Tuesday, January 21, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á : Hải...

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á : Hải cảnh TQ quấy rối trên Biển Đông

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố báo cáo cho biết, các tàu hải cảnh Trung Quốc tháng trước và đầu tháng này đã hoạt động trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của 3 nước Đông Nam Á.

Theo báo cáo của AMTI, Trung Quốc hiện đang tận dụng các căn cứ nước này xây dựng phi pháp tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình, tiến vào sâu hơn trong vùng biển của các nước Indonesia, Malaysia và Brunei. Trước đó, Trung Quốc cũng có hành vi tương tự khi hoạt động phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam. Cụ thể, trong một vài tuần bắt đầu từ cuối tháng 12 năm ngoái, các tàu hải cảnh Trung Quốc, xuất phát từ 3 cơ sở nhân tạo lớn mà nước này xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập (đều thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam) hộ tống một nhóm tàu đánh cá Trung Quốc ở trong vùng biển của quần đảo Natuna, Indonesia. Các tàu đánh cá này được cho là thuộc lực lượng dân quân trên biển Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, nhằm hỗ trợ lực lượng chấp pháp của nước này. AMTI cũng ghi lại hải trình của 4 tàu hải cảnh, mặc dù các tàu này thường xuyên tắt tín hiệu định vị. Các tàu này tiến hành các cuộc tuần tra trong vùng biển của Malaysia và Brunei trước khi tiến vào EEZ của Indonesia. Các tàu CCG này bao gồm các tàu tuần tra Zhaolai với các tàu có số hiệu 5403, 5202, 5302 và CMS 2169. Một tàu hải cảnh khác, lớp Shucha II có số hiệu 5302 xuất phát từ đá Vành Khăn, đã gia nhập cùng các tàu hải cảnh khác khi ở trong EEZ của Malaysia vào đầu tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, CCG 5202 sau đó đã rời khỏi nhóm và đi về phía căn cứ trên đá Chữ Thập, có lẽ là để tiếp tế. Sau đó, các tàu Trung Quốc số hiệu 5202, 5402, 5302 và 2169 bắt đầu rút về vào 11/1 và về đến Hải Nam ngày 16/1. Tàu CCG 46303, tham gia vào hoạt động một tuần trước đó, vẫn ở tại vị trí và có nhiệm vụ tuần tra ở bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, AMTI báo cáo.

AMTI nhận định hành vi trên của Trung Quốc thể hiện quy luật chung của các hoạt động gần đây của hải cảnh Trung Quốc. Các cơ sở do nước này cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hỗ trợ cho các hoạt động trên biển triển khai trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng của Trung Quốc, đến những điểm xa nhất thuộc cái gọi là yêu sách Đường 9 đoạn mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố. Tuy nhiên, trong khi Malaysia và Brunei tiếp tục im lặng trước các hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc trong EEZ của mình, Indonesia lại công khai thách thức hoạt động trên biển của Trung Quốc.

Đáng chú ý, theo AMTI, sự hiện diện của nhóm tàu của Trung Quốc trong vùng biển của Indonesia, Malaysia và Brunei sẽ có tác động kéo dài và đặc biệt nâng cao nhận thức trong giới chức lãnh đạo quân đội và chính trị Indonesia về tranh chấp ở Biển Đông. Các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc, một lần nữa, cho thấy rằng các căn cứ nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng đã tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động trên biển lớn hơn và dài ngày hơn của Trung Quốc. So với việc các tàu hải cảnh Trung Quốc từng nhiều lần hộ tống các nhóm tàu đánh cá xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, thì hành động tương tự trong vùng Đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng là một mức độ gây hấn mới. Diễn biến mới nhất này là bằng chứng cho thấy ngay cả các quốc gia có xu hướng hạ thấp các tranh chấp hàng hải trong khu vực để ưu tiên các mối quan hệ tích cực cũng phải chịu sự ép buộc và đe dọa từ Trung Quốc.

Trong hội thảo dự báo tình hình an ninh châu Á năm 2020 của CSIS tại Mỹ mới đây, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ hành động cưỡng ép. Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình AMTI, dự đoán Trung Quốc sẽ tăng cường điều động lực lượng cảnh sát biển kết hợp dân quân biển đội lốt ngư dân để bắt nạt các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Trong khi đó, tờ Japan Times (Nhật Bản) cho rằng vai trò mới của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc góp phần làm phức tạp hóa các tranh chấp. Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực cho Hải cảnh Trung Quốc nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực. Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc lại tìm cách biện minh cho các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc. Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Hải cảnh Trung Quốc chỉ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu.

Được biết, để né tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Nhật Bản và một số nước ven Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi hình tượng” của lực lượng Hải cảnh. Với việc Trung Quốc đưa tàu Hải cảnh 5204 tới thăm Philippines và tham gia diễn tập tìm kiếm cứu hộ tại trụ sở của Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) nhằm giúp làm dịu bớt hình ảnh của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là một lực lượng mang tính cưỡng ép. Bắc Kinh cũng hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một hình mẫu thể hiện rằng các lực lượng hải cảnh có thể hợp tác dù có bất đồng, với hy vọng rằng các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á có thể có những trao đổi tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới