Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBảo vệ lợi ích quốc gia, nhìn từ Biển Đông đầu xuân...

Bảo vệ lợi ích quốc gia, nhìn từ Biển Đông đầu xuân canh Tý

Bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều thấm nhuần chân lý, “độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ” là lợi ích quốc gia tối thượng và thiêng liêng. Đây cũng là nội dung bất biến và cơ bản nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai, là nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ở đây cần lưu ý, khi nói về lãnh thổ Việt Nam, cần hiểu đó không chỉ là trên đất liền, mà còn có cả Biển Đông. Nói cách khác, Biển Đông luôn gắn liền với lợi ích quốc gia của Việt Nam. Bởi những lẽ sau:

Thứ nhất, Biển Đông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Xuất phát bởi những kiến tạo địa chất hàng triệu năm trước để lại, vùng biển nửa kín với diện tích khoảng 3,5 triệu km2 này đang lưu giữ nguồn tài nguyên to lớn cho Việt Nam cũng như các quốc gia xung quanh nó.

Thứ hai, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh – quốc phòng của Việt Nam. Hệ thống quần đảo cùng với đất liền ven biển hình thành thế bố trí chiến lược kết hợp trên bờ, dưới nước, tạo điều kiện cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát làm chủ vùng biển. Với những đặc điểm về địa hình, địa thế và thủy triều, vùng biển Việt Nam đã chi phối và ảnh hưởng hết sức chặt chẽ, có ý nghĩa sống còn đối với nền an ninh – quốc phòng trong phạm vi toàn quốc cũng như đối với từng khu vực, địa phương trong cả nước. Do đó, bảo vệ vùng biển thuộc Việt Nam là mục tiêu thiết yếu trong việc duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhiều công trình nghiên cứu đã đánh giá, vùng biển của Việt Nam được coi như “mặt tiền” sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn để bảo vệ đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận, có tới 2/3 cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công xâm lược Việt Nam nhưng đều bị thất bại.

Với những lẽ trên, Biển Đông luôn gắn liền với lợi ích quốc gia, vì vậy đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Trong bối cảnh mới, cuộc đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông thiết nghĩ cần tiếp tục tập trung và làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần thống nhất phương châm hành động “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định nguyên tắc chiến lược, nhưng phải linh hoạt về sách lược trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất di bất dịch, không thể để bị xâm phạm, không thể đánh đổi và không thể nhân nhượng. Các biện pháp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo phải được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết vì chúng ta có chính nghĩa, song cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững hòa bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu tối thượng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân Việt Nam, cho nên phải phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, có phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng lực lượng.

Hai là, sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm và có sự kết hợp chặt chẽ tất cả các mặt trận, các lĩnh vực hoạt động: quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý… Trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc, thế bố trí chiến lược các lực lượng có chiều sâu, liên hoàn bờ – biển – đảo, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có xung đột. Xây dựng các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, trong đó hải quân là lực lượng nòng cốt, cần tiếp tục được ưu tiên xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ có trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và tập trung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó hải quân làm nòng cốt mới có thể bảo đảm được khả năng bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên biển.

Ba là, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận trong bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Lịch sử dân tộc nhiều lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi yên ổn. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ nhòm ngó, xâm lăng. Suy ra, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”, có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo. Do đó, phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo. Củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân sẽ tạo sức mạnh vô địch, đập tan những mưu đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá nước ta; đồng thời tạo ổn định chính trị trong nước để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong bờ, ngoài biển. Và khi đó sẽ khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của nhân dân cả nước hướng về biển, đảo quê hương, chung sức đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Bốn là, phát huy sức mạnh nội tại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo sự đan xen lợi ích, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Và cũng cần xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tăng cường công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại quốc phòng với các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp ranh, chồng lấn để xây dựng lòng tin, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt căng thẳng, kịp thời phối hợp giải quyết bất đồng và các vấn đề nảy sinh trên biển. Qua đó, hình thành môi trường thuận lợi cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không để xảy ra xung đột, không để đất nước bị cô lập trong vấn đề Biển Đông, cùng các nước xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, ổn định lâu dài.

Năm là, phải có hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách về phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển; về kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh, bảo vệ biển, đảo. Sự kết hợp đó phải thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia cũng như từng vùng, từng địa bàn, từng ngành. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng các lực lượng, các mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.

Sáu là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng – an ninh; giữa khai thác và bảo vệ biển; giữa xây dựng sức mạnh khai thác biển và sức mạnh bảo vệ biển. Kinh tế biển mạnh sẽ tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng – an ninh bảo vệ biển, đảo vững chắc, toàn vẹn. Ngược lại, quốc phòng – an ninh vững mạnh mới bảo vệ được biển, đảo, tạo ra môi trường, không gian, điều kiện thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế biển bền vững. Quá trình phát triển kinh tế biển cần được kết hợp với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội biển, đảo và nâng cao đời sống nhân dân cần đi đôi với củng cố trang bị, cầu cảng, công trình phòng thủ, bố trí dân cư. Các lực lượng chuyên trách, trong đó có hải quân tích cực tham gia phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên những vùng biển, đảo xa, tiền tiêu, còn nhiều khó khăn, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong hành trình bảo vệ và khai thác biển.

Bảy là, chủ động nhạy bén, dự báo chính xác các tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi hoàn cảnh. Trước những diễn biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc, dự báo chính xác mọi động thái, ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, kiên quyết không để mất dù là một sải biển, một tấc đảo. Các lực lượng hoạt động trên biển, nòng cốt là hải quân phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, lấy nhân tố con người là quyết định, vũ khí trang bị là quan trọng; đồng thời duy trì sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình trên các vùng biển, nhất là vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường huấn luyện làm chủ và phát huy hiệu quả trang bị, nâng cao khả năng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn các hoạt động kinh tế biển. Khi có tình huống, cần tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phương châm, đối sách, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý; phát huy sức mạnh tổng hợp; kết hợp giữa đấu tranh trên thực địa với đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý; tổ chức, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng; kiên quyết, khôn khéo bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Cách đây 59 năm (1961), khi về thăm Quân chủng Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn đó luôn nhắc nhở người Việt Nam luôn ghi nhớ, trong khi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, không được một giây phút lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới