Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Lão tướng" già và bức thỉnh chiến thư: Người đứng đằng sau...

“Lão tướng” già và bức thỉnh chiến thư: Người đứng đằng sau Hỏa Thần Sơn thần tốc của TQ là ai?

Kiến trúc sư nổi tiếng TQ Hoàng Tích Cầu gửi lên tổ chức đảng ủy địa phương một bức thỉnh chiến thư, yêu cầu được tham gia công tác chống dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới.

Vào ngày 27/1/2020, tức mùng 3 Tết Nguyên đán, Tiến sĩ Hoàng Tích Cầu 79 tuổi từ sáng sớm đã đến văn phòng ở đường vành đai ba – phía Tây Bắc Kinh, bắt đầu ngày làm việc mới. Trái ngược với sự vắng vẻ của đường vành đai ba, phòng làm việc của ông lại vô cùng náo nhiệt, trên mặt sàn, mặt bàn, ghế sofa, hàng xấp bản vẽ và tài liệu nằm la liệt ở khắp mọi nơi. Thỉnh thoảng có người đến xin ý kiến và thảo luận về công việc. Trong dịp Tết, khi nhiều người coi dịch bệnh là nguy hiểm thì ông và rất nhiều đồng nghiệp lại trở thành những “người ngược đường”.

Tết Nguyên đán của ông bắt đầu từ một bức thỉnh chiến thư……

Một bức thỉnh chiến thư

“Xét theo ba điểm sau: Tôi là đảng viên; so với các đồng nghiệp trẻ tuổi khác, trong nhà ít điều phải bận tâm; có kinh nghiệm thực tế với bệnh viện Tiểu Sương Sơn đợt dịch SARS. Tôi xin bày tỏ với tổ chức rằng, bất cứ lúc nào cũng đều sẽ nghe theo sự hiệu triệu của tổ chức, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tham gia công tác chống lại [dịch bệnh]”.

Đây là một lá thư yêu cầu tham gia công tác chống lại dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới được ông Hoàng Tích Cầu gửi cho lãnh đạo. Ông là kiến trúc sư trưởng hàng đầu về thiết kế bệnh viện thuộc Công ty TNHH công trình quốc tế Trung Nguyên Trung Quốc (gọi tắt là Trung Nguyên Trung Quốc), trực thuộc Công ty TNHH tập đoàn công nghiệp cơ khí Trung Quốc (SONIMACH). Ông cũng là một chuyên gia thiết kế khảo sát nổi tiếng Trung Quốc và là hình mẫu tinh thần của SINOMACH.

Ông còn có một thân phận nổi tiếng hơn, là kiến trúc sư của Bệnh viện Tiểu Sương Sơn Bắc Kinh. Cách đây 17 năm, ông đã lãnh đạo đội xây dựng bệnh viện của Trung Nguyên Trung Quốc hoàn thành nhiệm vụ thiết kế và xây dựng bệnh viện Tiểu Sương Sơn trong 7 ngày 7 đêm. Giờ đây, đối mặt với dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới, “lão tướng” này lại chủ động yêu cầu, tiếp tục ra trận.

Vào ngày 23/1 tức 29 Tết, sau khi nhận được thư xin giúp đỡ của Cục Xây dựng Nông thôn và Đô thị Vũ Hán về hỗ trợ xây dựng một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân viêm phổi do virus corona mới, ông Hoàng Tích Cầu đã ngay lập tức chủ trì một cuộc họp phối hợp để hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Một tiếng sau, bản vẽ bệnh viện Tiểu Sương Sơn sửa đổi được gửi đi.

Trở về nhà tối hôm đó, ông tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu và liệt kê một số ý kiến ​​bổ sung. Ngày thứ hai, tức 30 Tết, ông vội vàng đến công ty từ sớm và gửi ý kiến ​​bổ sung tới Vũ Hán. Sau đó, được sự ủy thác của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông trở thành kiến trúc sư trưởng phụ trách kỹ thuật và lãnh đạo nhóm công tác bắt tay chỉ đạo thiết kế xây dựng bệnh viện dã chiến.

Bận rộn từ năm cũ sang năm mới, ông không hề biết rằng, bức thỉnh chiến thư của mình đang rất nổi tiếng trên mạng xã hội weibo.

