Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐể giảm áp lực, chỉ trích trong nước, TQ sẽ chọn gây...

Để giảm áp lực, chỉ trích trong nước, TQ sẽ chọn gây hấn ở Biển Đông hay Đài Loan

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona ở Trung Quốc chưa thể khống chế, khiến người dân trong nước đang ngày càng lên án, chỉ trích sự yếu kém của Chính quyền. Để giảm bớt áp lực, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách hướng lái dư luận và kích động tinh thần dân tộc bằng cách đẩy căng thẳng lên cao ở Biển Đông, eo biển Đài Loan hoặc Hoa Đông.

Người dân bất mãn với chính quyền do virus 2019-nCoV

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung Quốc, tính đến 17/2, trên trên thế giới có tổng cộng 71.231 ca nhiễm và 1.770 ca tử vong (gồm 1.767 người chết ở Trung Quốc đại lục, 1 người ở Philippines, 1 người ở Hồng Kông và 1 người ở Nhật Bản). Hồ Bắc, nơi có 58 triệu dân, chiếm hơn 80% trong tổng số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 (nCoV) và 96% số ca tử vong vì virus này tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế Hồ Bắc cho biết, trong ngày 16/2, địa phương này có thêm 100 người chết vì virus corona chủng mới, trong khi số ca nhiễm mới tăng 1.933 ca.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì ngày 13/2, các nhà chức trách nước này đã nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp khác nhau cho từng địa phương trong “cuộc chiến” này.Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đề nghị tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện phương pháp điều trị và tiến hành nghiên cứu các loại thuốc điều trị.Ban chỉ đạo khẳng định việc phòng và kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt là tại thủ phủ Vũ Hán của tỉnh này, vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đề nghị Vũ Hán tăng cường việc tiếp nhận bệnh nhân nhập viện và cách ly các ca nghi nhiễm, Ban chỉ đạo cũng chỉ thị các thành phố bị ảnh hưởng lớn trong tỉnh Hồ Bắc, như Hiếu Cảm và Hoàng Cương, tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt giống như tại Vũ Hán trong công tác giám sát, cách ly và điều trị bệnh.Theo biên bản cuộc họp, Ban chỉ đạo nhấn mạnh cần bổ sung y bác sĩ tại Hồ Bắc và Vũ Hán cũng như tăng cường kiểm soát các tuyến đường ra vào địa phương này.Nhiều biện pháp khác được nêu ra như giãn cách các chuyến đi lại đối với dòng người đông đảo sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.Mỗi tỉnh có trách nhiệm lập ra các chiến lược kiểm soát và phòng tránh dịch của riêng mình dựa trên các điều kiện đặc thù. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu sửa ngay những cách làm việc chưa đúng hay cực đoan.

Bất chấp nỗ lực của Chính quyền Trung Quốc, diễn biến dịch bệnh hiện nay được coi là đang dần mất kiểm soát và người dân đang lên án, chỉ trích sự yếu kém của chính quyền Bắc Kinh. Theo Đài RFI, ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của virus 2019-nCoV, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “tăng cường kiểm soát truyền thông và internet”. Cùng quan điểm trên, báo Le Monde của Pháp nhận xét việc quản lý khủng hoảng dịch corona hiện nay bị chỉ trích mạnh mẽ không chỉ trên mạng xã hội, mà cả từ truyền thông. Người ta không còn tự kềm chế việc phê phán chính quyền trung ương Trung Quốc.Bác sĩ, trí thức, nhà báo hoặc chỉ là những người dân bình thường…ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ hoặc thất vọng trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của virus 2019-nCoV. Phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong số bác sỹ đầu tiên cảnh báo về mối nguy hiểm do virus 2019-nCoV gây ra.

