Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tiếp tục nỗ lực bảo vệ luật pháp quốc tế ở...

Mỹ tiếp tục nỗ lực bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Sau 3 năm bồi đắp, mở rộng các cấu trúc, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo đó, Trung Quốc nay có khả năng triển khai đều đặn các tàu tuần duyên và hải quân, liên tục tiến hành quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia, cũng như ngăn cản hoạt động đánh bắt cá của các nước.

Trong năm 2019, Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây bất bình với các nước ven Biển Đông như cho tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm lấn, ngăn cản các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia; bảo vệ, hỗ trợ tàu cá Trung Quốc xâm phạm, đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia; hối thúc Philippines “cùng khai thác” trong vùng biển của Philippines.

Nhiều chuyên gia quốc tế dự báo với bản chất hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh thì“sự cố” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhận thức rõ thách thức mà Bắc Kinh tạo ra đối với trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, Mỹ tăng cường Chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông cả về tần suất lẫn quy mô.

Trong năm 2019, Hải quân Mỹ đã thực hiện 7 cuộc tuần tra hàng hải trong khuôn khổ Chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOP), nhiều hơn bất cứ năm nào khác kể từ 2015, khi Mỹ bắt đầu thách thức mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đặt Mỹ và các đồng minh vào thế đối đầu với Bắc Kinh; khẳng định các cuộc tuần tra FONOP đã được thiết kế để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về quyền hàng hải và chủ quyền lãnh thổ tại nhiều quần đảo trong khu vực.

Trang mạng tin quốc phòng của Mỹ nói trong các cuộc tuần tra hàng hải này, các chiến hạm Mỹ tiến vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các cấu trúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và được Bắc Kinh tiến hành bồi đắp, mở rộng và biến thành các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra FONOP là dấu hiệu để Trung Quốc thấy rõ Mỹ coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “quá đáng” và Mỹ không thể chấp nhận cách hành xử của Trung Quốc.

Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương, bà Rachel McMarr nói hải quân Mỹ tiếp tục thể hiện quyết tâm thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh “Mỹ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới. Tất cả các hoạt động của Mỹ được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm mục đích chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ điều máy bay, tàu thuyền, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Trước các hoạt động ngày càng leo thang của Bắc Kinh, Mỹ không chỉ tăng cường FONOP của lực lượng Hải quân ở Biển Đông mà từ năm 2019 còn điều thêm các tàu chiến đấu ven bờ thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ đến hoạt động ở Biển Đông. Hoạt động FONOP đầu tiên của Mỹ trong năm 2020 gần các thực thể đá Chữ Thập và Gạc Ma hồi cuối tháng 1/2020 là do tàu chiến ven bờ USS Montgomery thực hiện.

Bắc Kinh thì cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ gây bực dọc và coi đây là các hành động trái phép, vi phạm các vùng biển của họ. Nguyên nhân của việc Mỹ tăng cường can dự vào Biển Đông thông qua các hoạt động FONOP là do những hành động hung hăng, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông của Bắc Kinh. Nhưng Bắc Kinh lại vu cáo các hoạt động của Washington là nhằm kích động căng thẳng.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng trong khi Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng thì việc Mỹ tăng cường các cuộc tuần tra FONOP ở Biển Đông là rất cần thiết cho việc duy trì hòa bình ổn định, tự do hàng hải hàng không và bảo vệ luật pháp ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lo ngại cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra một bầu không khí bất an trong khu vực.

Trung Quốc trong hàng chục năm qua luôn phản đối các nước khác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, song cách tiếp cận của Trung Quốc trong những năm gần đây đã thay đổi, nhất là sau khi họ cơ bản hoàn thành việc quân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng ở Biển Đông. Bắc Kinh đã lấn thêm một bước trong việc gây sức ép với các nước láng giềng ven Biển Đông.

Trung Quốc dùng hàng chục tàu các loại (hải cảnh và dân quân biển) ngăn chặn các nước trong vùng tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí. Mới đây nhất, Bắc Kinh đẩy mạnh việc “quấy rối” hoạt động thăm dò tại các lô đã có từ trước, như các dự án của Rosneft liên doanh với Việt Nam, và cũng có bằng chứng cho thấy Trung Quốc làm điều tương tự với các dự án của Malaysia.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh trắng trợn yêu cầu các nước ven Biển Đông không được hợp tác khai thác dầu khí với các nước bên ngoài, đồng thời lớn tiếng vu cáo Mỹ can thiệp vào Biển Đông. Thử hỏi nếu không có sự “cầm trịch” của Mỹ ở Biển Đông bằng các hoạt động FONOP thì Trung Quốc sẽ còn hung hăng đến mức nào?

Những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang thi hành một chính sách bá quyền, bành trướng ở Biển Đông để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Những hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông là yếu tố rất quan trọng cho việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, thúc đẩy thực thi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc. Những nỗ lực của Mỹ đáng được hoan nghênh.

RELATED ARTICLES

Tin mới