Biển Đông là một trong những vùng biển có vị trí, vai trò chiến lược đối với Trung Quốc trong việc thực hiện mục tiêu phát triển và vươn ra thế giới. Vì vậy, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp, công luận quốc tế để “độc chiếm” vùng biển này.
Mục tiêu chính của Trung Quốc ở Biển Đông
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ. Không những vậy, Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Bên cạnh đó, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.
Do đó, Trung Quốc tìm mọi cách gia tăng kiểm soát vùng biển này nhằm: Thứ nhất, buộc Mỹ phải ra khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương bằng cách gây hao mòn chiến lược và chính trị hoặc đẩy Mỹ vào tình thế bị động chiến lược bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến trên tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương. Thứ hai, tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc để thu hẹp khoảng cách với ưu thế hải quân vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Thứ ba, bảo vệ và phát triển các trung tâm kinh tế nằm dọc bờ biển như Quảng Châu, Thượng Hải và vùng duyên hải Trung Quốc. Thứ tư, bảo vệ chống cướp biển và khủng bố trên biển, kiểm soát và mở rộng phạm vi kiểm soát đối với các tuyến hàng hải huyết mạch. Lợi ích này ngày càng trở nên quan trọng vì Trung Quốc có đội tàu thương mại lớn nhất thế giới, đang sử dụng các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực để kết nối Trung Quốc với thế giới. Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu để vận hành nền kinh tế, vì vậy Trung Quốc đã mua nhiều công ty và tập đoàn dầu khí ở nước ngoài và lượng dầu này chủ yếu được chở về nước trên các tuyến hàng hải và qua các eo biển, nhất là tuyến tiếp dầu từ Trung Đông và tuyến vận tải qua eo biển Malacca. Trong những năm gần đây, hải quân viễn dương của Trung Quốc tăng cường thực hiện bảo hộ hàng hải và tập trận nhằm phục vụ mục đích này, thực chất là một bộ phận trong chiến lược “phòng ngự biển xa”. Thứ năm, thực thi hiệu quả quyền chủ quyền của Trung Quốc, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc khỏi bị các nước láng giềng đánh cắp tài nguyên và đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển vì vùng thềm lục địa mở rộng, đặc quyền kinh tế và các đảo mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền được cho là có chứa nhiều tài nguyên dầu và khí. Các khoáng chất quan trọng cho phát triển kinh tế Trung Quốc và cho một số ngành kỹ thuật then chốt cũng có thể khai thác ngoài biển. Hàm lượng kinh tế biển trong tổng thể nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như cứu trợ, cứu nạn, tham gia ngày càng nhiều vào xử lý các vấn đề toàn cầu hay xuyên quốc gia như chống khủng bố, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển,… qua đó nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Về ảnh hưởng, Trung Quốc muốn cạnh tranh với ba đối thủ hàng hải tiềm tàng là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, nhất là Ấn Độ vì đa số các tuyến hàng hải quan trọng của Trung Quốc đều đi qua Ấn Độ Dương, trong khi Ấn Độ có một lực lượng hải quân rất mạnh, lại đang gia tăng hợp tác với Nhật và Mỹ. Trung Quốc lo ngại Ấn Độ muốn kiểm soát Ấn Độ Dương. Thứ bảy, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông và nâng cao khả năng thu hồi Đài loan về lâu dài, phòng ngừa sự can dự của Mỹ vào một cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan trong tương lai, tiến tới đẩy dần Mỹ ra xa. Trên thực tế, đây là chiến lược phòng ngự chủ động biển gần.
Những bước triển khai của Trung Quốc
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Trung Quốc không chỉ tiến hành các hoạt động xâm chiếm, cải tạo phi pháp các đảo, đá ở Biển Đông, mà còn tăng cường sức mạnh quân sự, sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết (bao gồm cả biện pháp quân sự) để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông, cụ thể: Thứ nhất, Trung Quốc triển khai chính sách đánh phủ đầu/chống lại/cản trở việc quốc tế hóa những tranh chấp trên Biển Đông bằng mọi giá; từng bước chia rẽ đoàn kết ASEAN nhằm ngăn chặn khu vực hóa những tranh chấp này. Thứ hai, duy trì các tranh chấp trên Biển Đông luôn ở mức độ áp lực vừa phải để Mỹ không thể trực tiếp can thiệp quân sự, nhưng vẫn đủ để gây sức ép chiến lược. Thứ ba, tăng cường sức mạnh quân sự, khả năng chấp pháp trên biển đối với các tàu hải quân, bao gồm cả tàu sân bay, các tàu dân sự, tàu cá, tàu thăm dò khai thác tài nguyên biển và các lực lượng chấp pháp khác trên biển. Để phát triển năng lực hải quân, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng lực lượng tàu và kết cấu lực lượng chứng tỏ Trung Quốc đang chuyển dần từ phòng ngự sang chống tiếp cận và cả tấn công, từ biển gần sang biển xa. Trung Quốc đang sở hữu gần 100 tàu chiến mặt nước loại lớn các khu trục hạm Lạc Dương II & III, tàu hộ tống Giang Khải I & II; có khoảng 70 tàu ngầm, hơn 50 tàu đổ bổ đường biển các loại, cùng với khoảng 100 tàu nhỏ tấn công có trang bị tên lửa. Từ tháng 9 năm 2012, Trung Quốc đã đưa tầu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động. Trung Quốc hiện đang chạy thử nghiệm tàu sân bay thứ hai, lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh. Trong số 70 tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, có 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thuộc lớp Thanh (Type 094), 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương (Type 093). Trong số 12 tàu ngầm lớp Kilo Trung Quốc mua của Nga trong những năm 1990 và 2000, có 8 tàu được trang bị các tên lửa hành trình đối hải SS-N-27 ASCM. Ngoài ra, còn có 13 tàu ngầm lớp Tống (Type 039) và 8 tàu lớp Nguyên (Type 039 A). Trung Quốc dự định sẽ đóng thêm 20 tàu lớp Nguyên mới, 5 chiếc thuộc lớp Thanh, 4 chiếc thuộc lớp Thương. Mới đây nhất, Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân lớp Tần (JIN class) có độ ồn rất thấp. Tàu sân bay và tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến lược là các vũ khí tấn công được thiết kế để hoạt động dài ngày xa bờ. Bên cạnh việc phát triển lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu sân bay, không quân của hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến xa bờ, Trung Quốc còn phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo chống tiếp cận nhằm đẩy lực lượng của các nước đối nghịch ra xa bờ biển Trung Quốc, điển hình là tên lửa Đông Phong 21D (tầm bắn 1.500 dặm). Thứ tư, để tăng cường năng lực phối kết hợp giữa các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên biển, Trung Quốc đang triển khai chiến lược kết hợp chiều ngang giữa các lực lượng dân sự, chấp pháp, bán quân sự và quân sự trong chiến lược mà phương Tây gọi là “cải bắp”, theo đó lực lượng ngư dân là tiền tuyến, hải giám và ngư chính là trung tuyến và hải quân là ngoại tuyến cùng hỗ trợ bảo vệ lợi ích biển của Trung quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đẩy mạnh kết hợp chiều dọc giữa các đơn vị trong cùng một lực lượng như diễn tập kết hợp giữa 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tại Biển Đông. Thứ năm, về xây dựng căn cứ bên trong và bên ngoài, Trung Quốc đầu tư xây dựng Tam Á, có triển vọng trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, làm bến đỗ cho nhiều tầu ngầm tấn công hạt nhân và ít nhất hai tàu sân bay trong tương lai. Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng căn cứ hải quân đầu tiên ở Djibouti (châu Phi) nhằm tăng cường khả năng kiểm soát tình hình, phá vỡ vòng vây của Mỹ và các nước đồng minh tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thứ sáu, về hợp tác quốc tế, Trung Quốc chưa tham gia nhiều hoạt động hợp tác quân sự quốc tế, nhất là các hoạt động diễn tập quân sự với các nước lớn khác do năng lực còn hạn chế, chỉ có thể hoạt động gần bờ và lo ngại các điểm yếu của mình bị phát hiện. Trung Quốc chủ yếu tham gia tập trận với Nga. Thứ bảy, về triển khai chiến lược kinh tế hải dương, ngay từ tháng 05/2003, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra bản “Cương yếu Phát triển Kinh tế Hải dương toàn quốc”, lần đầu tiên đặt mục tiêu cho việc “từng bước xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hải dương”. Trong đó có các mục tiêu như “cường quốc kinh tế biển”, “khoa học kỹ thuật biển”, và “tổng hợp sức mạnh biển”. Còn trong bản “Kế hoạch phát triển kinh tế hải dương Trung Quốc từ năm 2011 đến 2015”, do Cục Hải dương Quốc gia công bố tháng 01/2013, Trung Quốc đã xác lập mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hải dương hàng năm ở mức 10%, và từ năm 2015 tới 2030 lên 18% GDP, từ năm 2031 tới 2045 lên 25% GDP. Thứ tám, về luật pháp hải dương, nhằm phục vụ cho tính toán chiến lược ở Biển Đông, Trung Quốc đã có những bước điều chỉnh công tác quản lý và chấp pháp hải dương ở tầm vĩ mô để thống nhất chỉ đạo đối với 17 cơ quan đầu mối có trách nhiệm thực thi việc chấp pháp biển của Trung Quốc. Song hành với hoàn thiện cơ cấu, Trung Quốc cũng ban hành nhiều quy định cụ thể đối với nghề cá, vận tải biển, phòng vệ biển.
Nhìn chung, để đạt được ý đồ đề ra đối với khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã, đang và sẽ bất chấp luật pháp quốc tế, sự phản đối gay gắt của các nước ven Biển Đông cũng như những nước có lợi ích thiết thực trong khu vực để tiến hành các hoạt động phi pháp trên thực địa, gia tăng quân sự hóa các đảo, đá đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.