Là một trong những nước có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu trên thế giới, Trung Quốc đang tích cực ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ vào việc giám sát biển, từng bước phục vụ âm mưu, ý đồ của nước này trong việc tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông.
Những thành tựu khoa học đáng nể của Trung Quốc
Phó Cục trưởng Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Ngô Diễm Hoa nhận định về một số thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc: Kết nối thành công giữa tàu vũ trụ Thần Châu 9 và 10 với tàu vũ trụ Thiên Cung 1, giữa tàu vũ trụ Thần Châu 11 với tàu vũ trụ Thiên Cung 2, tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đã lần đầu tiên đáp xuống mặt Trăng và cho xe tự hành thám hiểm, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đầu 2 đã hoàn thành toàn diện, chính thức cung cấp dịch vụ định vị và cho khách hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; phóng thành công và đưa vào sử dụng 6 vệ tinh trong hệ thống quan trắc Trái đất với độ phân giải cao… Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao kỹ thuật có yếu tố con người Trung Quốc lần thứ 4, Tổng thiết kế sư công trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc Châu Kiến Bình (16-17/11/2019) cho biết, đến năm 2022 nước này sẽ xây dựng xong và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung – nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài. Được biết, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ gồm 3 phần, 1 module lõi, 2 phòng thí nghiệm không gian và có thời gian vận hành 15 năm. Module lõi có tên gọi Thiên Hòa dài 18,1m, đường kính 4,2m, là trung tâm, cũng là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong. Hai phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên dài 14,4m, đường kính 4,2m sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học. Trạm không gian Thiên Cung cũng dự phòng phương án thiết kế trong trường hợp mở rộng không gian trạm. Dự kiến, module lõi Thiên Hòa sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B vào năm 2020. Với việc trạm không gian quốc tế (ISS) dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ là trạm vũ trụ duy nhất trong không gian.
Hiện tại Trung Quốc đang có 39 vệ tinh Bắc Đẩu trên quỹ đạo, trong đó có 21 vệ tinh thuộc Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu 3 (BDS-3). Hệ thống này cũng sẽ kết nối chặt chẽ với mạng Internet, mạng vạn vật kết nối, 5G, số liệu lớn (big data)… của Trung Quốc. Theo kế hoạch, năm 2019, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng thêm 5-7 vệ tinh Bắc Đẩu. Năm 2020 phóng thêm 2-4 vệ tinh và cơ bản hoàn thiện hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của nước này, đồng thời cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Khi đi vào hoàn thiện, BDS-3 của Trung Quốc sẽ có 35 vệ tinh trên quỹ đạo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch hoàn thành việc xây dựng hệ thống định vị, dẫn đường và thời gian (PNT) toàn diện có độ chính xác cao dựa trên cơ sở của BDS vào năm 2035. Được biết BDS là hạ tầng không gian có vai trò quan trọng cấp quốc gia, cung cấp các dịch vụ định vị, dẫn đường và hẹn giờ mọi lúc, mọi thời tiết với độ chính xác cao cho người dùng toàn cầu. BDS sẽ có vai trò lớn khi được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thành phố thông minh, nông nghiệp và dự báo thời tiết, máy lái tự động, vận tải thông minh… BDS hiện được sử dụng rộng khắp trên thế giới trong các công trình xây dựng ở Kuwait, nông nghiệp ở Myanmar, khảo sát và vẽ bản đồ đất đai ở Uganda, hay phục vụ ngành logistics ở Thái Lan. Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết, tính đến nay nước này đã triển khai và vận hành độc lập ba hệ thống Bắc Đẩu, nhằm cung cấp dịch vụ định vị và dẫn đường trên thế giới. Trung Quốc bắt đầu thiết lập BDS từ những năm 90 của thế kỷ trước nhằm giảm phụ thuộc hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và bắt đầu triển khai hệ thống Bắc Đẩu năm 2000. Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ 1 (BDS-1) là hệ thống thử nghiệm, gồm ba vệ tinh, đã dừng hoạt động cuối năm 2012. Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ 2 (BDS-2) được vận hành ở Trung Quốc vào tháng 12-2011. Từ tháng 12/2012, BDS-2 cung cấp dịch vụ cho các khách hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống BDS-2 đã cung cấp dịch vụ ổn định và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tính chính xác của hệ thống đã được cải thiện từ 10 m xuống còn 6 m. Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 (BDS-3). Tháng 12/2018, BDS bắt đầu cung cấp các dịch vụ toàn cầu. Theo các chuyên gia, khi BDS-3 hoàn thành vào năm 2020, các khách hàng trên thế giới sẽ có thêm sự lựa chọn hệ thống dẫn đường toàn cầu với sự chính xác cao hơn các hệ thống hiện có gồm Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu. BDS-3 có thể đạt độ chính xác tới từng mm. Các dịch vụ vệ tinh dẫn đường hiện có trên thế giới gần như không thể thực hiện được tại các vị trí như bên trong các tòa nhà, dưới đất, dưới nước… BDS cung cấp dịch vụ chính xác hơn ở những vị trí này.
Những ứng dụng giám sát biển
Đầu tiên, hệ thống vệ tinh giám sát trên không. Thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ. Bắt đầu từ tháng 5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Đến tháng 4/2006, Bắc Kinh phóng vệ tinh Dao cảm để đẩy nhanh quá trình kiểm soát, theo dõi ở Biển Đông. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh Hải Dương-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Cùng năm, Bắc Kinh triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Năm 2012, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới, 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất. Trung Quốc cũng đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Trong năm 2016, Bắc Kinh phóng vệ tinh “Gaofen3” được trang bị hệ thống radar, có khả năng chụp hình ảnh từ vũ trụ với độ phân giải lên tới 1 mét và hoạt động được trong mọi thời thiết để “giám sát môi trường biển, đảo, đá, tàu và các giếng dầu”. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ phóng thêm 10 vệ tinh quang học và 15 vệ tinh Hải Dương để tăng cường giám sát Biển Đông. Đáng chú ý, những vệ tinh trên còn có khả năng phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu. Song song với việc phóng vệ tinh vào vũ trụ, Trung Quốc cũng xây dựng, đưa vào sử dụng các trạm thu nhận tín hiệu mặt đất, trong đó có trạm đặt tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, được lắp đặt hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh gồm: vệ tinh Thực tiễn số 9, vệ tinh Gám sát môi trường và thiên tai, vệ tinh Giám sát tài nguyên số 3… và truyền dữ liệu bằng cáp quang tốc độ cao. Với trạm này, Trung Quốc được cho là có khả năng thu thập dữ liệu qua vệ tinh về khu vực Biển Đông, qua đó, phân tích, dự báo tình hình môi trường, giám sát thiên tai, nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu, giám sát trái phép những thay đổi đối với các đảo trên Biển Đông cũng như giúp nước này hoàn thiện trái phép các hệ thống nghiên cứu khoa học như: hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống giám sát băng cháy, hệ thống nghiên cứu địa chất đáy biển, hệ thống giám sát tài nguyên nguồn cá…
Thứ hai, mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông. Theo đó, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang xây dựng mạng các máy bay không người lái (drone) để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông.
Thứ ba, hệ thống định vị ở Biển Đông. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Theo đó, những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước. Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này. Theo thông tin từ phòng thí nghiệm trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km2 Biển Đông. Trong khi đó, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông. Nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc có thể nằm ở phần sâu nhất của đại dương (từ 6.000 – 11.000m). Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD). Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.
Thứ tư, hệ thống giám sát đáy Biển Đông. Viện hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, Bắc Kinh đang triển khai hệ thống giám sát đáy biển được xây dựng trên nền tảng các phao nổi, tàu mặt nước, vệ tinh và thiết bị lặn dưới nước. Từ đó, hệ thống thu thập thông tin về Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rồi truyền về ba trung tâm tình báo nằm ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), tỉnh Quảng Đông và Tam Á (đảo Hải Nam). Trong đó, trung tâm ở Tam Á là cơ sở chung, chịu trách nhiệm xử lý và phân tích thông tin. Tính đến thời điểm hiện tại, sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm, hệ thống giám sát đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc sử dụng. Dự kiến, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn thiện mạng lưới giám sát hàng hải ba chiều toàn diện tại Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hệ thống giám sát đáy biển của Trung Quốc hoạt động dựa trên sự thu-phát sóng âm của mạng lưới cảm biển được Bắc Kinh rải khắp các vùng biển. Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, hệ thống trên có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới. Các cảm biến có nhiệm vụ thu nhận và phân tích âm thanh ở vùng nước nông, rồi truyền phát hiện tín hiệu về các trạm thu nhận trong phạm vi 1.000 km. Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Trung Quốc đã đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông, 300 cảm biển ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc hàng năm sẽ đưa các cảm biến mới để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng. Hệ thống trên được áp dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, song chúng hoạt động mô phỏng theo hệ thống thiết bị cảm biến âm thanh của Mỹ dọc vành đai “Chuỗi đảo thứ nhất” và “Chuỗi đảo thứ hai” của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ nắm bắt được công nghệ bên ngoài, chưa thể sánh ngang được với các cường quốc như Mỹ, Nga. Theo ông Du Vĩnh Cường, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, việc triển khai được một hệ thống công nghệ cao mới cho thấy sự tiến bộ trong khả năng tác chiến tàu ngầm của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc còn kém xa Mỹ về khả năng nắm bắt được tình trạng nhiệt độ và độ mặn của nước biển ở Biển Đông.
Thứ năm, hệ thống quan trắc dưới đáy biển. Từ năm 1996, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển các công nghệ giám sát trên biển, trong đó trọng tâm là trinh sát, phát hiện và giám sát tàu ngầm. Đến năm 2005, Trung Quốc đã hoàn thiện quá trình xây dựng và thực hiện “Hệ thống tìm kiếm và đo đạc tổng hợp cáp quang dưới đáy biển”, thiết kế thành công mô hình giám sát 3 vùng biển với 3 trạm gốc đặt ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.Tuy nhiên, do vùng biển Hoàng Hải ở ngoài khơi Thanh Đảo có mực nước nông, cấu tạo địa chất đáy biển tương đối bằng phẳng nên không thể kiểm nghiệm tối đa hiệu quả của hệ thống này. Đến tháng 4/2009, Viện nghiên cứu âm thanh thuộc Viện khoa học Trung Quốc thành lập “Trạm thực nghiệm âm thanh và quan trắc hải dương tổng hợp Nam Hải”, triển khai “Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ”. Năm 2010, Trung Quốc thành lập một mạng lưới trinh sát, giám sát trên không (vệ tinh trinh sát), trên biển (cảm biến âm thanh sonar) và trên đất liền (trạm tiếp nhận thông tin vệ tinh trên mặt đất) được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang. Tháng 7/2015, Trung Quốc rải 8 thiết bị thu âm thanh dưới nước thuộc hệ thống trinh sát, giám sát tàu ngầm dưới đáy biển. Những thiết bị trên hình trụ dài khoảng 2 m, nặng 30 kg; cứ 5 ngày, cảm biến sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Các âm thanh thu được sẽ lọc và chuyển về trạm gốc chuyên phân tích số liệu, với cơ sở dữ liệu âm thanh của nhiều loại tàu ngầm khác nhau, tại các vùng biển khác nhau. Căn cứ vào thời gian và vị trí truyền tín hiệu về, các trạm này sẽ phân tích, so sánh mẫu và xác định nguồn âm thanh, vị trí và cự ly của chúng tới thiết bị cảm biến.Dữ liệu thu thập được từ những cảm biến này được gửi đến trung tâm tiếp nhận Bắc Đẩu ở thành phố Hàng Châu để xử lý rồi chia sẻ với hệ thống dữ liệu quốc tế. Tuy nhiên, hiện Chính phủ và quân đội Trung Quốc không có quyền tiếp cận ưu tiên vào hệ thống dữ liệu trên.
Thứ sáu, hệ thống cảm biến giám sát từ xa. Hệ thống cảm biến này do Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc xây dựng, mới đây được ra mắt tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không quốc tế Langkawi 2019 tại Malaysia. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các cấu trúc mới gồm hai phiên bản: một hệ thống thông tin tích hợp nổi (IIFP) và một hệ thống thông tin tích hợp lớn hơn, mạnh hơn để lắp đặt trên các đảo hoặc bãi san hô (IRBIS). IIFP có thể đóng vai trò như một trạm liên lạc 4G hoặc sóng ngắn, một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và cung cấp dịch vụ hàng hải. Cấu trúc IRBIS lớn hơn cũng có chức năng tương tự, song chúng được trang bị nhiều cảm biến hơn và hoạt động mạnh hơn. Cả hai cấu trúc mới của Trung Quốc đều được thiết kế để vận hành tự động, cung cấp một loạt phương pháp để giám sát thời tiết, vùng biển và hoạt động của con người tại những khu vực nhất định. Chúng có trọng lượng nhẹ và có thể được triển khai tại những vùng nước nông nhờ sự hỗ trợ của tàu kéo hoặc các tàu tương tự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cả hai phiên bản đều có thể hoạt động như những điểm nút trong mạng lưới cảm biến nhằm giúp nhận thức tình hình đa chiều, cung cấp dịch vụ thông tin và do thám. Những tính năng trên có thể được áp dụng trong các hoạt động bồi đắp và bảo vệ đảo, đồng thời phục vụ cho hoạt động nghiên cứu hải dương và dịch vụ công. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố, mặc dù các cấu trúc mới có thể giám sát môi trường, theo dõi thời tiết và cảnh báo sớm sóng thần một cách hiệu quả, song chúng cũng có thể giúp “theo dõi liên tục một mục tiêu ngoài biển” và có thể đóng vai trò quan trọng trong “hoạt động xây dựng” trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, “bảo vệ các đảo và bãi san hô, đồng thời giám sát liên tục các vùng biển mục tiêu”. Bên cạnh khả năng phục vụ hiệu quả trong việc điều tra, giám sát thời tiết, môi trường, cảnh báo sớm các cơn sóng thần và hỗ trợ hàng hải, các thiết bị này có thể “giám sát liên tục một mục tiêu trên biển”, đóng vai trò quan trọng đối với “hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ các đảo, đá và giám sát các vùng biển mục tiêu”.
Nhìn chung, những hệ thống trên có khả năng thu thập thông tin về môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng. Những hệ thống giám sát trên không, dưới nước cũng hỗ trợ hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Ngoai ra, nó nhằm gia tăng sự kiểm soát trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền” phi pháp trong khu vực. Tuy nhiên, hành vi trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định luật pháp quốc tế liên quan mà còn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.