Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến lược xoay trục của ông Duterte: Chia tay Mỹ, ngả vào...

Chiến lược xoay trục của ông Duterte: Chia tay Mỹ, ngả vào Nga

Việc Philippines chính thức tuyên bố đơn phương chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998 và Nga thông báo đang đàm phán thỏa thuận quân sự với Philippines cho thấy chiến lược xoay trục của Tổng thống Duterte đang dần hình thành.

Nga muốn thay thế Mỹ hiện diện quân sự ở Philippines

Ngay sau khi Philippines tuyên bố chấm dứt VFA với Mỹ, Thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại Manila Denis Karanin (12/2) cho biết, các quan chức Nga và Philippines đang thảo luận về một thỏa thuận tăng cường hoạt động huấn luyện quân sự và trang bị quốc phòng cho Philippines. Ông Denis Karanin cho biết “một bên đã đưa ra bản dự thảo và đã có bản dự thảo của bên còn lại”. Ông cũng lạc quan rằng quá trình đàm phán “đã bước vào giai đoạn cuối cùng”; đồng thời nhận định thỏa thuận trên sẽ tạo ra “nền tảng cơ bản” và “khuôn khổ” cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước và sẽ “giúp cho tất cả các dự án kỹ thuật quân sự trở nên dễ dàng hơn”. Về một số nội dung cụ thể trong thỏa thuận, ông Karanin “lạc quan” về khả năng công ty quốc phòng Nga Kalashnikov có thể xây dựng một nhà máy lắp ráp vũ khí ở Philippines. Tuy nhiên, khả năng Nga xây dựng căn cứ hậu cần hải quân ở Minala vẫn chưa được quyết định. Mặc dù vậy, Nga mong muốn và “hoàn toàn sẵn lòng chia sẻ một số công nghệ của mình” với đối tác Philippines chứ không chỉ riêng hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Hiện công ty an ninh mạng Bizon của Nga “đã ký hợp đồng với một số cơ quan chính phủ Philippines để tăng cường năng lực an ninh mạng”. Trong khi đó, nhà cung cấp các giải pháp an ninh mạng Kaspersky Lab cũng muốn hiện diện lâu dài ở Philippines.

Đánh giá của dư luận

Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhìn chung cho rằng đây là một động thái xoay trục của Tổng thống Duterte nhằm cân bằng quan hệ với các nước lớn và bảo vệ lợi ích của Manila. Chuyên gia an ninh của Philippines Chester Cabalza cho rằng động thái này của Tổng thống Duterte nhằm củng cố chính sách ngoại giao độc lập táo bạo hơn trước khi ông rời nhiệm sở sau hai năm nữa, bằng việc đa dạng quan hệ đối tác chiến lược của Philippines với các đồng minh phi truyền thống. Trụ cột đối với Nga là sự kết hợp giữa an ninh kinh tế và quan hệ quân sự vì cường quốc này được coi là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cũng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines chống lại tham vọng của Bắc Kinh. 

Trong khi đó, chuyên gia lịch sử quân sự Jose Antonio Custodio lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng Nga sẽ trở thành rào cản chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Nga sẽ không hành động thay mặt cho Philippines ở biển Đông và trong các vấn đề với Trung Quốc. Ngoài ra, động thái thắt chặt quan hệ Philippines-Nga diễn ra sau khi ông Duterte hủy bỏ thỏa thuận VFA với Washington. Việc này có thể “đẩy sự thất vọng của Mỹ lên cao tới mức có thể xem Philippines là người hỗ trợ cho một đối thủ lớn của Mỹ. Hậu quả của việc bị xem như một công cụ của Nga có thể phải trả giá bằng các lệnh trừng phạt và việc Washington rút các khoản hỗ trợ cho Manila.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng Nga-Philippines hiện vấp phải giới hạn rất lớn về mặt kỹ thuật. Vũ khí mà Philippines quen sử dụng đến nay là vũ khí Mỹ và phương Tây, nay nếu trang bị thêm vũ khí của Nga, vấn đề tương tác giữa vũ khí mới và hiện có được đặt ra. Mặt khác, còn vấn đề chi phí. Nga rất muốn bán tàu ngầm hay máy bay cho Philippines, nhưng liệu Manila có ngân sách để nâng cấp quân đội của mình hay không, khi biết rằng cho đến nay, hải quân Philippines chẳng hạn, chủ yếu dùng loại tàu cũ của Mỹ được tân trang.

Được biết, trong hai năm trở lại đây, quan hệ Philippines – Nga đã có những cải thiện đáng kể. Trong đó, nổi bật nhất là chuyến thăm Nga của Tổng thống Duterte (1-5/10/2019). Trong chuyến thăm trên, Nga và Philippines đã ký kết 11 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, các biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thương mại, đầu tư, công nghiệp, vận tải, văn hoá và nghệ thuật, du lịch cũng như kế hoạch tham vấn giữa bộ ngoại giao hai nước. Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Duterte thể hiện quan điểm rằng Philippines cần một đối tác đáng tin cậy và một nguồn cung cấp vũ khí hiện đại để chống khủng bố. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi vào năm ngoái, Mỹ đã từ chối bán 27.000 khẩu súng trường cho Philippines với cáo buộc Manila vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Duterte đã có cuộc gặp với các lãnh đạo của Rosneft, bao gồm cả Giám đốc điều hành Igor Sechin để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác dầu khí giữa các doanh nghiệp Philippines và Rosneft. Trong lời mời gọi hấp dẫn đưa ra với lãnh đạo Rosneft, ông Duterte cam kết các khoản đầu tư đổ vào Philippines sẽ an toàn và chính quyền của ông không bao giờ dung thứ cho tham nhũng.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chấp nhận lời mời tới thăm Philippines vào thời gian tới. Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm này sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Cựu Đại sứ Philippines Lauro Baja cho biết, nếu chuyến thăm thành hiện thực, đây sẽ là sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn đối với cả hai nước và trong hơn 40 năm qua, chưa có Tổng thống Nga nào tới thăm Philippines; đồng thời cho rằng Philippines từng không được Nga quan tâm, nhưng giờ Nga đã nhận ra được tầm quan trọng chiến lược của Philippines về mặt chính trị khu vực. Ngoài ra, Nga cũng biết rằng Trung Quốc đã để mắt tới Philippines và có thể triển khai một số dự án tại Manila. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga vẫn là những đối thủ cạnh tranh gay gắt về tầm ảnh hưởng và lợi ích. Nga có vài ý tưởng như bán vũ khí và thúc đẩy các thỏa thuận kỹ thuật. Đây là những diễn biến tuyệt vời nhưng vẫn còn quá sớm để nói được điều gì. Nhưng tính tới thời điểm này, Tổng thống Duterte đã gửi lời mời và Tổng thống Putin đã chấp nhận. Còn theo ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạnh hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, Mỹ cũng sẽ giám sát những diễn biến liên quan tới Philippines. Nga đang gấp rút tăng cường tầm ảnh hưởng trong khu vực và không còn nghi ngờ gì nữa việc hợp tác với một đồng minh lâu năm của Mỹ là Philippines được coi là phần thưởng đối với Moscow. Không có gì có thể ngăn Philippines tiến tới hợp tác an ninh với Nga. Ông Poling cho rằng, Mỹ sẽ tỏ ra quan ngại nếu mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Philippines liên quan tới các nền tảng quân sự bởi nó sẽ đối lập với nền tảng và học thuyết chung mà Mỹ và Philippines hay những đối tác an ninh lớn của Washington là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng. Mỹ sẽ lo ngại về việc bất cứ thương vụ hay hợp tác nào giữa Nga và Philippines đe dọa tới an ninh thông tin và hợp tác tình báo giữa Mỹ và Philippines. Và cuối cùng, nếu Philippines mua vũ khí của Nga, Mỹ sẽ phải áp đặt lệnh trừng phạt với Manila.

Nhìn chung, việc Philippines quyết định chấm dứt thỏa thuận VFA với Mỹ và tăng cường quan hệ với Nga là một quyết định phưu lưu, nó cho thấy Tổng thống Duterte đang tìm mọi cách giảm ảnh hưởng của Washington đối với Manila. Tuy nhiên, với việc Mỹ – Philippines là đồng minh lâu năm và ảnh hưởng kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự của Mỹ ở Philippines còn quá lớn, nên hành động cân bằng ngoại giao nước lớn của ông Duterte thành công hay không còn là một ẩn số rất lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới