Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam tăng cường năng lực quốc phòng và hình thành chiến...

Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng và hình thành chiến lược chống tiếp cận trên biển

Cùng với diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích, vi phạm trong vùng biển của Việt Nam, Hà Nội đã có những bước điều chỉnh năng lực quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Trung Quốc gia tăng các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Trong năm 2019, nổi bật nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo đó, nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ cuối tháng 06/2019, thoạt đầu hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam gần Bãi Tư Chính, rồi sau đó đi ngược lên khảo sát một dải biển dọc theo bờ biển miền Nam Trung Bộ, ngang tầm Phan Thiết ở phía dưới và Bình Định ở phía trên, càng ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km, tức là rất sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam. Song song với việc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam, từ cuối tháng Sáu cho đến nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục sách nhiễu và tìm cách cản trở hoạt động của giàn khoan Việt Nam tại Bãi Tư Chính. Đến ngày 24/10, sau gần 4 tháng hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam, nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút về Tam Á.

Cùng với việc đưa nhóm tàu trên vào hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng lực lượng chấp pháp và bán chấp pháp đâm va, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Trong đó có một số vụ việc điển hình như: Tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 (6/3) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía Đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý. Không những vậy, Trung Quốc trong năm 2019 đã tổ chức hàng trăm cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh (7/2019) lần đầu tập trận bắn thử 06 quả tên lửa đạn đạo đất đối hạm tầm trung DF-21D ra Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”. Ngoài tập trận, Trung Quốc còn triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc triển khai phi pháp tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…)…

Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng

Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ USD cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ USD vào năm 2024.

Đáng chú ý, ngay từ giữa năm 2018, tổ chức Global Firepower đã cho công bố danh sách thứ hạng các cường quốc quân sự toàn cầu dựa trên điểm PwrIndx với 50 thông số có ý nghĩa quyết định đến khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường, được thu thập từ các cơ quan tình báo và các báo cáo truyền thông quốc tế. Theo đó số điểm PwrIndx của Việt Nam trong năm 2018 do Global Firepower đánh giá đạt 0,4098 đứng thứ 20 thế giới và thứ 14 châu Á, trong khi đó ở khu vực Đông Nam Á – Việt Nam vẫn đứng vững ở vị trí thứ 2. Bên cạnh điểm PwrIndx, Global Firepower còn đánh giá chi tiết sức mạnh quân sự Việt Nam trong năm 2018. Theo với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam có quân đội thường trực vào khoảng 440.000 người cùng hơn 3 triệu quân dự bị. Ngân sách quốc phòng hàng năm ước tính xấp xỉ 3.4 tỷ USD. Theo bảng báo cáo của Global Firepower, Lục quân Việt Nam đóng vai trò “xương sống” trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị 1.545 xe tăng; 3150 xe bọc thép; 2.200 pháo kéo; 524 pháo tự hành và hơn 1.000 đơn vị pháo phản lực phóng loạt các loại. Không quân Nhân Dân Việt Nam theo như bảng thống kê tại trang Global Firepower cho thấy hiện có tổng cộng khoảng 283 máy bay các loại, trong đó có 76 máy bay tiêm kích, 76 máy bay tiêm kích – bom. Ngoài ra còn có 165 máy bay vận tải, 28 máy bay phản lực huấn luyện, 139 máy bay trực thăng vận tải và 25 máy bay trực thăng chiến đấu. Global Firepower cũng nhận định Hải quân Nhân dân Việt Nam có hạm đội trên dưới 65 tàu chiến, trong đó có 9 tàu hộ vệ, 14 tàu tên lửa tấn công nhanh, 6 tàu ngầm, 25 tàu bảo vệ duyên hải, 8 tàu quét mìn. Nguồn ảnh: Báo Hải quân. Về mặt kho-vận, Globalfirepower đánh giá Việt Nam là một quốc gia có địa thế gây cản trở lớn cho việc di chuyển, hậu cần nếu như xảy ra xung đột. Hiện chỉ có hai con đường bộ duy nhất chạy dọc từ bắc vào nam đó là đường Quốc Lộ 1 và đường Hồ Chí Minh và một tuyến đường sắt độc đạo. Bù lại, Việt Nam có thể tận dụng ưu thế giáp biển để hậu cần bằng đường thủy, phần lớn các tỉnh trong nước cũng đều có sân bay quân sự giúp việc di chuyển, hậu cần không bị phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả phương Tây cho rằng Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng và dần hình thành chiến lược chống tiếp cận trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; cho rằng chính sách này phù hợp với nguyên tắc không liên minh và phòng thủ tự vệ của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược chống tiếp cận trên biển theo kiểu truyền thống, tập trung vào việc đầu tư vào các hệ thống tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, các hệ thống phòng không tích hợp, tàu ngầm, máy bay tuần tra để vảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền và đề phòng, ngăn chặn khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Biển Đông. Về cơ bản, chiến lược chống tiếp cận trên biển của Việt Nam bao gồm việc ngăn chặn, không cho phép hải quân nước khác sử dụng vũ lực đi vào các khu vực hàng hải thuộc lợi ích quốc gia của Việt Nam. Không những vậy, việc Việt Nam đầu tư, mua 6 tàu ngầm kilo 636 của Nga hoàn toàn phù hợp với chiến lược phòng thủ của Hà Nội. Nó vừa giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và tuần tra trên biển, vừa có khả năng đáp trả các cuộc tấn công xâm lược trên biển. Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự như hiện nay, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và ít có khả năng giành chiến thắng trước “đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần” nếu đối đầu trực diện. Ngoài việc đầu tư, mua sắm và trang bị các loại hình vũ khí mang tính phòng thủ, Việt Nam cũng tích cực hợp tác, giao lưu hải quân với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Ấn Độ… nhằm gia tăng lòng tin chính trị, minh bạch quân sự và phối hợp tác chiến khi bị khiêu khích, tấn công.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc có cái nhìn phiến diện hơn khi nhìn nhận về chính sách của Việt Nam trên Biển Đông. Theo họ, chính sách của Việt Nam có một số điểm chính sau: Việt Nam thúc đẩy việc xây dựng đảo, đá; cho rằng Việt Nam đã “tăng cường xây dựng được khá nhiều công trình trên Đá Tây” thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính và kỹ thuật nên hầu hết các công trình xây dựng Việt Nam tiến hành trên các đảo, bãi đá đều dùng sức người khuân vác. Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng chiến lược củng cố “nhân lực” tại các đảo đá. Trên 29 điểm đảo, đá ở Trường Sa, Việt Nam có 2 đội quân. Một đội quân chính quy, phân bố từ vài chục người đến cả trăm người trên các đảo, đá tùy quy mô lớn nhỏ của các cấu trúc địa lý. Đội quân thứ hai là những ngư dân, hộ gia đình đến từ đất liền. Đây là chiến thuật quân dân liền kề, quân đội mình ở đâu thì có người dân sinh sống ở đó và ngược lại. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều “kết nghĩa” với 1 hoặc một vài đảo, đá để cung cấp trợ giúp cho quân dân trên đảo, từ chi phí sinh hoạt, điện thoại cho đến thăm hỏi…để duy trì tính ổn định của dân số trên đảo. Không những vậy, Việt Nam tăng cường bảo vệ các vùng biển tranh chấp: Những năm gần đây, Việt Nam căn cứ vào quyền quản lý hoặc khai thác vùng đặc quyền kinh tế và ngư trường truyền thống để đưa các tàu cá, tàu khảo sát, tàu du lịch và thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên ra phía trước, với các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư hộ tống phía sau, tiến ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, Việt Nam tăng cường ý thức chủ quyền quốc gia cho người dân: Việt Nam thông qua hàng loạt động thái từ lập pháp đến thực thi chủ quyền nhằm tăng cường chủ quyền của họ với các đảo đá thuộc chủ quyền của họ. Những việc này được Việt Nam triển khai một cách vững chắc từng bước, kiên trì lâu dài. Đồng thời Việt Nam còn thông qua giáo dục, triển lãm, tuyên truyền…để tăng cường ý thức chủ quyền cho người dân. Thông qua hoạt động du lịch, quyên tặng, tổ chức đoàn thăm hỏi, phỏng vấn nghiên cứu ra các đảo, Việt Nam đã nâng cao sự tham dự của các giới trong xã hội vào vấn đề Biển Đông, duy trì mức độ quan tâm của dân chúng đến Biển Đông.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng trong số những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Trung Quốc và Hà Nội là nước sẵn sàng sử dụng tổng hợp các biện pháp để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông, Việt Nam sẽ phải chọn lựa 3 chiến lược sau: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện “chiến lược đi dây” hiện nay với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việc thực hiện chiến lược này sẽ giúp Việt Nam tránh được tối đa các xung đột về ngoại giao, kinh tế và quân sự, song lại dễ bị “tổn thất” do các hoạt động phi pháp và việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng gây ra. Ngoài ra, Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng cũng khiến Hà Nội rơi vào thế yếu về chính trị, kinh tế và ngoại giao, điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc gây sức ép, đòi hỏi, ép buộc Việt Nam cùng hợp tác khai thác trên Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam thay đổi chính sách, trở thành đồng minh của Mỹ. Nếu lựa chọn theo cách này, Việt Nam sẽ loại bỏ được phần lớn ảnh hưởng của Trung Quốc và trở thành một đồng minh thân thiết của Mỹ, như Nhật Bản, Australia… Việc hợp tác, kết đồng minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam duy trì độc lập và chủ quyền trên biển, song đổi lại Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh tích cực trong vấn đề dân chủ, nhân quyền. Thứ ba, Việt Nam cần phát triển sức mạnh quân sự đến mức Trung Quốc không thể tấn công. Chiến lược này có thể bao gồm việc mua hoặc phát triển đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa trên các tàu ngầm kilo 636.

Chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam

Bộ Quốc phòng Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố, văn kiện chính thức về chính sách quốc phòng. Theo đó, Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tuỳ theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

Về cơ cấu lực lượng quốc phòng gồm các quân khu, quân đoàn, binh chủng có Tư lệnh, Chính ủy, các Phó Tư lệnh, Phó chính ủy; các cơ quan chức năng đảm nhiệm các mặt công tác tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và một số đơn vị trực thuộc. Các quân khu được tổ chức trên các hướng chiến lược và theo địa bàn, gồm có các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và các đơn vị trực thuộc. Quân khu chỉ huy các đơn bị trực thuộc quyền, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và Dân quân tự vệ trên địa bàn của quân khu. Quân đoàn là đơn vị cơ động lớn nhất của Lục quân, có nhiệm vụ bảo vệ các địa bàn chiến lược trọng yếu của quốc gia. Quân đoàn có các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và các đơn vị trực thuộc. Các binh chủng có nhiệm vụ tham gia tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; đồng thời thực hiện chức năng bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện, đào tạo theo các chuyên ngành cho toàn quân. Các binh chủng có các đơn vị chiến đấu trực thuộc, các trường sĩ quan và trường chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành. Lục quân được bảo đảm vũ khí, trang bị theo hướng hiện đại, có khả năng cơ động cao, có sức đột kích và hỏa lực manh, có khả năng tác chiến trong các điều kiện địa hình thời tiết, khí hậu, phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất và trang bị cho lục quân một số loại vũ khí bộ binh khá hiện đại. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Lục quân đã từng bước trưởng thành, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhiều đơn vị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác. Hiện Lục quân bao gồm 7 quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4); 6 binh chủng (Đặc công, pháo binh, Tăng – Thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học).

Ngoài ra, quan điểm của Việt Nam là phản đối những hoạt động quân sự hóa, các hoạt động đi ngược lại luật pháp quốc tế, các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình của bất kể quốc gia nào. Theo đó, “Việt Nam đấu tranh với những hiện tượng đó, và biện pháp là vừa đấu tranh nhưng vừa hợp tác. Chúng ta đấu tranh, chúng ta nêu quan điểm nhưng chúng ta cũng hợp tác với tất cả các quốc gia để cùng tìm ra lợi ích chung, cùng giải quyết những bất đồng, khác biệt và cùng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Chính sách quốc phòng của Việt Nam duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, khẳng định chủ trương củng cố và phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới