Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, cần kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng Luật Biển 1982; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trả lời cử tri Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và nhất là trên lĩnh vực truyền thông báo chí để nhân dân kịp thời có đầy đủ thông tin chính xác về tình hình trên Biển Đông, đồng thời xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản chính thức cho biết:
Về công tác tuyên truyền, Bộ Quốc phòng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó có lĩnh vực truyền thông báo chí. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Hàng năm và trước các sự kiện phức tạp diễn ra ở Biển Đông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, thời gian qua, công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tiến hành đồng bộ, bài bản, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Liên quan vụ việc việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đồng thời đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa. Theo đó, những nỗ lực của Việt Nam đã góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông; buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời, Việt Nam kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội; công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành bài bản dưới nhiều hình thức khác nhau.
Về kiến nghị xem xét khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng cho biết: Việt Nam thống nhất rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp. Trên cơ sở này, Bộ Quốc phòng cho rằng, cần kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo đúng Luật Biển 1982; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập; giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.
Theo Bộ Quốc phòng, dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước. Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp”. Tuy nhiên, cũng lưu ý cần kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cần đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp xảy ra.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến của giới chức Việt Nam về việc kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Tại phiên họp Quốc hội (30/10/2019), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các phương pháp Việt Nam sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Việt Nam cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là không bao giờ nhân nhượng với những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; cho hay rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc về việc xâm phạm bãi Tư Chính mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá Biển Đông trong suốt thời gian qua. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung (6/11/2019) cho rằng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông có nhiều biện pháp bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này. Tuy nhiên, trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý.
Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả và truyền thông khu vực, quốc tế cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, đồng thời bày tỏ tin tương Việt Nam sẽ giành chiến thắng nếu kiện Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, Việt Nam cần tham khảo hồ sơ pháp lý trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA), đồng thời cần xem xét trên một số khía cạnh: Tuyên bố Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền với các vùng biển tính từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), yêu sách từ đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS; Giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở biển Đông; Xác định hành vi của tàu Trung Quốc trong thời gian gần đây (tàu hải giám, hải cảnh, tuần ngư… thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) phá hỏng, đánh chìm tàu Việt Nam, gây thương tích cho người Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực; Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và việc Trung Quốc dùng các tàu của mình ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan HD 981, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS;Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với các Điều 47, 48, 49 và 121 của UNCLOS; Tuyên bố hành vi bồi đắp, xây dựng với quy mô rất lớn của Trung Quốc (trên các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng) trên Biển Đông là trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS… Tuy nhiên, giới học giả cũng cho rằng do bản chất của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa là tranh chấp chủ quyền, không phải là diễn giải và áp dụng UNCLOS. Cho nên, cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS không bao gồm những tranh chấp mà bản chất là tranh chấp chủ quyền. Tòa án Công lý Quốc tế cũng không có thẩm quyền để xử tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi mọi bên trong tranh chấp đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa bằng một trong những hình thức trong Điều 36 và 37 của Quy chế của Tòa, và hiện nay điều kiện đó chưa được đáp ứng. Do đó, Việt Nam chưa nên kiện về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.