Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang diễn biến phức tạp và thay đổi không ngừng thì hợp tác vẫn là xu thế chiếm vai trò chủ đạo. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mối quan hệ song phương như quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” Việt Nam – Nhật Bản được đánh giá là một trong những cặp quan hệ phát triển tích cực và đang đóng góp nhiều cho sự hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Những dấu mốc quan trọng của quan hệ Việt – Nhật
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã tiến hành trao đổi đại sứ quán, khởi động giao lưu, trao đổi đoàn và ký Thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 1979, các hoạt động giao lưu giữa hai nước bị hạn chế, các khoản viện trợ đang thực hiện bị tạm ngưng. Năm 1992 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó, quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… giữa hai nước được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy từng bước tăng lên. Năm 2002, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 10/2006, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, đến tháng 4/2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Hai năm tiếp đó, quan hệ song phương được mở thêm một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước ký các tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (10/2010) và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (10/2011). Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để tháng 3/2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Đặc biệt, tháng 9/2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam – Nhật Bản”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị – ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân…
Kết quả quan hệ song phương góp phần tạo động lực phát triển chung cho khu vực
Về chính trị – ngoại giao, trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai bên luôn được củng cố và mở rộng, ngày càng đi vào thực chất. Hiện nay, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, cũng như các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành. Về giao lưu cấp cao, từ khi nối lại quan hệ ngoại giao (1992) đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm lẫn nhau, như: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 10 lần, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam 2 lần, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamadaki thăm Việt Nam (12/2015), Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam (2/2009), Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam (28/2-5/3/2017). Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản 4 lần, Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản 2 lần, Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản 9 lần, Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 3 lần. Hợp tác giữa hai quốc hội được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao và giữa các ủy ban chuyên môn, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam. Các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản về ngoại giao – an ninh – quốc phòng, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản, Đối thoại An ninh; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và nông nghiệp… được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc… Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 – 2017 và Nhật Bản ủng hộ Việt Nam vào vị trí này nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai bên cùng nhau phối hợp chặt chẽ thúc đẩy để ký kết, phê chuẩn và đang hợp tác triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về kinh tế – thương mại, Nhật Bản luôn giữ vững vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, trở thành nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Kể từ khi nối lại việc cấp ODA cho Việt Nam (1992) đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm hơn 1/3 tổng ODA của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam, với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được phân bổ vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt, như nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, công nghệ – thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững. Thông qua các nguồn ODA của Nhật Bản, nhiều dự án của Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, trở thành biểu tượng sinh động cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như nhà ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Nhật Bản hiện có gần 4.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản…, với hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và hình thức hợp đồng BOT. Năm 2017 và 2018, Nhật Bản liên tục trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư kỷ lục lần lượt đạt hơn 9,11 tỷ USD và 8,59 tỷ USD (8). Để đẩy mạnh hơn nữa dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hai bên tích cực triển khai chương trình hành động “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam”, gọi tắt là “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản”, đã được hai nước ký kết vào tháng 4/2003. Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (1999). Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực (10/2009), đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản – ASEAN (AJCEP), VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 33,4 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước. Năm 2018, tổng giá trị xuất – nhập khẩu giữa hai nước đạt 37,860 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2017.
Trong vấn đề Biển Đông
Tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước khẳng định tiếp tục tích cực hợp tác nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Là nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mê Công với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Hai nước cũng nhất trí tiếp tục cùng nhau và cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển…
Hai bên đều nhất trí tích cực thúc đẩy và trao đổi quốc phòng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp, quy định và chính sách quốc gia của mỗi nước. Cụ thể là, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp thăm lẫn nhau, tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng định kỳ cấp thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng quốc tế và khu vực; đồng thời hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương, nhằm kết nối một cách hiệu quả khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Nhìn chung, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang tiếp tục trên đà phát triển nhiều triển vọng. Những nền tảng tốt đẹp của lịch sử hợp tác và tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới tươi sáng hơn nữa, nhằm tạo ra sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.