Biển Đông hay Đài Loan

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn thường sử dụng biện pháp hướng chú ý của dư luận trong nước sang những căng thẳng bên ngoài nhằm hạn chế sự chỉ trích của người dân, cũng như kích động tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc… Trong bối cảnh trên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chọn một số điểm nóng, nhạy cảm về tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh với các nước xung quanh để gây hấn. Theo đó, Trung Quốc có thể chọn tranh chấp ở Biển Đông, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, eo biển Đài Loan, khu vực Kashmir, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Tuy nhiên, xét từ nhiều khía cạnh cho thấy có ba phương án khả thi sau:

Phương án đầu, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động gây áp lực lên Đài Loan, bao gồm cả hoạt động quân sự, kinh tế và chính trị, nhằm thể hiện thái độ cứng rắn trong việc thống nhất với Đài Loan. Thông qua hành động trên, Trung Quốc sẽ tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước về diễn biến tình hình dịch bệnh, giảm sự chỉ trích, lên án của người dân; khích lệ tinh thần yên nước, lòng tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc; đồng thời nó cũng sẽ khiến người dân dần lấy lại niềm tin vào Chính quyền. Một trong những diễn biến mới để thấy được Trung Quốc đang chọn phương án này là việc Chiến khi miền Nam Trung Quốc (9-10/2) tổ chức diễn tập tác chiến trên biển tại khu vực eo biển Đài Loan. Liên quan hoạt động tập trận trên, Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc Trương Xuân Quân (10/2) cho biết, không quân Trung Quốc chủ yếu tiến hành diễn tập thực hiện các cuộc tấn công trên không, hỗ trợ hỏa lực và các khóa huấn luyện thực tế khác để tiếp tục kiểm tra năng lực tác chiến, khả năng chiến đấu chung. Theo ông Trương Xuân Quân, các lực lượng “Đài Độc” đã phớt lờ công lý quốc gia và đẩy mạnh việc theo đuổi “độc lập”. Lực lượng quân đội Trung Quốc luôn duy trì sự cảnh giác cao độ, theo sát tình hình và kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ chức năng của họ. Cùng ngày, Người phát ngôn Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc về công việc Đài Loan Mã Hiểu Quang cho biết, các nhà lãnh đạo của chính quyền Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) đã liên tục đưa ra những bài phát biểu gây chia rẽ với ý nghĩa là “lý thuyết hai nhà nước”. Cơ hội “độc lập” và công khai thực hiện những hành động khiêu khích nguy hiểm. Các hành động có liên quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan và bảo vệ lợi ích chung của đồng bào ở hai bên eo biển. Chính quyền DPP được khuyến cáo không chơi với lửa.

Phương án hai, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông. Hiện tại Trung Quốc chưa có hoạt động cụ thể ở Biển Đông, song không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ điều các tàu thăm dò, tàu khảo sát và lực lượng chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines. Có thể nói, để hướng lái dư luận trong nước trước tình trạng mất kiểm soát về dịch bệnh thì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là một trong những khu vực được Trung Quốc lựa chọn. Trong năm 2019, khi mà Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn, áp lực tứ bề như cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, biểu tình ở Hồng Công, bầu cử Đài Loan… khiến Bắc Kinh tìm mọi cách tăng cường hiện diện ở Biển Đông, điển hình nhất là vụ Trung Quốc ngang nhiên điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đây được cho là cách để Trung Quốc giảm nhiệt dân chúng, chuyển hướng dư luận trong nước sang các căng thẳng bên ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang chung tay, sát cánh với Trung Quốc để đối phó với dịch bệnh do virus 2019-nCoV gây ra thì ít khả năng Bắc Kinh sẽ chọn Biển Đông làm “điểm đột phá” để định hướng dư luận trong nước. Hiện tại, cái Trung Quốc cần là sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước lánh giềng, nên Bắc Kinh sẽ không dại gì gây hấn ở Biển Đông vào lúc này.

Phương án 3, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích ở các khu vực tranh chấp khác như Hoa Đông, biên giới với Ấn Độ… Phương án này sẽ khó khả thi, vì bản thân Trung Quốc cũng hiểu được, đây là những khu vực “gai góc” và bị Nhật Bản, Ấn Độ… sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn đáp trả, ngăn chặn. Do đó, Trung Quốc hầu như không có khả năng tìm cách gây hấn với Nhật Bản và Ấn Độ.

Nhìn chung, từ những vấn đề ở trên cho thấy, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ gia tăng hiện diện ở eo biển Đài Loan cũng như gia tăng sức ép chính trị, ngoại giao với Đài Bắc; đồng thời kiềm chế các hoạt động gây căng thẳng ở khu vực khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới