Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChớ nên coi thường “chiến tranh nhân dân” trên biển do TQ...

Chớ nên coi thường “chiến tranh nhân dân” trên biển do TQ tiến hành

Còn nhớ năm 2016, Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Theo đó, PCA đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh về “chủ quyền không thể chối cãi” đối với yêu sách “đường chín khúc”, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông. Nói cách khác, PCA đã khẳng định việc Trung Quốc chiếm đoạt những vùng biển vốn đã được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) phân định cho các nước láng giềng và biến chúng thành “ao nhà” của riêng mình là hành vi bất hợp pháp. Phán quyết trên được đa số dư luận quốc tế cho là đúng đắn và ủng hộ, nhưng Trung Quốc thì một mực phản đối và bác bỏ. Thậm chí, năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi nước này chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh nhân dân” trên biển nhằm “bảo vệ chủ quyền” mà họ tuyên bố. Ngày 23/11/2019, trang mạng The National Interest của Mỹ đã đăng bài cảnh báo, Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo chiếm được thế thượng phong trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào liên quan tới các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này trên Biển Đông.

Do những tuyên bố về chủ quyền ở các vùng biển theo “đường chín khúc” rõ ràng là một yêu sách phi pháp, vì thế Trung Quốc không thể thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ một cách hợp pháp, nên họ chỉ có thể xâm chiếm chúng một cách bất hợp pháp bằng vũ lực và sau đó củng cố những thực thể đã chiếm đoạt được bằng sự hiện diện quân sự thường xuyên tại đó. Vì vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các bên tham gia bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển không nên khinh suất trước lời kêu gọi này của Bắc Kinh. Các nước Đông Nam Á và đối tác, đồng minh bên ngoài phải nhìn nhận và xem xét nó một cách nghiêm túc, giành nhiều thời gian suy tính trước về khả năng nổ ra chiến sự ở Biển Đông.

Nói về “chiến tranh nhân dân”, đối với người Việt Nam và người Trung Quốc đều không có gì là lạ. Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc trước đây là bậc thầy về “chiến tranh nhân dân”. Còn Trung Quốc trước đây, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng sử dụng “chiến tranh nhân dân” trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, các lực lượng, trong đó Hồng quân Trung Quốc là nòng cốt đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân để giành lấy những vùng đất từ tay quân xâm lược Nhật Bản và Quốc dân đảng. Giờ đây, dường như Trung Quốc cũng nhìn nhận rằng, việc bảo vệ “chủ quyền” theo “đường chín đoạn” ở Biển Đông cũng phải được thực hiện theo cách tương tự, tức là xem Biển Đông là một chiến trường ngoài khơi mà ở đó họ phải chiến thắng các đối thủ bằng vũ lực.

Song đây là luận điểm đầu tiên về một cuộc “chiến tranh nhân dân” trên biển của Trung Quốc. Xem xét những gì Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông trong thời gian qua cho thấy, đụng độ vũ trang có nhiều khả năng sẽ xảy ra ở khu vực này. Do đó, giới lãnh đạo chính trị và quân đội các nước xung quanh Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia… và cả Mỹ cùng một số đồng minh trong khu vực không nên coi lời kêu gọi trên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ là một sự dọa nạt. Vì sao vậy?

Quả thật, hiện nay các nước khó có thể tin rằng, Trung Quốc sẽ tuân thủ phán quyết của PCA theo UNCLOS. Điều này không chỉ thể hiện ở tuyên bố của Trung Quốc rằng, họ không chấp nhận kết quả phán quyết của PCA, mà nó còn thể hiện ở sự chuẩn bị của Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua. Theo đó, Bắc Kinh đã đầu tư hào phóng cho lực lượng hải quân một lượng rất lớn về ngân sách quốc phòng để mở rộng khả năng tác chiến biển xa, đồng thời hậu thuẫn cho lực lượng này bằng hỏa lực trên bờ rất mạnh, đó là lực lượng không quân, tên lửa chiến lược. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rót vào tai dân chúng những lời đường mật về việc họ sẽ sử dụng các lực lượng trên biển để “sửa chữa những sai lầm trong lịch sử” và giành lấy ưu thế trên biển. Giờ đây, có nhiều bằng chứng cho thấy họ sẽ làm đến cùng để “bảo vệ chủ quyền” trên Biển Đông bằng nhiều biện pháp, trong đó “chiến tranh nhân dân” trên biển là một biện pháp được lựa chọn.

Dư luận quốc tế nhận xét, việc Trung Quốc khăng khăng tuyên bố vô lý về chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông trong khi vị thế nước này đang lên là điều dại dột. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần công khai bằng những lời lẽ kiên quyết và cứng rắn nhất cái mà họ gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông – “đường chín khúc”. Bằng những ngôn từ của mình, họ đã kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa, đồng thời tự buộc mình phải chịu trách nhiệm về điều đó. Họ đã khởi động một chu kỳ tai hại với những kỳ vọng đang trỗi dậy trong dân chúng. Và giờ đây, việc phá vỡ chu kỳ đó gần như là không thể. Nếu Bắc Kinh tiết chế các tuyên bố chủ quyền trên biển của họ vào lúc này, thì các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ bị chỉ trích là những kẻ yếu đuối khi từ bỏ lãnh thổ thiêng liêng mà không rửa được nỗi nhục kéo dài một thế kỷ của Trung Quốc, cho dù nước này đã trỗi dậy thành một cường quốc và để cho các luật sư và các nước láng giềng yếu kém hơn với sự hậu thuẫn của một siêu cường nào đó coi thường ý chí của một Trung Quốc lớn mạnh. Không có một nhà lãnh đạo nào muốn bị coi là yếu đuối. Điều này càng đặc biệt nguy hiểm ở Trung Quốc. Như các nhà ngoại giao nổi tiếng đã truyền dạy, các nhà đàm phán hay các nhà lãnh đạo chính trị khó có thể rút lại các cam kết công khai. Một khi đã hứa, họ buộc phải giữ lời. Nếu không, họ không những đánh mất uy tín của mình mà còn chuốc lấy tai họa.

Từ lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, có thể nhận định rằng, chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” (sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu khi cần thiết) đã và vẫn được áp dụng. Điều này được thể hiện ở việc Bắc Kinh triển khai lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng phi quân sự trên biển tới giám sát những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc “chủ quyền” của họ. Chính sách ngoại giao này coi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín khúc” là một thực tế.

Nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng, nếu như không vấp phải phản ứng và sự chống đối khá kiên quyết của các nước trong và ngoài khu vực, thì chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc – đến mức gần như độc quyền trong việc sử dụng vũ lực trong phạm vi đường biên giới được vạch ra trên bản đồ “đường chín khúc” hẳn đã trở nên vững chắc qua thời gian. Song phán quyết của PCA năm 2016 đã giáng một đòn chí mạng vào cách tiếp cận của Trung Quốc, làm sụp đổ những lập luận có vẻ hợp lý đằng sau chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” của Bắc Kinh. Phán quyết của PCA cho thấy rõ rằng, các lực lượng hàng hải của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Malaixia hay Việt Nam là những kẻ xâm lược chứ không phải lực lượng thực thi giám sát luật pháp quốc tế như Trung Quốc tuyên truyền.

Nếu không thể đạt được mục đích bằng pháp lý, thì Bắc Kinh chỉ còn cách sử dụng vũ lực quân sự. Thực tế cho thấy, trong khi các nước có chủ quyền triển khai các phương tiện thực thi pháp luật nhằm giám sát những gì thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ, thì Bắc Kinh lại triển khai các lực lượng quân sự để chiếm đoạt các vùng biển đang bị tranh chấp. Lời kêu gọi hiếu chiến trên đây của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rõ ràng là có ngụ ý, nghĩa là Bắc Kinh đã từ bỏ cách tiếp cận mềm mỏng và ngầm coi Biển Đông là “chủ quyền” hợp pháp của Trung Quốc nhưng đang bị các nước trong khu vực tranh chấp.

Với tuyên bố trên, Bắc Kinh sẽ không rút lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng thực thi pháp luật hàng hải hay các đội tàu cá – một lực lượng dân quân không chính thức – ra khỏi các vùng biển đang có tranh chấp. Họ sẽ ở lại như một phần của một hạm đội hỗn hợp của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, mặc dù không ra mặt, nhưng lực lượng Hải quân và Không quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong lực lượng hỗn hợp này.

