Wednesday, December 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Nga vẽ kịch bản tàu sân bay Mỹ - Trung...

Chuyên gia Nga vẽ kịch bản tàu sân bay Mỹ – Trung đối đầu

Tàu sân bay Mỹ có thể chiếm ưu thế trước chiến hạm Trung Quốc nhờ năng lực trinh sát tầm xa nếu nổ ra xung đột, theo chuyên gia Nga Konstantin Sivkov.

Hải quân Mỹ hôm 12/2 công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2021, yêu cầu đặt mua 1.625 tên lửa các loại, trong đó hơn một nửa là vũ khí chống hạm tầm xa, tăng gấp 10 lần so với đề xuất cách đây 5 năm. Đây dường như là biện pháp nhằm đối phó các nỗ lực tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trung Quốc gần đây xây dựng sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, với tốc độ đáng kể nhằm cạnh tranh với Mỹ trên Thái Bình Dương. Với việc hải quân Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ cho vũ khí diệt hạm siêu thanh, nhiều người lo ngại tàu sân bay Mỹ sẽ thất thế trước uy lực của loại vũ khí này nếu nổ ra các trận chiến lớn trên biển với Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, Konstantin Sivkov, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, dự đoán rằng nếu cuộc đối đầu giữa tàu sân bay hai bên nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ giành được lợi thế.

“Vai trò cốt lõi quyết định kết quả các trận hải chiến ngày nay không phải nằm ở sức mạnh và số lượng vũ khí tấn công, mà chính là năng lực trinh sát trong không gian tác chiến. Hải quân Mỹ vượt trội trong phương diện này và có thể áp đảo ưu thế tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc”, Sivkov bình luận trong bài viết trên tạp chí Công nghiệp Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga vào cuối năm 2019.

Sivkov chỉ ra rằng trong cuộc đối đầu giữa tàu sân bay Mỹ và Nhật Bản hồi Thế chiến II, đặc biệt là trận Midway, kết quả thắng bại phụ thuộc vào bên nào phát hiện ra tàu sân bay đối phương sớm hơn. Bên phát hiện sớm kẻ địch sẽ chủ động triển khai các đòn tập kích đường không từ xa vào mục tiêu đã bị lộ diện, đẩy đối phương vào tình thế bị động chống đỡ.

Mỹ đang sở hữu lực lượng tàu sân bay lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc mới chỉ biên chế hai tàu sân bay gồm Liêu Ninh và Sơn Đông. Bắc Kinh đang ấp ủ tham vọng đóng thêm ít nhất hai tàu sân bay nhằm triển khai sức mạnh tại Tây Thái Bình Dương, thậm chí xa hơn.

“Trung Quốc thiếu khả năng triển khai sức mạnh tầm xa do thiếu mạng lưới căn cứ ở nước ngoài. Một cuộc chiến tàu sân bay sẽ nổ ra xung quanh những căn cứ trong phạm vi từ 1.500 km từ bờ biển Trung Quốc hoặc lãnh thổ một quốc gia thân thiện với Bắc Kinh trên Ấn Độ Dương”, Sivkov nhận định.

Sự yếu thế của không đoàn trên hạm với chủ lực là tiêm kích J-15 buộc Bắc Kinh tìm cách tác chiến trong tầm bắn của tên lửa diệt hạm phóng từ mặt đất và máy bay đóng quân trên đất liền. Hải quân Trung Quốc cũng phải phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và vệ tinh để định vị nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Tàu sân bay Sơn Đông trong lễ biên chế hôm 17/12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông trong lễ biên chế hôm 17/12/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Ngược lại, tàu sân bay Mỹ có thể mang theo máy bay cảnh báo sớm E-2C/D và phi cơ tác chiến điện tử EA-18G, kết hợp với máy bay cảnh báo sớm cất cánh từ căn cứ đồng minh. Sivkov cho rằng lực lượng Trung Quốc chỉ đủ sức xác định vị trí tương đối của tàu sân bay Mỹ, trong khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ có thể phát hiện chính xác hướng di chuyển của đối phương.

Chuyên gia Nga cũng đề ra một kịch bản đối đầu giả định giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc. “Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, các bên đều chịu những tổn thất nhất định. Trung Quốc có thể thiệt hại một hoặc hai tàu ngầm, một tàu mặt nước, hai hoặc ba máy bay trinh sát và 2-4 tiêm kích. Về phía Mỹ, tổn thất nặng nề nhất với họ sẽ là mất một tàu ngầm, một hoặc hai máy bay trinh sát và 4 tiêm kích”, Sivkov cho hay.

Trong giai đoạn tiếp theo, Sivkov ước tính tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể triển khai khoảng 6 tiêm kích tấn công, số còn lại phải làm nhiệm vụ tuần tra phòng thủ. Những chiếc J-15 có thể phóng tên lửa chống hạm nhằm tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa một số tàu khu trục ở vòng ngoài nhóm tàu sân bay Mỹ. Ngược lại, tàu sân bay Mỹ có thể triển khai hơn 30 tiêm kích để tập kích đối phương.

“Mô phỏng tình hình tại thời điểm này cho thấy nhóm tàu sân bay Trung Quốc có cơ hội thuận lợi để tấn công nhưng sẽ mất tới 40-50% tiềm lực. Một loạt bắn với hàng chục tên lửa chống hạm YJ-18 có 20-30% cơ hội loại tàu sân bay Mỹ khỏi cuộc chiến. Hiệu quả phản công của tiêm kích Mỹ đối với tàu sân bay Trung Quốc có thể đạt tới 40-50%”, Sivkov cho hay.

Nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Thái Bình Dương hồi tháng 1. Ảnh: US Navy.

Nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Thái Bình Dương hồi tháng 1. Ảnh: US Navy.

Thiệt hại nặng sẽ buộc lực lượng Trung Quốc phải rút lui. Tàu sân bay Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa, thậm chí bị đánh chìm cùng 4-5 tàu hộ vệ, hai tàu ngầm và hơn nửa số máy bay trên tàu. Nhóm tàu Mỹ sẽ thiệt hại không quá 3 tàu chiến, 20% không đoàn trên hạm. Riêng tàu sân bay Mỹ chỉ bị hư hại nhẹ, thậm chí không hề hấn gì.

“Nói cách khác, nhóm tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị đánh bại và mất khả năng chiến đấu. Lực lượng Mỹ sẽ giành chiến thắng mà không mất quá nhiều sức mạnh”, Sivkov nêu quan điểm, khẳng định đây là tình huống phức tạp với nhiều giả định được đưa ra, như mỗi bên chỉ có một tàu sân bay và không sử dụng lực lượng hỗ trợ bên ngoài.

Chuyên gia Nga cho rằng các trận chiến giữa tàu sân bay trong thế kỷ 21 sẽ tương tự mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, khi máy bay cất cánh từ mặt đất và tàu ngầm chỉ đóng vai trò thứ yếu, còn cuộc chiến thực sự diễn ra giữa các không đoàn xuất phát từ tàu sân bay. “Dù vậy, tên lửa đạn đạo chống hạm, oanh tạc cơ trang bị tên lửa siêu thanh và tàu ngầm hiện đại có thể thay đổi mô hình này”, Sivkov cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới