Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgũ nhãn liên thủ đối phó TQ, Triều Tiên

Ngũ nhãn liên thủ đối phó TQ, Triều Tiên

Liên minh chia sẻ tình báo Ngũ nhãn đang kết hợp với nhiều đối tác nhằm tăng cường giám sát hoạt động của CHDCND Triều Tiên cũng như sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mở rộng giám sát Triều Tiên

Hãng Kyodo News mới đây dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản và Mỹ cho biết liên minh chia sẻ tình báo Ngũ nhãn (Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc) vừa thành lập cơ chế mới nhằm mở rộng hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp để đối phó Triều Tiên cũng như Trung Quốc.
Được phát triển từ thỏa thuận chia sẻ tình báo giữa Anh và Mỹ sau Thế chiến 2, các thành viên liên minh Ngũ nhãn chia sẻ với nhau những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn tình báo nhằm đối phó với mối đe dọa trong lẫn ngoài nước.
Trong bối cảnh vấn đề Triều Tiên vẫn còn bế tắc và Trung Quốc ngày càng gia tăng năng lực trong các lĩnh vực mới như không gian và an ninh mạng, phương Tây được cho là muốn mở rộng mạng lưới tình báo để có thể giám sát và đối phó.
Theo Kyodo News, đại diện của 8 nước “Ngũ nhãn + 3” đã gặp gỡ vào cuối năm 2019 để bàn bạc về cơ chế hợp tác mới, theo đó nhóm này sẽ theo dõi một cách toàn diện hơn các hoạt động quân sự của Triều Tiên, ngoài những phân tích về các vụ phóng tên lửa đạn đạo mà Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện trong thời gian qua.
Những nhiệm vụ đầu tiên đã được triển khai với trung tâm chỉ huy điều phối là tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Mỹ, đồn trú tại cảng Yokosuka (Nhật Bản). Theo Kyodo News, các nước Ngũ nhãn + 3 đã và đang theo dõi việc giao thương trái phép trên biển của tàu thuyền Triều Tiên.
 

Liên thủ đối phó Trung Quốc

Cùng với đó, Ngũ nhãn cũng mở rộng hợp tác với các nước để tăng cường trao đổi thông tin tình báo về năng lực quân sự, hoạt động can thiệp, gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc.
Reuters hồi năm ngoái dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết những cuộc đối thoại giữa 5 thành viên Ngũ nhãn và các nước đồng quan điểm như Đức, Pháp hay Nhật Bản đã âm thầm diễn ra với mật độ thường xuyên hơn, nhằm thảo luận về cách đối phó với chiến lược quốc tế của Trung Quốc.
Tuyên bố sau cuộc họp giữa các thành viên Ngũ nhãn ở TP.Gold Coast (Úc) tháng 8.2018 nêu rằng liên minh sẽ sử dụng các mối quan hệ đối tác toàn cầu nhằm thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp nước ngoài.
Mặt khác, việc Trung Quốc tăng cường năng lực trên những lĩnh vực mới như không gian vũ trụ và an ninh mạng cũng được các nước Ngũ nhãn đặc biệt chú ý. Theo tờ The Mainichi, liên minh này từ đầu năm 2018 đã lập cơ chế hợp tác mới với Đức, Nhật Bản và Pháp để đối phó với các hoạt động tấn công mạng từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Nhật Bản – “con mắt thứ 6”

Các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng trong số các đối tác nói trên thì Nhật Bản gần như trở thành “con mắt thứ 6” của liên minh Ngũ nhãn.
Ngoài vị trí nằm gần với cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc, Nhật Bản còn sở hữu năng lực thu thập thông tin đáng kể, thông qua các vệ tinh cũng như hoạt động tình báo tín hiệu, nên được cho là đóng vai trò lớn trong việc theo dõi hoạt động của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Về phần mình, Nhật Bản từ lâu mong muốn trở thành thành viên chính thức của liên minh Ngũ nhãn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn tình báo Mỹ, trong bối cảnh tương lai của thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự song phương với Hàn Quốc bị đặt dấu hỏi lớn sau những căng thẳng giữa hai nước hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Garren Mulloy tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) nhận định các thành viên cốt lõi của Ngũ nhãn sẽ không chia sẻ toàn bộ thông tin cho các đối tác như Nhật Bản mà sự hợp tác sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phòng thủ tên lửa.
Mỹ cam kết với Ngũ nhãn
Phát biểu trong chuyến thăm Anh tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố mối quan hệ giữa các thành viên liên minh Ngũ nhãn vẫn vững mạnh và sẽ được duy trì bất chấp Anh vừa cho phép Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G.
Giới chức Mỹ cho rằng sản phẩm của Huawei có khả năng ẩn chứa những “cửa hậu” bí mật tạo điều kiện cho việc xâm nhập đánh cắp dữ liệu dù tập đoàn trên và chính quyền Trung Quốc lâu nay bác bỏ cáo buộc này.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Pompeo vẫn giữ nguyên những lo ngại về tính bảo mật của các thiết bị do Huawei cung cấp và cho biết sẽ tìm cách hóa giải sự khác biệt về vấn đề này với chính quyền Anh.
RELATED ARTICLES

Tin mới