Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTình hình Biển Đông hiện đang rất căng thẳng do Trung Quốc...

Tình hình Biển Đông hiện đang rất căng thẳng do Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài

Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam đã tổ chức một hội thảo về đề tài Biển Đông với chủ đề “Việt Nam với chủ quyền trên biển Đông”. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm rằng tình hình Biển Đông hiện đang rất căng thẳng bởi các bất đồng liên quan tới đường chín đoạn hay mười đoạn của Trung Quốc và việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye.

Trong khuôn khổ tuần lễ văn hóa Việt Nam đang diễn ra tại thành phố Saint-Brieuc, phía Tây Bắc nước Pháp, nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã được tổ chức. Nổi bật trong số các hoạt động này là hội thảo về tình hình Biển Đông, do Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam tổ chức. Buổi hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Jacques Bourgain, Chủ tịch Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam và ông Daniel Schaeffer, Nguyên tướng lĩnh quân đội Pháp, nhà nghiên cứu về châu Á và Biển Đông.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích tình hình biển Đông, từ các vấn đề lịch sử đến các vấn đề đang diễn ra trên thực địa hiện nay; thống nhất quan điểm rằng tình hình Biển Đông hiện đang rất căng thẳng bởi các bất đồng liên quan tới đường chín đoạn hay mười đoạn của Trung Quốc và việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye. Theo nhà nghiên cứu Daniel Schaeffer Daniel Schaeffer, từ vài tháng nay, Trung Quốc ra tăng sức ép lên các quốc gia láng giềng, chẳng hạn như các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam hay việc các tàu cá và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, rồi việc quấy rối các tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Rõ ràng, tham vọng của Trung Quốc là biến Biển Đông thành vùng biển của riêng nước này. Trước tình hình trên, Việt Nam đã thể hiện thái độ đúng mực và can đảm. Thái độ này của Việt Nam cần được các quốc gia như Malaysia và Indonesia làm theo. Ông Daniel Schaeffer cũng hy vọng với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tập hợp được các nước trong khu vực, đặc biệt trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên trên Biển Đông (COC). Bởi khi như cách hành xử hiện nay của Trung Quốc và khi nước này vẫn chưa gỡ bỏ đường chín đoạn theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye, thì nếu các nước như Việt Nam, Philippines hay Malaysia đánh bắt cá hay khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của họ nhưng bị đường chín đoạn bao phủ, các nước này lại bị Trung Quốc coi là vi phạm và sẽ bị Trung Quốc tấn công. Cùng quan điểm trên, ông Alain Rubé, Phụ trách truyền thông của Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã thể hiện lập trường khiêu khích đối với Việt nam trên Biển Đông và muốn độc chiếm khu vực biển này, vốn bao quanh các bờ biển Việt Nam. Chúng tôi cũng biết được rằng, những người bạn Việt Nam đã rất cảnh giác với điều đó nhằm tránh khỏi bất cứ xung đột quân sự nào. Việt Nam đã rất cẩn trọng, không hề có chính sách khiêu khích nhưng cũng tỏ ra rất đáng tiếc đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Được biết, Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Biển Đông cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Trong những năm gần đây, quan chức cấp cao của Pháp đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này. Theo đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (4/2018) đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” (ám chỉ ngăn ngừa mọi tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông). Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/3/2017), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Nhật ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo (ám chỉ hành động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (hiện là Ngoại trường Pháp) cho biết Hải quân Pháp đã nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng Pháp sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne khẳng định, Pháp quan tâm thực thi nguyên tắc tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực với tư cách là một tác nhân quan trọng tại Thái Bình Dương – châu Đại dương; kêu gọi các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của Pháp; khẳng định là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp có quyền và trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển quốc tế; cho rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng hưởng lợi từ việc đảm bảo dòng chảy thương mại được tự do và ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương.

Mới đây, trong cuộc gặp giữa tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery và Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Đại sứ Pháp nhấn mạnh Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề biển Đông là phải đàm phán đa phương dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không. Về hợp tác song phương, ông Nicolas Warnery cho rằng quan hệ Pháp – Việt Nam đang phát triển ở tầm cao mới mà biểu hiện sinh động là nhiều dự án hợp tác giữa 2 nước đang được triển khai. Trong khi đó, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá cao quan điểm của Pháp về Biển Đông, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời mong muốn Pháp và Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).

RELATED ARTICLES

Tin mới