây dựng đường ống dưới biển rất tốn kém để dẫn khí vào bờ. Những thung lũng ngầm và các dòng chảy mạnh cũng gây ra những thách thức địa chất ghê gớm với việc khoan và đặt các cơ sở khai thác, chưa kể sức tàn phá kinh khủng của các cơn bão nhiệt đới nơi đây.

Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) là tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có hoạt động mạnh nhất trong khu vực Biển Đông và tập đoàn này đang hợp tác với Husky ở mỏ khí Liwan (Liwan gas field) với trữ lượng đã được xác định và tiềm năng vào khoảng 4-6 tỷ feet khối. Thêm vào đó, CNOOC sẽ khoan khoảng 140 giếng thăm dò, thu thập xấp xỉ 15.400km (9.571 dặm) dữ liệu địa chấn 2D và 24.800 km2 (9.575 dặm2) dữ liệu địa chấn 3D và sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động thăm dò nước sâu. Tổng đầu tư cho các hoạt động là khoảng hơn 20 tỷ USD.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều hoạt động phi pháp trong khu vực, cụ thể: Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động đơn phương, ngăn chặn các nước ven Biển Đông thăm dò, khai thác dầu khí. Trung Quốc thường cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía Tây. Không những vậy, Trung Quốc cũng đơn phương kêu gọi, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở trong vùng biển của Việt Nam. Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Năm 2014, CNOCC loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn nước ngoài dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông, tổng diện tích của khu vực này là 126.000 km2. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2016, CNOOC tiếp tục ra thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2017, CNOOC lại mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km2, bao gồm vùng biển của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn lợi dụng sức ảnh hưởng và tiềm lực kinh tế, quốc phòng để tìm cách ngăn chặn các nước ven Biển Đông hợp tác thăm dò, khai thác dầu khi với nước ngoài. Trung Quốc (7/2014) chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines đã gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dùng ảnh hưởng và sức mạnh của mình để gây sức ép khiến PetroVietnam buộc phải dừng khoan thăm dò với các đối tác nước ngoài ở các lô 07.03 và 136.03 hồi tháng 3/2018 và 7/2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhiều lần ngang ngược tuyên bố: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”; tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận. Tuy nhiên, bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipines đều có kế hoạch xúc tiến các dự án thăm dò khí đốt hợp tác với các công ty nước ngoài. Trong đó có nhiều đối tác đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Tây Ban Nha…

Việt Nam gia tăng các hoạt động khai thác hợp pháp trên Biển Đông

Hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã được triển khai từ rất sớm (năm 1961), chủ yếu được thực hiện với sự giúp đỡ của Liên Xô tại phía Bắc. Sau khi Việt Nam có chính sách đổi mới năm 1986 và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ. Cấu trúc địa chất và triển vọng dầu khí tại một số khu vực trên đất liền (miền võng Hà Nội, Đồng bằng Sông Cửu Long) và các bể trầm tích ngoài khơi từ Bắc đến Nam như bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, Tư Chính Vũng Mây, Trường Sa và Hoàng Sa đã từng bước được nghiên cứu và đánh giá ở các mức độ chi tiết khác nhau. Ngoài Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập từ năm 1981 (từ năm 1993, Liên bang Nga tiếp nhận quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trong liên doanh) để tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tại lô 09-1. Tính đến thời điểm Quý I/2017, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, PVN đã ký kết 106 Hợp đồng dầu khí với các công ty trong và ngoài nước, trong đó có 62 hợp đồng dầu khí còn hiệu lực, 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh và 51 hợp đồng chi sản phẩm với tổng số gần 40 nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đang tham gia các hợp đồng. Trong tổng số 62 hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực, có 18 hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác, 7 hợp đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển và phát triển, 37 hợp đồng đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Trong giai đoạn đầu, hoạt động tìm kiếm thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam chủ yếu do các công ty dầu khí nước ngoài thực hiện và PVN chỉ chính thức góp vốn đầu tư khi có phát hiện thương mại. Đối với các dự án có tiềm năng cao, PVN lấy quyền tham gia nhiều hơn và thành lập các công ty điều hành chung (JOC), trong đó các vị trí chủ chốt đều do người Việt Nam đảm nhận. Đến nay, trong tổng số 57 hợp đồng, dự án mà Tập đoàn đã tham gia ở trong nước, PVN điều hành trực tiếp tại 2 dự án (dự án Hải Thạch – Mộc Tinh, Lô B 48/95&52/97) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) trực tiếp điều hành tại 14 dự án và tham gia điều hành chung tại 9 dự án.

Ngoài các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước, từ năm 2003, PVN chính thức đầu tư góp vốn tham gia các dự án ở nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn đang tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò, thẩm lượng và phát triển, khai thác dầu khí ở nước ngoài với các hình thức đầu tư khác nhau như: tự điều hành, điều hành chung và tham gia góp vốn. Tính đến 31/12/2015, PVN/PVEP đã tham gia vào 29 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài trong đó có 20 dự án đang còn hiệu lực (14 dự án đang thăm dò, thẩm lượng và 6 dự án đang phát triển, khai thác). Việt Nam bắt đầu khai thác dầu thô từ năm 1986 (mỏ Bạch Hổ ở thềm lục địa phía Nam). Tính đến thời điểm 31/12/2016 toàn ngành Dầu khí đã khai thác được 370,33 triệu tấn dầu/condensaste (trong đó, Xí Nghiệp Liên doanh Vietsopetro có sản lượng khai thác dầu thô của đạt trên 223 triệu tấn). Sản lượng khai thác dầu/condensate đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 sau đó bắt đầu suy giảm. Ngoài mỏ Bạch Hổ, một số mỏ khác như: Ruby, Sư Tử Đen, Rạng Đông là các nguồn cung dầu thô chính tuy nhiên đến nay cũng đều suy giảm sản lượng, một số mỏ được đưa vào khai thác từ sau 2010 có mức sản lượng khá nhỏ. Năm 2016, sản lượng khai thác dầu condensast ở trong nước đạt mức 15,2 triệu tấn. Việc giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp từ cuối năm 2014 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam ở cả trong nước và ngoài nước. Một số mỏ ở trong nước có mức sản lượng nhỏ như Đại Hùng, Sông Đốc, Thăng Long – Đông Đô, Hải Sư Đen – Hải Sư Trắng, Nam Rồng – Đồi Mồi… hiện đang phải duy trì hoạt động khai thác ở dưới mức hòa vốn. Các mỏ đang khai thác ở nước ngoài như lô 433a-416a Algeria, PM 304 (Malaysia) có mức sản lượng thấp hơn so với kỳ vọng, công tác phát triển mỏ tại các lô 67- Peru, Junin 2- Venezuela gặp nhiều khó khăn do giá dầu suy giảm sâu, biến động bất lợi của môi trường đầu tư và rủi ro địa chất ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế dự án.

Trong số các mỏ dầu khí đang thăm dò, khai thác, Việt Nam có một số mỏ có trữ lượng lớn như: (1) Mỏ Bạch Hổ tại bể Cửu Long, ở lô 09-1; mỏ này hiện do Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (VietsovPetro) điều hành. (2) Cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu thuộc bể Cửu Long, ở lô 15-1, do Công ty Điều hành chung Cửu Long quản lý. (3) Mỏ Tê Giác Trắng, tại bể Cửu Long, lô 16-1, do Công ty Điều hành chung Hoàng Long quản lý. (4) Mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, bể Nam Côn Sơn, lô 06-1, do Công ty Dầu khí Rosneft quản lý. (5) Bể Nam Côn Sơn, lô 11-2, do Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC) quản lý. (6) Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, thuộc bể Nam Côn Sơn, lô 05-2 & 05-3, do Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông quản lý.

Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ

Đối với Indonesia, việc các mỏ trong nước như Duri và Minas đang dần cạn kiệt, tập đoàn dầu khí PT Pertamina của Indonesia đang hy vọng gia tăng sản lượng dựa vào những hợp đồng mới ở Biển Đông. Những hợp đồng đó bao gồm lô D-Alpha của Natuna và các lô trong bể Nam Côn Sơn của Việt Nam. Đối với Philippines, bể Palawan là nguồn chính cho nhu cầu khí nội địa của Philippin. Dàn khoan Malampaya hoạt động trong khu vực này được điều hành bởi Shell trong một hợp tác với Chevron và Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Philippin. Đối với Thái Lan, mỏ dầu lớn nhất của Thái Lan là mỏ Benjamas của Chevron ở phía Bắc của bể Pattani. Đồng thời, bể này cũng là nơi có sản lượng khí lớn nhất của Thái Lan tại Bongkot cùng với Tập đoàn BG. Singapore cũng đặt mục tiêu tham gia vào Biển Đông và đã nhận được quyền thăm dò các lô ở Vịnh Thái Lan, bể Cửa Sông Châu Giang (Pearl River Mouth) và ngoài khơi Indonesia. Mỏ dầu khí lớn nhất của Brunei là mỏ Champion, trong khi đó, mỏ Tây Nam Ampa đóng góp phần lớn tổng sản lượng khí của nước này.

Trong khi đó, Ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1. Đến năm 2006, công ty này được quyền thăm dò các Lô 127 và 128. Sau đó, Ấn Độ rút ra khỏi Lô 127 ở ngoài khơi Phú Khánh vì không tìm thấy dầu khí. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Trước đó, vào năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo phi lý OVL rằng, “các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. ONGC từng tiết lộ dù bị Trung Quốc gây sức ép, song vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam là do không có tàu lớn ra vào lô 127 và 128 mà Ấn Độ đang khai thác trong một thời gian dài; Tòa quốc tế ra phán quyết Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc. Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại Lô 128 khơi miền Trung Việt Nam do họ nắm 100% quyền điều hành. Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của OVL, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.

Nhìn chung, cùng với việc nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt đang ngày càng khan hiếm, đã tác động trực tiếp đến tiến trình phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Do đó, những nước này đang ngày càng đẩy mạnh quá trình thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước ven Biển Đông, tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam là không thể chấp nhận được. Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ các quy định liên quan và chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới