Đúng 23h đêm 31/01 theo giờ London, tức 0 giờ ngày 01/02 giờ Trung Âu, Vương quốc Anh đã chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, vào lúc 19h30 tối 31/01 theo giờ Brussels, quốc kỳ của Vương quốc Anh được hạ xuống tại Hội đồng châu Âu và nửa tiếng sau đó, tại Hạ viện châu Âu, đánh dấu chính thức cho việc Vương quốc Anh rời khỏi EU sau gần nửa thế kỷ làm thành viên của Khối.
Phản ứng trái ngược từ châu Âu
Ngay sau khi Anh rời EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đây là ngày vui nhất trong cuộc đời ông. Trong khi đó, các hoạt động kỷ niệm ngày nước Anh rời EU đã được thực hiện trong cả ngày 31/01 tại Anh, bởi cả hai phe ủng hộ và phản đối Vương quốc Anh rời EU.
Trong khi đó, Thủ hiến Scotland và là lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon tuyên bố đây là một ngày đau buồn và giận dữ với người dân Scotland vì đa số dân Scotland phản đối Brexit. Bà Sturgeon cũng yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland khỏi Vương quốc Anh càng sớm càng tốt để sau đó Scotland có thể tái gia nhập Liên minh châu Âu. Cùng quan điểm trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh “đây là một cú sốc và là một lời cảnh báo lịch sử cần phải được mọi quốc gia thành viên châu Âu lắng nghe và suy nghĩ bởi lẽ lần đầu tiên trong 70 năm, một quốc gia rời EU. Đây là một ngày buồn, chúng ta không thể phủ nhận điều đó”; đồng thời lên tiếng chỉ trích chiến dịch vận động đưa nước Anh rời khỏi EU đã được “xây dựng trên những lời lẽ dối trá và các lời hứa không bao giờ được thực hiện”. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định “đây là bước ngoặt lớn cho EU”, nhưng cảnh báo các cuộc đàm phán sắp tới về quan hệ tương lai giữa Anh và EU sẽ không dễ dàng, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu thống nhất cách tiếp cận trong quan hệ với Vương quốc Anh.
Khó khăn và thách thức
Dù Anh chính thức rời EU, song công việc khó khăn hiện nay là xây dựng một mối quan hệ kinh tế mới giữa khối này với cựu thành viên của mình mới chỉ bắt đầu. Các cuộc đàm phán đầy chồng gai còn nằm ở phía trước, trong bối cảnh Anh sẽ đi con đường riêng song vẫn phải nỗ lực duy trì các mối liên hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình, từ thuế quan và tiêu chuẩn hàng hóa tới khả năng tuyển dụng lao động nước ngoài của ngành công nghiệp Anh và việc EU được tiếp cận các ngư trường của Anh. Hiện có một chương trình nghị sự đồ sộ cần được các bên nhất trí: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, bảo vệ dữ liệu, hợp tác an ninh, hàng không, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đánh bắt cá, và danh sách này là vô tận.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại nhiều thách thức sẽ nhanh chóng bắt đầu, các tổ chức của ngành công nghiệp Anh đã sẵn sàng bảo vệ những lợi ích của họ. Các chủ khách sạn và nhà hàng nói rằng họ cần duy trì nguồn cung cấp người lao động đến từ châu Âu; các công ty sản xuất ô tô muốn các nhà cung cấp của châu Âu duy trì nguồn cung cấp đúng hạn để tránh hoạt động sản xuất bị đình trệ; các công ty bảo hiểm và ngân hàng đang vận động hành lang để duy trì quyền được tiếp cận thị trường châu Âu sinh lời; ngư dân muốn giành lại quyền kiểm soát các ngư trường mà họ cho rằng đã bị các đối thủ từ châu Âu chiếm đoạt trong suốt 4 thập kỷ qua.
Chính phủ Anh cũng rất muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia riêng lẻ sau khi Anh ra khỏi EU. Mục tiêu lớn nhất của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngoài EU là Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, người Mỹ hiện đưa ra những yêu cầu khó. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về những quan ngại an ninh liên quan tới công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei, đồng thời thúc ép các quan chức Anh đảo ngược quyết định của họ về việc phép công ty này tham gia vào việc nâng cấp mạng lưới không dây của Anh. Dung hòa tất cả những yêu cầu trên sẽ là điều rất khó khăn, bởi bất kỳ nỗ lực nào nhằm đáp ứng những yêu cầu của phía Mỹ bằng cách hạ thấp những tiêu chuẩn của Anh sẽ khiến Anh không thể tuân thủ các quy định của EU. EU hiện đã tuyên bố rõ ràng rằng cái giá để được tiếp cận thị trường chung châu Âu là tiếp tục tuân thủ theo các quy định của khối.
Trong một diễn biến khác, vòng đàm phán đầu tiên giữa EU và Chính phủ Anh, vấn đề nan giải liên quan tới Bắc Ireland vẫn rất khó giải quyết. Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland và khiến khu vực này chấp nhận thỏa thuận rút khỏi EU của mình. Thủ tướng Anh đã đồng ý rằng Bắc Ireland sẽ tiếp tục được duy trì các quy định tương tự như của thị trường chung về hàng hóa của EU sau Brexit. Kết quả là sẽ không cần thực hiện kiểm tra hải quan ở khu vực biên giới giữa Bắc Ireland (vốn là một phần của Anh) với Cộng hòa Ireland. Thay vào đó, hàng hóa từ phần còn lại của Anh được chuyển vào Bắc Ireland để tới EU sẽ phải bị kiểm tra.
Bên cạnh đó, khi EU bước vào những tháng then chốt trong năm 2020, có ít nhất hai cuộc thảo luận quan trọng ở trong và ngoài khối về việc tương lai của EU sẽ như thế nào. Cuộc thảo luận thứ nhất liên quan đến việc tái cân bằng nội bộ và cải cách của liên minh. EU sẽ bắt đầu “hội nghị” kéo dài 2 năm để thảo luận về tương lai của châu Âu. Khoảnh khắc then chốt trong tiến trình này sẽ diễn ra ở Dubrovnik (Croatia), nước hiện nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của khối, vào ngày 9/5 tới. Các lĩnh vực cần tập trung tại “hội nghị” mới này bao gồm việc làm thế nào để hiện thực hóa tốt nhất những tham vọng chính sách hàng đầu của EU như sự bình đẳng, biến đổi số và tăng cường các nền tảng dân chủ của EU. Ngoài việc thảo luận về những vấn đề lớn này còn có cải cách thủ tục quan trọng. Với việc một trong những nước thành viên lớn rút khỏi Liên minh, tiến trình thay đổi là hết sức cần thiết, trong đó có việc tái cơ cấu ngân sách của EU.