Người dùng mạng Trung Quốc đã để lại nhiều bình luận tán dương ông như: “Cảm ơn ông vì sự cống hiến vô hạn” hay “Lần đầu tiên cảm thấy nghề thiết kế đã đạt được một trình độ và mức độ nhất định, thực sự là một công việc rất có ý nghĩa và giá trị”…

Trước những lời khen ngợi, ông Hoàng Tích Cầu chỉ cười nói rằng: “Đây là một điều rất bình thường. Chúng tôi vẫn ở hậu phương, còn nhiều người đang ở tiền tuyến, vất vả hơn chúng tôi nhiều. Đội ngũ y tế mới là những người vĩ đại, không dễ dàng gì”.

Lão tướng già và bức thỉnh chiến thư: Người đứng đằng sau Hỏa Thần Sơn thần tốc của Trung Quốc là ai? - Ảnh 2.
Bức thỉnh chiến thư của kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu. Ảnh: Báo Tân Kinh

Từ Tiểu Sương Sơn đến Hỏa Thần Sơn

“Tôi không ngờ rằng bản vẽ của Bệnh viện Tiểu Sương Sơn lại có thể được tái sử dụng, mặc dù chúng tôi không muốn điều này”, ông Hoàng Tích Cầu nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Tân Kinh ngày 24/1.

Chiến dịch 17 năm về trước vẫn còn hiện hữu ngay trước mắt. Lấy ra những bản vẽ của năm đó, Tiến sĩ Hoàng Tích Cầu thuộc như lòng bàn tay. Ví dụ, tuân thủ phân luồng làm sạch, thực hiện phân vùng nghiêm ngặt, giảm lây nhiễm chéo, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở mức độ lớn nhất. Thực tế đã chứng minh, đây là một thành công. Nhưng có những hối tiếc. Ví dụ, nơi khử trùng xe cứu thương phải được đóng kín, ký túc xá của các y bác sĩ quá gần nhau. Đối với những thiếu sót này, nhóm thiết kế của ông Hoàng Tích Cầu đã thông báo chi tiết cho phía Vũ Hán và đưa ra những đề xuất dựa trên các điều kiện địa phương, chẳng hạn như Vũ Hán mưa nhiều cần xây dựng nhiều lán che ở lối đi cho các bệnh nhân.

“Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn của Vũ Hán là cơ sở để đối phó với dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới, giống với Bệnh viện Tiểu Sương Sơn của Bắc Kinh, áp dụng các khái niệm thiết kế và giải pháp kỹ thuật tương đồng nhưng lại khác biệt về điều kiện khí hậu và khu vực địa lý cụ thể. Chúng tôi đã kịp thời đưa ra đề xuất đối với đơn vị thiết kế, xây dựng của địa phương và họ đưa ra quyết định dựa trên điều kiện thực tế”, ông nói.

“Theo dõi báo cáo, công trường xây dựng được chiếu sáng rực rỡ vào ban đêm, tập trung nhiều phương tiện thiết bị xây dựng, lắp đặt nhiều camera để giám sát toàn bộ quá trình. Cảnh tượng này rất khác với 17 năm về trước – khi điện thoại thông minh chưa ra đời”, ông vừa nói vừa liên tục theo dõi quá trình xây dựng Hỏa Thần Sơn.

Đồng nghiệp cũng là hậu bối của Tiến sĩ Hoàng Tích Cầu nhận xét, ông là người rất dễ gần và nghiêm túc, tận tâm vì công việc. Trong quá trình xây dựng Bệnh viện Tiểu Sương Sơn, do điều kiện hạn chế, một số người khuyên ông không nên cố gắng phân luồng ô nhiễm, đừng quá tích cực và bảo thủ. Nhưng ông vẫn quyết tâm.

 “Đây là yêu cầu của bệnh viện dã chiến, là yêu cầu điều trị cho bệnh nhân. Giải pháp kỹ thuật là để giải quyết những vấn đề như vậy. Chỉ cần sai một chi tiết, việc xây dựng bệnh viện hoàn toàn vô dụng”, ông nói. “Về chức trách nghề nghiệp, nếu không kiên trì thì chính là chưa đủ trách nhiệm, gây thêm hỗn loạn, lãng phí tài nguyên, tạo ra những sản phẩm vô trách nhiệm. Cho dù từ quan điểm nào, đều là điều không nên”.

Sau khi kết thúc SARS, ông không ngừng nghiên cứu và thực hành thiết kế các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm. Sau nhiều năm tích lũy, ông đã chủ trì biên soạn cuốn “Quy tắc thiết kế kiến trúc cho các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm” theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

Trong xây dựng Hỏa Thần Sơn, Tiến sĩ Hoàng Tích Cầu chịu trách nhiệm quản lý kiểm soát công nghệ cốt lõi. Trong mắt của đồng nghiệp, điều này xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về cơ chế của bệnh viện. Ông có thể đưa ra những ý kiến quan trọng ở tầm vĩ mô.

Trong những năm qua, ông đã nỗ lực thúc đẩy sự hoàn hảo của thiết kế các cơ sở y tế. Ông tập trung vào việc cải tiến quy trình để đảm bảo rằng “bệnh nhân khám bệnh không đi vào đường thiệt thòi và nhân viên y tế ít phải làm các công việc vô dụng”. Ông cũng lo ngại về mức tiêu thụ năng lượng của các bệnh viện, nơi sử dụng nhiều năng lượng nhất trong các kiến trúc công cộng. Ngay cả các bệnh viện dã chiến cũng phải xem xét yếu tố xanh trong thiết kế và xây dựng để tiết kiệm nguồn nước và nguyên liệu, để đạt được sự thân thiện với môi trường và an toàn sinh học.

“Mọi người đều bị thuyết phục bởi kỹ thuật của Tiến sĩ Hoàng Tích Cầu”, một đồng nghiệp của ông chia sẻ.

Nỗi hổ thẹn trong Tết Nguyên đán

Hoàng Tích Cầu sinh ra trong một gia đình Hoa kiều ở Indonesia. Năm 16 tuổi, ông trở về Trung Quốc và thi đỗ vào khoa Kiến trúc, Học viện Công nghệ Nam Kinh (nay là Đại học Đông Nam) năm 18 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đầu quân cho Trung Nguyên Trung Quốc đến bây giờ.

Năm 1984, kiến trúc sư Trung Quốc khi đó đã 43 tuổi, được cử đi học tại Đại học KU Leuven, Bỉ trong hai năm.

Tại đây, ông Hoàng Tích Cầu chọn hướng kiến ​​trúc y tế và trở thành tiến sĩ du học đầu tiên của Trung Quốc về kiến trúc bệnh viện.

Ông đã kết hợp các lí luận thiết kế và công nghệ thiết kế tiến tiến của nước ngoài với tình hình thực tế của Trung Quốc, đi đầu trong việc đề xuất một khái niệm thiết kế tối ưu hóa cho kỹ thuật xây dựng bệnh viện, mở ra một kỷ nguyên mới của các bệnh viện hiện đại ở Trung Quốc và được ca ngợi là nhà tiên phong của thiết kế kiến ​​trúc bệnh viện Trung Quốc.

Từ chàng thanh niên trẻ đến người đàn ông trung niên và bây giờ là một ông già tóc bạc, kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu luôn tâm niệm đưa những lí luận tiên tiến nước ngoài vào trong lĩnh vực kiến trúc bệnh viện ở Trung Quốc, xây dựng bệnh viện hiện đại cho người Trung Quốc và cải thiện môi trường y tế cho người Trung Quốc.

Vào ngày 27/1, Viện nghiên cứu và thiết kế kiến trúc Trung Tín, đơn vị thiết kế Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, đã gửi thư cảm ơn tới Trung Nguyên Trung Quốc.

Bức thư nói rằng nhóm chuyên gia kỹ thuật do kiến trúc sư trưởng Hoàng Tích Cầu dẫn đầu đã tích cực cung cấp cho họ nhiều ý kiến ​​và đề xuất mang tính xây dựng về việc lựa chọn địa điểm, bố trí, xây dựng và xử lý nước thải của bệnh viện, giúp họ giải quyết nhanh chóng nhiều vấn đề nhức nhối, phát huy vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình thuận lợi của công việc thiết kế và xây dựng bệnh viện.

Trong dịp Tết Nguyên đán bận rộn, điều duy nhất khiến ông Hoàng Tích Cầu cảm thấy hổ thẹn chính là để người bạn đời đón tết một mình. “Sau khi nghỉ hưu, tôi cũng muốn cùng vợ tôi đi thăm thú bên ngoài, nhưng bây giờ còn rất nhiều nhiệm vụ y tế, tôi thường đi công tác, năm ngoái tôi còn đi đến tận Cộng hòa Rwanda (châu Phi). Lại đến đợt dịch bệnh này, tôi không thể không đi. Vợ tôi rất hiểu tôi nên [khích lệ] tôi công tác, [dặn dò] tôi giữ gìn sức khỏe”, ông nói.

Ông còn tiết lộ, ông sẽ hoàn thành một cuốn sách – vốn muốn soạn từ sớm – sau khi kết thục nhiệm vụ quan trọng đợt này.

RELATED ARTICLES

Tin mới