Trong thời gian thực hiện chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ”, lực lượng hải quân được Trung Quốc đầu tư xây dựng đã ngày càng phát triển mạnh, gây ra một mối đe dọa ngầm từ xa đối với các nước trong khu vực. Các nước Philippines, Malaysia hay Việt Nam đều hiểu rằng, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ nhận được tiếp viện nếu vấp phải sự phản kháng trên Biển Đông. Với tham vọng chủ quyền theo yêu sách “đường chín khúc” ngày càng rõ ràng hơn, nhiều khả năng giới cầm đầu lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ sử dụng “cây gậy to” này (hải quân) một cách tùy tiện hơn trong tương lai, khiến cho mối đe dọa trở nên công khai và rõ ràng chứ không phải ngấm ngầm và kín đáo.

Tuy nhiên, theo phỏng đoán của một số nhà phân tích, “chiến tranh nhân dân” trên biển của Trung Quốc không hẳn sẽ “thẳng đường mà tiến”, mà nó có thể sẽ vấp phải rào cản là một liên minh hỗn hợp bao gồm trong đó các bên ngoài cuộc (Mỹ và có thể cả Nhật Bản hoặc Australia) sẽ hỗ trợ phần lớn phương tiện chiến đấu hạng nặng giúp các nước trong khu vực bảo vệ chủ quyền hợp pháp của họ. Nhưng Trung Quốc có thể vẫn chiến thắng cho dù xét về tương quan tổng thể vẫn yếu hơn Mỹ. PLA có thể thu hẹp khoảng cách hoặc đảo ngược cán cân sức mạnh trên chiến trường – áp đảo đạo quân của Mỹ ở những thời điểm và vị trí thực sự quan trọng. Điều đó có thể khiến Washington nản chí. Các nhà lãnh đạo Mỹ có thể đánh mất hy vọng trong việc duy trì nhiệm vụ này vô thời hạn. Hoặc Trung Quốc có thể cầm cự lâu hơn Mỹ bằng cách gây nhiều tổn thất chiến thuật trong một thời gian dài, và do đó đẩy phí tổn của việc duy trì quyền tự do trên biển lên mức cao hơn những gì các nhà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng gánh chịu. Nếu Mỹ rút quân về thì liên minh đó sẽ sụp đổ.

Vẫn theo các nhà phân tích, trong “chiến tranh nhân dân” trên biển, về mặt tác chiến và chiến thuật, các tư lệnh PLA có thể thực hiện điều này bằng cách tuân thủ truyền thống chiến đấu của chính họ. Ở Biển Đông, Trung Quốc dễ đoán về chính trị và chiến lược nhưng lại khó đoán về tác chiến và chiến thuật. Họ dễ đoán về chính trị và chiến lược vì trước các cử tri trong nước, các nhà lãnh đạo đất nước đã “khua môi múa mép” và tự dồn mình vào chân tường. Họ khó đoán về chiến thuật vì đó là cách thức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông vốn đang có ảnh hưởng đối với Quân đội Trung Quốc.

Quả thật, khái niệm “phòng thủ tích cực” hệ thống hóa những ý tưởng của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông về chiến tranh nhân dân vẫn là tâm điểm của chiến lược quân sự Trung Quốc hiện nay. Nói một cách đơn giản, ảo tưởng đằng sau chính sách “phòng thủ tích cực” là một Trung Quốc yếu hơn có thể dẫn dụ một đối thủ mạnh hơn vươn quá xa và mất sức trước khi họ ra đòn phản công mạnh mẽ.

Nếu cách tiếp cận theo kiểu “dựa dây” nhằm làm tiêu hao sinh lực đối thủ này, vốn gắn liền với võ sĩ quyền anh Muhammad Ali, có tác dụng trên quy mô lớn, thì các lực lượng của Trung Quốc có thể gây ra những thất bại mang tính chiến thuật làm suy yếu kẻ thù qua thời gian. Khi đó, phòng thủ tích cực liên quan tới việc khai thác các đòn tấn công chiến thuật sẽ được tiến hành để phục vụ các chiến dịch phòng thủ chiến lược.

Để theo đuổi cách tiếp cận này, các tư lệnh PLA sẽ tìm kiếm các biệt đội của đối thủ bị cô lập để tấn công ở các “tuyến bên ngoài”, sau đó bao vây và đập tan các biệt đội này. Hiệu ứng tích lũy của những thất bại chiến thuật liên tiếp sẽ làm suy yếu đối thủ hùng mạnh và có thể khiến ban lãnh đạo của họ nghi ngờ liệu những nỗ lực bỏ ra có đáng so với những khó khăn, hiểm họa và phí tổn mà nó gây ra hay không. Nếu không, lôgích giữa phí tổn/lợi ích sẽ đẩy các nhà lãnh đạo Mỹ tới nước phải rút lui và khi đó, Trung Quốc sẽ thắng thế cho dù không có được chiến thắng rõ ràng trước các lực lượng đồng minh.

Để đối phó với cuộc “chiến tranh nhân dân” trên biển của Trung Quốc, Quân đội Mỹ và đồng minh cần nghiên cứu các đặc trưng truyền thống quân sự của Trung Quốc, thu lượm kiến thức về cách thức tiến hành phòng thủ tích cực ở Biển Đông. Điều cần lưu ý là, khi Trung Quốc đã xây dựng được lực lượng dân quân trên biển khá đông, lực lượng cảnh sát biển ấn tượng, lực lượng hải quân lớn nhất châu Á và kho vũ khí đáng kể trên mặt đất có khả năng tác động tới những sự kiện diễn ra trên biển, thì Bắc Kinh sẽ pha trộn những thành phần đó để tạo ra một công cụ chiến đấu sắc bén và củng cố quyền kiểm soát lớn hơn đối với Biển Đông.

Còn một điểm đáng lưu ý nữa là: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ truyền thống của Trung Quốc, tập trung vào chiến tranh nhân dân để mô tả cách thức xử lý công việc của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, Chủ tịch Mao Trạch Đông lựa chọn chiến lược của kẻ yếu vì lợi ích nó mang lại chứ không phải vì ưa thích. Chiến lược này được vạch ra cho một Trung Quốc đang bị nội chiến và ngoại xâm tàn phá. Chiến lược này hầu như không thể làm được điều gì khác, nhưng mục tiêu của phòng thủ tích cực – tức là của chiến tranh nhân dân – là biến Hồng quân thành đối thủ mạnh hơn. Một khi các lực lượng theo tư tưởng Mao Trạch Đông đảo ngược được cán cân sức mạnh, họ sẽ tung ra một đòn phản công và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thông thường.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay không phải là Trung Quốc của thời Mao Trạch Đông nữa. Trung Quốc ngày nay đã trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, và sẽ chiến đấu trên sân nhà. PLA ngày nay có nhiều lựa chọn tấn công hơn so với Hồng quân của Mao Trạch Đông trước đây. Thay vì trở lại với chiến tranh nhân dân thuần túy theo mô hình của Mao Trạch Đông, các tư lệnh PLA có thể phối hợp giữa các đơn vị lớn, nhỏ nhằm chống lại liên minh do Mỹ dẫn dắt. Khi đó, chiến tranh nhân dân có thể bắt đầu trở nên rất giống với chiến tranh thông thường trên biển nếu Bắc Kinh cho rằng cán cân quân sự và các xu hướng đang mang lại nhiều lợi thế cho Trung Quốc.

Đương nhiên, các nhà chiến lược và nhất là các chuyên gia quân sự sẽ phải xem xét kỹ lưỡng binh pháp của Trung Quốc và đúc rút ra những gì có thể về thói quen và phản xạ của người Trung Quốc trong cách tiến hành chiến tranh để có biện pháp phòng ngừa. Song có thể nhìn nhận, kịch bản chiến tranh theo kiểu những năm 1930 -1940 sẽ không tự động tái diễn. Những thói quen và phản xạ đó có thể hiện thực hóa học thuyết của Mao Trạch Đông tại đấu trường ngoài khơi ra sao, trên cấp độ nào và một liên minh có thể vượt qua thách thức đó bằng cách nào, là câu hỏi được đặt ra đối với các bên ủng hộ trật tự trên nguyên tắc và quyền tự do trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới