Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Macron với tham vọng quốc phòng mới của Pháp

Tổng thống Macron với tham vọng quốc phòng mới của Pháp

Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), an ninh nổi lên là một trong những vấn đề vừa cấp thiết, vừa lâu dài đối với châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng ở châu Âu và kêu gọi các quốc gia thành viên còn lại của EU phải ngay lập tức hành động thay vì chỉ khoanh tay đứng nhìn. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp đã chỉ đạo triển khai chương trình hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử của nước này.

Hồi tháng 1/2018, ông Macron từng khẳng định củng cố khả năng phòng thủ là một phần lịch sử cũng như chiến lược quốc phòng của quốc gia này và vẫn sẽ luôn là như vậy. Điều này dấy lên khả năng Pháp muốn khôi phục vị thế cường quốc hạt nhân và xa hơn là khôi phục vị thế nước Pháp.

Khẳng định chính sách răn đe hạt nhân

Cuối tuần vừa qua (7/2), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có một bài phát biểu quan trọng về chiến lược quốc phòng của Pháp, đặc biệt là về chiến lược răn đe hạt nhân của nước này, nhân dịp hạ thuỷ một tàu ngầm tấn công thế hệ mới của Pháp.

Đây là một bài phát biểu rất được chờ đợi, không chỉ vì nó đánh dấu một nửa nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron mà còn vì nó đến trong một thời điểm hết sức nhạy cảm với châu Âu về mặt an ninh, khi Brexit vừa chính thức diễn ra khiến nước Pháp giờ đây trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu và bản thân ông Macron cũng vừa thực hiện một chuyến công du đến Ba Lan để trấn an các nước Đông Âu và Baltic về chiến lược ngoại giao-an ninh của Pháp đối với Nga.

Về tổng thể, bài phát biểu của ông Macron có 3 nội dung chính. Đầu tiên, đó là việc khẳng định lại chiến lược quốc phòng và chính sách răn đe hạt nhân mà Pháp vẫn duy trì trong nhiều năm qua, đó là một chính sách răn đe hạt nhân vừa đủ. Pháp công bố hiện sở hữu dưới 300 đầu đạn hạt nhân, đồng thời khẳng định nước này không sử dụng vũ khí hạt nhân trong các xung đột mà chỉ để bảo vệ các lợi ích sống còn của nước Pháp. Để đảm bảo sự răn đe vừa đủ này có sức nặng, ông Macron cho biết Pháp sẽ chi 37 tỷ euro để hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của Pháp từ nay đến năm 2025.

Nội dung quan trọng thứ hai mà ông Macron đề cập, đó là yếu tố “châu Âu” trong chính sách răn đe hạt nhân của Pháp. Pháp cho rằng vì việc Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân đã là một sự đảm bảo an ninh cho châu Âu và vì tình đoàn kết của Pháp đối với châu Âu, nên sự răn đe hạt nhân của Pháp có tầm vóc châu Âu chứ không chỉ giới hạn trong các lợi ích sống còn của riêng nước Pháp. Đây chính là điểm tạo ra rất nhiều tranh cãi tại châu Âu vì mặc dù hiện nay nhiều nước châu Âu đang lo lắng về việc Mỹ rút dần “ô hạt nhân” bảo vệ châu lục này thông qua NATO nhưng nhiều nước tại châu Âu không hề mặn mà với việc Pháp thay Mỹ gánh vác trách nhiệm đó.

Nội dung đáng chú ý thứ ba trong bài phát biểu của ông Macron, đó là thông điệp gửi đến 5 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, cũng là 5 cường quốc hạt nhân, về việc duy trì sự ổn định chiến lược, tránh phá vỡ thế cân bằng khi chạy đua vũ trang và phá huỷ các cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Pháp đặc biệt lo ngại khi Mỹ và Nga đã huỷ bỏ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong năm 2019 và gần như chắc chắn sẽ không gia hạn Hiệp ước Start-2 về hạn chế số lượng tên lửa liên lục địa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã không ngừng gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình, hiện đã sở hữu trên 500 đầu đạn hạt nhân. Pháp lo ngại cuộc đua hạt nhân tay ba Mỹ-Nga-Trung Quốc sẽ phá vỡ toàn bộ các cơ chế kiểm soát vũ khí phải rất khó khăn mới xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Tham vọng cường quốc hạt nhân?

Bối cảnh địa chính trị hiện nay tại châu Âu đang có những diễn biến có lợi cho việc Pháp gia tăng ảnh hưởng. Đầu tiên, đó là việc Vương quốc Anh đã rời EU nên Pháp hiện là cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu. Thứ hai, quan trọng hơn, đó là trong gần một thập kỷ qua, nước Mỹ đang dần rút bớt sự can dự vào châu Âu, bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống Barack Obama và đặc biệt rõ ràng hơn từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Vì thế, đã và đang có những lo ngại rất lớn của nhiều nước châu Âu rằng về lâu dài châu Âu, Liên minh quân sự NATO sẽ tan rã và châu Âu sẽ không còn được bảo vệ bởi “cái ô hạt nhân”của Mỹ. Đó là một viễn cảnh rất đáng sợ với nhiều thành viên của EU ở Đông Âu và Baltic.

Trong bối cảnh đó, Pháp từ nhiều năm qua đang thúc đẩy các sáng kiến an ninh và quốc phòng chung của châu Âu, qua đó nắm lấy vai trò là quốc gia dẫn dắt. Pháp cũng luôn duy trì một chính sách đối ngoại tương đối độc lập với Mỹ, đồng thời luôn tự xem mình là một cường quốc quân sự-ngoại giao đầu tàu của châu Âu. Tham vọng thể hiện sức mạnh này càng lớn hơn khi Pháp đánh mất vị thế dẫn dắt kinh tế vào tay Đức trong hơn 2 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tham vọng của nước Pháp cũng không chỉ giới hạn trong châu Âu mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Mà để duy trì được tham vọng đó trong hoàn cảnh thua kém về tiềm lực kinh tế và kể cả về lực lượng quân sự thông thường, Pháp buộc phải nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân của mình để không bị Mỹ, Nga và Trung Quốc bỏ quá xa. Phương châm này là nhất quán trong giới lãnh đạo chính trị Pháp từ sau thảm bại trong Thế chiến II, khi Pháp cho rằng nếu không có vũ khí hạt nhân thì Pháp sẽ chỉ là quốc gia hạng 2 trên thế giới.

An ninh châu Âu hậu Brexit

Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 12/2 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO. An ninh khu vực hậu Brexit cũng sẽ là một vấn đề quan trọng.

Vương quốc Anh tuy rời khỏi EU nhưng vẫn là một thành viên tích cực của NATO. Anh vẫn coi NATO là một ưu tiên quan trọng về an ninh và là đối trọng mang tính sống còn của nước này nói riêng và châu Âu nói chung trong quan hệ căng thẳng với Nga. Trong những năm qua, Anh cũng đã triển khai nhiều quân cũng như trang bị vũ khí đến các nước Baltic. Vì thế, về nguyên tắc, Brexit không ảnh hưởng tiêu cực đến những gì diễn ra trong NATO. Ảnh hưởng của Brexit về mặt an ninh là câu chuyện riêng giữa Anh và các nước châu Âu. Tuy nhiên, giữa Anh và Pháp cũng đã có Hiệp định Lancaster rất quan trọng nhằm điều chỉnh các hợp tác quốc phòng chiến lược, trong đó có cả việc răn đe hạt nhân.

Tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO lần này, các chủ đề chính sẽ là việc NATO phản ứng ra sao đối với các động thái quân sự thời gian qua của Nga, quốc gia mà NATO vẫn xem là đối thủ chính. Trước cuộc họp, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg tuyên bố là NATO sẽ không bố trí tên lửa hạt nhân ở châu Âu nhằm trả đũa việc Nga mới đây đã biên chế tên lửa siêu thanh Avangard, được cho là đủ khả năng phá vỡ mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây. Biện pháp mà NATO đưa ra là hiện đại hoá các hệ thống phòng thủ và tăng cường các cơ chế phối hợp.

Ngoài ra, một số chủ đề khác cũng sẽ được Hội nghị NATO bàn thảo, như tình hình căng thẳng leo thang ở Syria hay việc đào tạo quân đội Iraq nhằm tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố

RELATED ARTICLES

Tin mới